Nếu như Euro 1984 xứng đáng được gọi là kỳ Euro của Michel Platini, thì 20 năm sau tại Bồ Đào Nha, Euro 2004 được gắn với hình ảnh của một “King Otto”, khi ông giúp cho đội tuyển Hy Lạp đi vào ngôi đền của những huyền thoại.
Người được tôn vinh lên làm vua ở đây không ai khác chính là Otto Rehhagel, chiến lược gia lão luyện đến từ Đức. Nếu như thành công của đội tuyển Hy Lạp tại Euro 2004 có thể được coi là một chiến tích của cả một tập thể, thì chúng ta vẫn không thể quên được người có công lớn nhất biến các cầu thủ Hy Lạp thành một khối vững chắc. HLV Otto Rehhagel, với hơn 30 năm kinh nghiệm huấn luyện ở vào thời điểm đó, đã bất ngờ đưa đội bóng đến từ mảnh đất của những vị thần đánh bại chủ nhà Bồ Đào Nha ở chung kết và lên ngôi vô địch, với một hệ thống chiến thuật hội tụ tất cả điểm mạnh của những cầu thủ ông có trong tay.
Kỳ tích của Hy Lạp bắt nguồn từ một buổi chiều tháng 6 ấm áp tại sân Dragao, địa điểm nổi tiếng của thành phố Porto. Đội bóng áo trắng xanh bắt đầu trận khai mạc giải đấu mà không ai có thể nghĩ được rằng họ sẽ gặp lại đội chủ nhà ở trận chung kết sau đó 1 tháng. Chính các CĐV đến từ vùng Balkan cũng chẳng biết họ đang chờ đợi điều gì. Tại Mỹ năm 1994, lần gần nhất mà Hy Lạp bước đến một giải đấu lớn, họ đã phải rời World Cup với 0 điểm và 0 bàn thắng. Đâu đó những người hâm mộ của Hy Lạp chỉ dám trộm mơ rằng họ có thể kiếm được một bàn thắng, trận hoà và cùng lắm là một chiến thắng nào đó, dưới bàn tay thép của một người Đức già dơ, Otto Rehhagel.
|
ĐT Hy Lạp tạo ra bất ngờ lớn nhất lịch sử bóng đá châu Âu |
Thế nhưng người Hy Lạp bắt đầu cảm thấy bàn tay của các vị thần đã nhúng vào cuộc chơi này. 6 phút sau khi tiếng còi của trận khai mạc cất lên, Paulo Ferreira bất ngờ mắc lỗi sơ đẳng để cho Giorgos Karagounis cướp bóng, xâm nhập vòng cấm và tung ra cú sút chìm hiểm hóc đánh bại thủ môn Ricardo. Điều tương tự cũng xảy ra sau khi hiệp hai bắt đầu, lần này đến lượt cầu thủ trẻ Cristiano Ronaldo mắc lỗi trong vòng cấm tạo ra một quả penalty và rồi Angelos Basinas lạnh lùng ghi bàn trên chấm 11 mét. Hy Lạp đã được tận hưởng trải nghiệm mà họ chắc chắn không ngờ tới trước khi bóng lăn. Dù Ronaldo đã gỡ lại 1 bàn nhưng như thế là chưa đủ để Luis Figo và các đồng đội lật ngược tình thế. Còn những CĐV của Hy Lạp đã thoáng nghĩ: “Chúng ta có cơ hội”, tất nhiên họ đã nghĩ đến chức vô địch, nhưng chỉ là nghĩ mà thôi.
