Vị cao thủ phái Thất Sơn Thần Quyền xà người xuống, cuộn mình, lao tới như một cơn lốc, định tung một đòn thế bí hiểm thì võ sư Trần Đức Khang lách người, thúc cú cùi chỏ...
Ở đó có một vị võ sư tuổi xấp xỉ thất tuần với thân thể tráng kiện vẫn ngày ngày miệt mài truyền thụ công phu cho học trò. Khi đám đệ tử còn mồ hôi lã chã, ông cất giọng nói hào sảng với ánh mắt đầy quắc thước, thi triển những đòn cước gọn gẽ, thoăn thoắt. Người đó là Trần Đức Khang – HLV tán thủ gạo cội, nổi danh khắp Việt Nam.
Nói tới võ sư – HLV tán thủ Trần Đức Khang, giới võ lâm đồng đạo cũng chẳng quá xạ lạ bởi ông từng đào tạo ra nhiều võ sĩ tên tuổi của nước nhà, trong đó có 2 người con trai: Trần Đức Trang (từng đạt HCV SEA Games, HCĐ ASIAD) và Trần Xuân Ánh (từng vô địch tán thủ châu Á, HCĐ thế giới).
Cuộc dằn mặt bất đắc dĩ với "Từ Hiểu Đông" phái Thất Sơn Thần Quyền
Theo lời kể của võ sư Trần Đức Khang, trước khi trở thành một HLV môn tán thủ, ông từng tập võ cổ truyền từ năm 4 tuổi và là nhân vật có tiếng của môn phái Thiếu Lâm Sơn Đông.
Nói về sức vóc, không ít lần ông khiến người ta phải "mắt tròn mắt dẹt". Cách đây vài năm khi đã ở vào tuổi lục tuần, ông vẫn có thể hít đất bằng một tay được khoảng chín chục lần. Nếu 2 tay, tối thiểu cũng không dưới cỡ 280 lần.
Gần 70 tuổi nhưng võ sư Trần Đức Khang vẫn rất khỏe mạnh. |
Còn nói về những cuộc tỉ thí trên giang hồ với ông thì có lẽ là … đếm không xuể.
Cách đây những vài chục năm, khi trào lưu "phá lò" còn phổ biến trong giới võ lâm, võ sư Trần Đức Khang cũng trải qua những cuộc chiến bất đắc dĩ. Đổ máu cũng có, mà không đổ máu cũng có.
Một lần, khi đang dậy võ cho đám đệ tử, đột nhiên có một gã "đầu gấu đầu mèo" tự xưng là giang hồ khu Chợ Trời và Khâm Thiên tới xin được giao lưu.
Sau khi mời vị khách uống trà, ông bảo: "Đành rằng là đấu giao lưu, nhưng quyền cước vốn không có mắt. Giao lưu có thể chỉ là đánh 1-2 đòn nhưng lúc thực chiến lại đánh tới 15-20 đòn cũng là chuyện thường, thật khó lòng kiểm soát".
Chuyện trò thêm một hồi, võ sư Khang bảo: "Thôi thì võ học là công phu. Anh em mình không nhất thiết phải đụng chân đụng tay làm gì. Bây giờ tôi có chiếc tay tạ bằng sắt kia, nếu ông giật cong tay tạ được thì tôi sẽ uốn thẳng nó ra. Hoặc đổi ngược, tôi giật cong còn ông uốn thẳng…". Vị khách tiến tới chiếc tay tạ, ngắm nghía một hồi rồi quyết chọn cách thứ hai.
Võ sư Khang khẽ cười. Ông nhặt tay sắt, hai tay nắm chặt, ép sát bụng rồi giật mạnh một nhát. Tay sắt cong vẹo.
Đến lượt vị khách trổ tài. Gã lấy hết sức bình sinh, giật một nhát, hai nhát, ba nhát… đến mười nhát. Gã mồ hôi đầm đìa, khuôn mặt đỏ ửng. Tay sắt vẫn trơ ra, cong hệt như cũ.
Ông Khang lại cười, rồi cầm tay sắt lại, giật đúng một nhát, tay sắt được uốn thẳng. Lúc này, vị khách mời cất lời: "Hôm nay em mới được biết thế nào là công phu. Em đã sai khi đến đây giao lưu".
Võ sư Khang vẫn miệt mài dạy võ cho học trò. |
Một lần khác, khi vừa cùng nhóm học trò biểu diễn Thiếu Lâm Sơn Đông ở gần Gò Đống Đa vào lúc nhá nhem tối, đột nhiên có hai gã trai tráng thân hình cao lớn như hộ pháp bước tới. Một gã tự xưng là cao thủ phái Thất Sơn Thần Quyền (Quyền thề) trên Lạng Sơn xuống, xin được thách đấu.
Ban đầu, ông khước từ, nhưng gã hộ pháp một mực bảo: "Chúng tôi cất công từ Lạng Sơn xuống đây chỉ muốn được thọ giáo. Nếu ông từ chối nghĩa là ông coi thường chúng tôi. Mà anh em tôi chẳng muốn phải ra về tay không".
Trước quyết tâm sắt đá từ vị khách không mời, ông Khang bất đắc dĩ phải nhận lời. Và rồi, gã hộ pháp đề nghị cho vài phút để… xin quyền.
