Asian Cup 2019 đã kết thúc được tròn 2 tuần. Tuy nhiên, dư âm của giải đấu tại UAE vẫn còn len lỏi ở khắp châu Á. Với Việt Nam, chúng ta đã có một cuộc hành trình khó tin để lần thứ hai trong lịch sử lọt đến một trận tứ kết tại giải đấu đẳng cấp bậc nhất thế giới. Vượt qua một bảng đấu được coi là tử thần, đoàn quân của HLV Park Hang-seo còn đánh bại tiếp một Jordan đang có phong độ cực cao và rồi chỉ chịu gục ngã trước người Nhật quá xuất sắc.
Cuộc hành trình kỳ diệu của "Những chiến binh sao vàng" tại Asian Cup 2019 không chỉ là niềm tự hào của riêng người Việt Nam nữa mà giờ đây đã trở thành nguồn động lực để các quốc gia nhỏ khác tự tin hơn mỗi khi bước vào những giải đấu tầm cỡ.
Mới đây, tờ Khelnow, một trong những trang thể thao nổi tiếng nhất Ấn Độ, đã có một bài viết với tựa đề "Câu chuyện thần tiên của Việt Nam truyền cảm hứng thế nào đến bóng đá Ấn Độ". Tại đây, tác giả đã phân tích kỹ về cuộc hành trình của đoàn quân áo đỏ tại Asian Cup và từ đó đưa ra những lời khuyên cho đội nhà.
Việt Nam tại Asian Cup - một câu chuyện thần tiên
Mở đầu bài viết, cây viết Atrayo chỉ ra những nghi ngờ đội tuyển Việt Nam vấp phải trước thềm giải đấu. "Họ bước vào Asian Cup với một đội hình quá trẻ. Bất chấp những con người từng giúp đội tạo nên cú sốc tại giải U23 châu Á nhưng xuất hiện không ít hoài nghi. Bởi Asian Cup là một câu chuyện khác, khắc nghiệt hơn rất nhiều. Ví dụ như trường hợp của Quang Hải, cậu ấy mới chỉ 21 tuổi, liệu có thể tiếp tục tỏa sáng? Nhưng rồi, đoàn quân áo đỏ đã dần dần xóa tan những mối lo ấy".
Hai trận đấu đầu tiên gặp những ông lớn của châu lục là Iraq và Iran, dù thua, toàn đội Việt Nam xứng đáng nhận những lời khen ngợi. "Gặp Iraq, các cầu thủ trình diễn một tinh thần tuyệt vời, hai lần dẫn trước và chỉ chịu thất bại chung cuộc với tỷ số 2-3". Tiếp đó, với Iran, đội tuyển số 1 châu Á, "Những ngôi sao vàng" lại tiếp tục cho đối thủ mệt nhoài.
Tiếp đó, Việt Nam hạ gục Yemen với tỷ số 2-0 để lách qua khe cửa hẹp với tư cách một trong bốn đội đứng thứ ba có thành tích tốt nhất. Và rồi, chúng ta cũng là đội tuyển duy nhất ở số này vượt qua được vòng 1/8 trước khi dừng bước tại tứ kết bởi bàn thắng duy nhất của Ritsu Doan.
Tiến sâu là một chuyện tuy nhiên, tờ Khelnow lại ấn tượng hơn với cách toàn đội Việt Nam đạt được chiến tích này.
"Họ trẻ nhưng không hề non nớt. Trên sân, các cầu thủ chơi như những quý ông thực sự và không sợ hãi dù đối thủ có mạnh cỡ ra sao. Gần như trận nào, Việt Nam cũng chơi với tâm thế cửa dưới nhưng họ đều vượt qua tất cả. Bỏ lại những bất lợi về thể trạng, các cầu thủ chơi biết mình biết người, chấp nhận đá thấp chờ thời cơ. Và rồi, khi cần, toàn đội chuyển từ phòng ngự sang tấn công trong chớp mắt. Việt Nam thực sự là đội tuyển gây bất ngờ nhiều nhất tại Asian Cup".
Đội tuyển Ấn Độ cần học hỏi Việt Nam
"Thành công của tuyển Việt Nam trở thành hình mẫu truyền cảm hứng cho Ấn Độ, bởi chúng ta có khá nhiều điểm tương đồng với họ, đều là tập hợp của những cầu thủ trẻ (có độ tuổi trung bình chỉ kém Việt Nam tại Asian Cup) và cũng đã chơi với nhau một thời gian dài. Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn có một vài điểm chưa bằng đại diện đến từ Đông Nam Á", Khelnow nhận định.
Thực tế, Ấn Độ đã có một kỳ Asian Cup không tồi. Họ khởi đầu với màn hủy diệt Thái Lan 4-1. Dù vậy, bàn thua trên chấm 11m ở lượt trận cuối vòng bảng đã dập tắt hy vọng đi tiếp của đội tuyển có biệt danh "Hổ xanh". Dường như, tuyển Ấn Độ thiếu đi một thứ gì đó để trở thành một Việt Nam thứ hai. Theo tác giả Atrayo, điểm mấu chốt nằm ở tinh thần.
"Lượt cuối, chúng ta chỉ cần một điểm để đi tiếp. Do đó, toàn đội đã nhập cuộc vô cùng bị động và chơi phòng ngự trong suốt cả 90 phút trước Bahrain. Việt Nam thì khác, họ có thể phòng ngự nhưng biết dồn lên khi cần. Chưa kế, các cầu thủ cũng tự tin và tích cực hơn. Đó là điều đội tuyển quốc gia Ấn Độ cần học hỏi nếu muốn tiến sâu hơn tại những giải đấu quan trọng sau này".
Theo TT (Trí Thức Trẻ)