Xuân Son mở đường cho cầu thủ ngoại ở V-League
Tuyển Việt Nam vô địch ASEAN Cup 2024 (AFF Cup) có dấu ấn rất lớn của tiền đạo Nguyễn Xuân Son, người đóng góp tới 7 bàn thắng (dù chỉ chơi từ lượt cuối vòng bảng) - là Vua phá lưới cũng như Cầu thủ hay nhất của giải đấu.
Cũng từ thành công của Xuân Son, nhiều cầu thủ ngoại càng có thêm động lực nhập tịch để mong một ngày khoác lên sắc áo đỏ với ngôi sao vàng nơi ngực trái.
Bản thân HLV Kim Sang Sik cho biết ông luôn mở cửa với cầu thủ nhập tịch, miễn sao là đáp ứng các tiêu chí về chuyên môn, khát khao cống hiến.
Thực tế, hiện nay ở V-League có nhiều cầu thủ ngoại đang làm thủ tục nhập tịch hoặc chờ đủ điều kiện để trở thành công dân Việt Nam.
Đáng chú ý, Hendrio - đồng đội của Xuân Son ở CLB Thép Xanh Nam Định, được đánh giá cao về chuyên môn. Cầu thủ này được huấn luyện ở lò đào tạo trẻ trứ danh La Masia của Barcelona, là một trong những tiền vệ hay nhất V-League hiện tại.
Phải đến tháng 12/2025 thì cầu thủ người Brazil mới đủ điều kiện tiến hành các thủ tục nhập tịch, qua đó tìm cơ hội đá cho tuyển Việt Nam. Thời gian qua, Hendrio Araujo tích cực học tiếng Việt.
"Có quốc tịch Việt Nam là niềm tự hào lớn với tôi. Càng vinh dự hơn nếu được khoác lên mình chiếc áo của ĐTQG Việt Nam", Hendrio chia sẻ.
Gương mặt tiếp theo cũng đang lên kế hoạch nhập tịch là Geovane Magno (CLB Hà Tĩnh). Anh chơi ở vị trí tiền vệ, từng khoác áo nhiều đội V-League như Sài Gòn FC, Hà Nội FC, Thể Công Viettel, CAHN và hiện tại là Hà Tĩnh.
Khác Hendrio, Geovane đã đáp ứng điều kiện sinh sống và làm việc ở Việt Nam trong 5 năm khi bắt đầu thi đấu ở V-League từ năm 2019. Được biết, CLB Hà Tĩnh đang cố gắng hoàn thành việc nhập tịch cho cầu thủ sinh năm 1994.
Một trường hợp khác là Janclesio đang thi đấu cho CLB Bình Dương và có mùa giải thứ 7 tại V-League.
Vì sao VFF thận trọng?
Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn cho biết, xu thế tăng cường sử dụng cầu thủ nhập tịch đang diễn ra mạnh mẽ tại cả châu Âu và châu Á, góp phần nâng cao sức mạnh cho các đội tuyển quốc gia. Việc sử dụng cầu thủ nhập tịch trong đội tuyển quốc gia không chỉ tuân theo các quy định của FIFA mà còn dựa trên nguyện vọng của cầu thủ và sự phù hợp với tiêu chí chuyên môn, văn hóa.
Dẫu vậy, theo người đứng đầu VFF, việc sử dụng cầu thủ nhập tịch sẽ được cân nhắc để giữ gìn bản sắc dân tộc. Bóng đá Việt Nam muốn phát triển bền vững, điều quan trọng nhất vẫn là phát triển khâu đào tạo trẻ.
Cũng theo ông Tuấn, với những nỗ lực đầu tư mạnh mẽ và chiến lược đúng đắn, bóng đá trẻ Việt Nam không chỉ tạo được một nền móng vững chắc mà còn bảo đảm sự ổn định và phát triển lâu dài cho ĐTQG trong tương lai.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch VFF Trần Anh Tú nhấn mạnh: “Dù cần thành tích, chúng ta vẫn không phá vỡ cả hệ thống đào tạo trẻ. Nếu không cho các cầu thủ trẻ thi đấu, đội tuyển quốc gia sẽ xuất hiện lỗ hổng. VFF tiếp tục xây dựng lực lượng kế cận, đầu tư vào công tác đào tạo và phát triển các đội tuyển trẻ, đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo và huấn luyện bóng đá trẻ tại các CLB".
Có thể thấy, ngay cả khi Xuân Son tạo nên sự khác biệt ở tuyển Việt Nam, nhưng VFF vẫn rất thận trọng với nguồn cầu thủ ngoại nhập tịch. Trong thời gian tới, VFF làm việc với HLV Kim Sang Sik về kế hoạch chuẩn bị nhân sự cho tuyển Việt Nam cũng như đội U22, trong đó ưu tiên hàng đầu là các cầu thủ mang dòng máu Việt như Jason Quang Vinh, Patrik Lê Giang, Viktor Lê, Andrej An Khánh...
Theo Đại Nam (VietNamNet)