Xin quyền xong, gã hộ pháp chẳng nói chẳng rằng. Gã xà người xuống, cuộn mình hai vòng rồi lao tới như một cơn lốc, toan định tung ra một đòn thế bí hiểm.
Theo phản xạ, vị võ sư nhanh như chớp lách người, co tay phải phòng thủ rồi thúc cú chỏ trái làm đối phương dập lá mía, máu me đầm đìa…
Bị dính đòn hiểm, gã hộ pháp một tay bịt mũi, một tay ra hiệu xin thua. Còn gã cao lớn đi cùng lặng im không nói một lời, như thể chẳng hiểu chuyện gì vừa xảy ra.
"Chiến tích" lớn nhất cuộc đời
Võ sư Trần Đức Khang tâm sự, trong cuộc đời mình, ông chưa từng tự hào về một trận tỉ thí với bất kỳ đối thủ nào. Mà điều ông cảm thấy có ý nghĩa nhất, đó là "chiến tích" vượt qua cơn bạo bệnh và di chứng nghiệt ngã do chiến tranh để lại.
Vào những năm đầu thập niên 70 của thể kỷ trước, ông đã phải gác lại nghiệp võ để tham gia chiến trường vùng Đông Nam Bộ.
Đó là quãng thời gian khó khăn, đến nỗi, cả tháng trời chẳng có nổi hạt gạo vào bụng. Chỉ có đỗ, hạt sen, ngô, khoai… dù ông luôn thèm một chén cơm.
Có lần, ông nhìn thấy trong nồi nấu cơm toàn lốm đốm màu đen, tưởng đó là cơm trộn đỗ, định đem ra ăn thì phát hiện ra, những lốm đốm đen ấy thực chất là những con đỉa, chẳng biết bám vô tự bao giờ.
Những tấm huy chương được HLV Trần Đức Trang luôn trân trọng. |
Trong một trận chiến ở trận địa ở vùng Đông Nam Bộ, khi đang giơ súng lên ngắm giữa chiến hào thì đột nhiên, ông cảm thấy cánh tay mình lạnh toát. Cúi xuống nhìn, thì ra máu đang chảy ròng ròng trên cánh tay ông. Lúc ấy, ông mới biết mình vừa bị trúng đạn.
Song, những thử thách ấy vẫn chẳng thấm vào đâu với một võ sĩ con nhà nòi, vốn đã quá quen với những khổ ải. Cho đến một ngày, ông muốn sụp đổ vì một lý do khác.
Giữa thập niên 70, ông xuất ngũ với quá nhiều vết thương trên mình. Cho tới đỉnh điểm của sự khổ ải là quãng thời gian ông bị liệt hoàn toàn nửa người bên trái.
Lúc này, ông và vợ cùng tuyệt vọng. Ông bàng hoàng khi nghĩ tới viễn cảnh mình sẽ mất cả đời là một phế nhân, sống trên chiếc xe lăn, mãi mãi không thể trở lại với quyền cước.
Đến nỗi một thân thể cường tráng ngày nào, chỉ vì bạo bệnh và sự suy sụp về tinh thần, ông còn đúng 37kg. Cơ thể tráng kiện năm xưa chỉ còn mỗi da bọc xương không hơn không kém.
Nhưng rồi sau nhiều đêm mất ngủ, ông mới chợt thức tỉnh. "Con nhà võ không thể đầu hàng số phận dễ dàng như thế được". Ông lấy hết lòng quyết tâm và sự kiên trì, để tự chữa trị cho mình bằng những phương pháp khí công mà ông từng được truyền thụ từ thân phụ năm xưa.
Quả là trời không phụ lòng người. Hết ngày này qua ngày khác, suốt vài năm dòng dã luyện tập, cuối cùng ông đã đi lại được bình thường và trở lại với võ thuật. Dù cho ngón tay út của ông vẫn chưa thể quắp lại như bình thường, gây đôi chút khó khăn mỗi khi ông chơi guitar.
Võ sư Khang rất thích guitar dù ông tự nhận mình chỉ chơi nghiệp dư cho vui. |
Thấm thoắt đã vài chục năm sau quãng đời đày ải và chiến tích "hào hùng" ấy, ông đã có nhiều cống hiến cho nền võ thuật khi trở thành một HLV chuyên nghiệp và đào tạo ra rất nhiều võ sĩ tán thủ và cả võ cổ truyền, chinh phục nhiều thành tích ở đấu trường khu vực, quốc tế.
Ngày hôm nay, sau khá nhiều năm nghỉ hưu, võ sư Trần Đức Khang không còn dạy đội tuyển tán thủ của Hà Nội nữa nhưng ông vẫn ngày ngày miệt vài dậy các lớp phong trào, suốt 6 ngày/tuần, có ngày vài ca.
Khi được chúng tôi hỏi rằng tại sao gần ngưỡng tuổi thất tuần, ông không lui về sống cuộc sống an nhàn, tự do tự tại. Ông chỉ cười: "Con nhìn chú có giống người gần 70 không? Chú vẫn còn rất khỏe, vẫn còn sức lực và còn đam mê thì cứ gắn bó thôi. Sau này tới khi nào không còn sức nữa thì khi đó tính tiếp…".
Võ sư Trần Đức Khang hướng dẫn một số kỹ thuật cho học trò. |
Theo Lê Sơn (Trí Thức Trẻ)