Giới truyền thông khi đó đã bắt đầu nhắc đến Hy Lạp nhiều hơn qua cái biệt danh là “đoàn cướp biển” còn người hâm mộ bắt đầu chú ý hơn đến Otto Rehhagel và họ chợt nhận ra rằng vào một ngày đầu tháng 10/2001, David Beckham đã thực hiện một cú sút phạt không tưởng vào phút 93 tại Old Trafford để giúp đội tuyển Anh giành vé tham dự World Cup 2002 đầy kịch tính với một trận hoà. Tất nhiên đối thủ của Tam Sư hôm đó là Hy Lạp, khi mà Otto Rehhagel có trận đấu đầu tiên nắm quyền chỉ đạo The Pirate Ship. Họ cũng nhớ rõ rằng Beckham và các đồng đội đã gặp khó khăn như nào trước một đội bóng khi đó đang trải qua khủng hoảng.
King Otto đã áp dụng hệ thống phòng ngự một kèm một để rồi có một trận hoà mà chẳng khác nào chiến thắng. Hy Lạp trung thành với hệ thống chứ không phải sơ đồ chiến thuật bởi tôn chỉ của Otto Rehhagel chính là làm thế nào để phát huy hết điểm mạnh của các cầu thủ. Họ có những trung vệ khoẻ mạnh, nhiều tiền vệ cơ động và tranh chấp tốt, vì thế khi phòng ngự theo kiểu một kèm một, đối phương sẽ gặp khó khăn. Trong khi đó, sơ đồ chiến thuật được thay thế qua từng trận đấu, từng thời điểm tuỳ thuộc vào đối thủ.
Chẳng hạn như khi đối đầu với đội tuyển Pháp tại tứ kết cặp trung vệ của Hy Lạp và Dellas và Kapsis, chỉ có riêng Kapsis làm nhiệm vụ theo kèm tiền đạo David Trezeguet, trong khi Dellas đóng vai trò giống như một libero, bọc lót cho người đồng đội. Tiền đạo thứ 2 của Les Bleus là Thierry Henry lại có xu hướng dạt trái, khiến hậu vệ phải Seitaridis cũng phải theo sát như hình với bóng. Trong khi đó, hậu vệ trái Fyssas lại thoải mái chơi dâng cao như một tiền vệ trong phần lớn thời gian của trận đấu, ngang với tiền vệ phải Zagorakis. Điều đó có nghĩa là Hy Lạp không tuân theo một sơ đồ chiến thuật cố định mà họ chú trọng vào hệ thống một kèm một.
Càng đi sâu vào giải đấu, đội quân của Otto Rehhagel càng sử dụng đội hình thiên nhiều hơn về phòng ngự. Tái đấu với Bồ Đào Nha trong trận chung kết, tiền vệ Giannakopoulos được thay thế bởi hậu vệ trái Venetidis còn Hy Lạp chẳng khác nào chơi đổ bê tông với 8 hậu vệ với duy nhất 2 cầu thủ ở phía trên là Vryzas và Charisteas, người hùng của Hy Lạp ở giải đấu với bàn thắng quyết định trong trận tứ kết và chung kết, tất nhiên đều bằng đầu sau những quả phạt góc.
|
Otto Rehhagel xứng đáng là vua của Euro 2004 |
Tóm lại, Otto Rehhagel đã tạo dựng nên một đội tuyển với kỷ luật thép và sử dụng lối đá hết sức đơn giản, dựa vào một vài yếu tố như: Hệ thống phòng ngự một kèm một, các tiền vệ phải di chuyển nhiều và có khả năng tham gia hỗ trợ phòng ngự, các tình huống phản công diễn ra với số lượng cầu thủ tham gia hạn chế, nhưng diễn ra rất nhanh.
Tất nhiên không thể thiếu những tình huống cố định mà các cầu thủ to cao của Hy Lạp đã làm rất tốt. Họ luôn biết cách gây nguy hiểm trong những quả phạt góc ở mỗi trận đấu. Để rồi tất cả cùng tạo nên một bất ngờ lớn bậc nhất lịch sử bóng đá thế giới. Việc bị loại khỏi vòng chung kết World Cup 2006 ngay sau đó càng khiến cho kỳ tích mà thầy trò King Otto làm được tại Bồ Đào Nha năm 2004 xứng đáng đi vào huyền thoại.
Theo Thể thao Việt Nam