Cao thủ Hầu quyền dùng tuyệt kỹ hạ gục 10 tên côn đồ ở Cảng Sài Gòn

14/09/2020 09:05:00

Bằng bản lĩnh của một cao thủ Hầu quyền, chỉ trong vài phút với những đòn cước, chỉ, trảo công chính xác, võ sư Mười Hoan đã khiến nhóm côn đồ phải gục ngã.

Ở làng võ miền Nam trước năm 1975, có một võ sư rất nổi tiếng với Hầu quyền, từng dùng Hầu quyền để đánh bại cả nhóm gồm chục tên côn đồ, gây xôn xao giới võ lâm. Người này là võ sư Mười Hoan, tức võ sư Lê Đại Hoan (1915 – 2006).

Tiến sĩ, nhà nghiên cứu võ thuật Hồ Tường cho biết: "Mười Hoan (sau này lấy tên Lê Đại Hoan) có tên thật là Nguyễn Văn Hoan, được sinh ra trong gia tộc giàu có, là con ông Cả tại làng Phước An, Nhơn Trạch, Đồng Nai.

Từ năm lên 8 tuổi, Mười Hoan được cha rước thầy dạy võ họ Lê tên Đại đến tận nhà dạy trong 12 năm dài khổ luyện và trở nên nổi tiếng với môn Hầu quyền. Hầu quyền có nhiều truyền thuyết cho đến ngày nay nguồn gốc vẫn còn là những câu hỏi qua nhiều thế hệ.

Nhưng nói đến Hầu quyền, là nói đến một môn võ dựa theo động tác, kỹ thuật chiến đấu của loài khỉ, trong hình tượng mô phỏng các động tác công thủ của loài khỉ. Hầu quyền thiên về chủ trương "dĩ nhu khắc cương" để đánh bại đối thủ.

Để tập luyện nhuần nhuyễn các bài quyền, đòn thế đòi hỏi người tập phải có sự linh hoạt, ứng biến cực nhanh toàn thân và nhất là đôi mắt. Là hệ thống có kỹ thuật chiến đấu cũng như chiến thuật bao gồm: nhảy, nhào lộn, chụp bắt làm sở trường, đòi hỏi phối hợp nhịp nhàng thủ pháp, cước pháp, thân pháp thật huyền biến".

Cao thủ Hầu quyền dùng tuyệt kỹ hạ gục 10 tên côn đồ ở Cảng Sài Gòn
Chân dung võ sư Mười Hoan (Lê Đại Hoan) - một cao thủ Hầu quyền ở làng võ miền Nam.

Sau khi đã tinh thông Hầu quyền thì tới năm 1945, võ sư Mười Hoan gia nhập phong trào kháng chiến chống Pháp. Thời điểm đó, ông Mười Hoan là một trong những chỉ huy quân kháng chiến thuộc huyện Long Thành và thường cùng các đồng đội phục kích tấn công lực lượng quân đội Pháp đóng tại các làng Phước An, Phú Hội, Phú Mỹ...

Trong những năm kháng chiến chống Pháp, Mười Hoan lập gia đình. Đến năm 1949, ông có con gái đầu lòng đặt tên Thanh Loan và năm sau một bé trai ra đời đặt tên Thanh Tùng.

Sau hiệp định Geneve 1954, Mười Hoan đưa vợ con về Sài Gòn, làm việc tại Cảng Sài Gòn. Công việc làm của ông là kiểm sổ sách nhập và xuất hàng trong các kho. Vấn đề làm ông bất nhẫn là khi nhìn thấy những lao động nghèo bị chèn ép, hà hiếp và thậm chí đánh đập gây tổn thương thân thể, khi không theo lệnh của băng đảng Trần Kiệm.

Băng đảng của Trần Kiệm thường xuất hiện tại các kho hàng vùng Khánh Hội. Khu vực tập trung nhiều cư dân nghèo và những tay anh chị khét tiếng ẩn mình dọc theo các bờ sông kênh rạch chằng chịt. Chúng tự tung tự tác, đưa đàn em đến tranh giành công việc với những người lao động kiếm cơm độ nhật.

Ông Mười Hoan trở thành chướng ngại vật của bọn chúng vì tính khí hiệp nghĩa, đôi lần ông đã lên tiếng can thiệp và bị kết tội đụng chạm quyền lợi bọn chúng. Trong một buổi chiều tan việc làm, ông bị một nhóm khoảng 10 tên chặn trước con hẻm đường Xóm Chiếu gây sự.

Dù đã muốn nhẫn nhịn nhưng càng nhịn bọn côn đồ càng lấn tới, bất đắc dĩ võ sư Mười Hoan phải động thủ. Bằng bản lĩnh của một cao thủ Hầu quyền và nhờ kinh nghiệm của một người lính nhiều năm trên chiến trường, chỉ trong vài phút với những đòn cước, chỉ, trảo công chính xác, đầy uy lực, Mười Hoan lần lượt hạ gục vài tên và khiến những tên còn lại phải bỏ chạy tán loạn trước sự chứng kiến của nhiều người.

Cao thủ Hầu quyền dùng tuyệt kỹ hạ gục 10 tên côn đồ ở Cảng Sài Gòn - 1
Võ sư Mười Hoan khi còn trẻ.

Sau trận đánh này, tên tuổi Mười Hoan đã được nhiều người ở Cảng Sài Gòn biết đến. Hình ảnh một võ sư dùng tuyệt kỹ Hầu quyền đánh bại cả chục tên côn đồ đã khiến nhiều người trong giới võ lâm phải nể phục.

Từ sau trận đấu bất đắc dĩ đó, nhiều người còn tha thiết mong đợi ông Mười Hoan mở võ đường truyền bá võ thuật để đưa con cháu đến thọ giáo.

Điều đó là một trong những động lực thúc đẩy võ sư Mười Hoan chính thức mở võ đường ở Phú Nhuận vào năm 1956 tại một khu liền kề 3 căn, sân tập hẹp nằm trong một hẻm cụt trên đường Nguyễn Minh Chiếu gần cổng xe lửa số 8, thuộc xã Phú Nhuận, Quận Tân Bình, Sài Gòn.

Sau đó, ông Mười Hoan gia nhập Tổng Cuộc Quyền Thuật, lấy biệt danh là Lê Đại Hoan để nhớ ơn người thầy họ Lê tên Đại từng dạy võ cho ông ở quê nhà và đó cũng là tên võ đường của ông.

Cao thủ Hầu quyền dùng tuyệt kỹ hạ gục 10 tên côn đồ ở Cảng Sài Gòn - 2
Lê Thanh Tùng - con trai võ sư Mười Hoan chiến thắng và đoạt chức vô địch hạng ruồi năm 1970 trong giải vô địch đấu tự do, do Tổng Cuộc Quyền Thuật tổ chức.

"Đến năm 1962, ông Mười Hoan chuyển võ đường Lê Đại Hoan về số 654/18 Võ Di Nguy, Phú Nhuận (cổng xe lửa số 10) và bắt đầu đào tạo nhiều tài năng cho làng võ miền Nam. Ngoài võ thuật, ông Mười Hoan còn là bậc thầy chữa trị ngoại thương như gãy xương, bong gân, lệch cơ, bong khớp chân tay… kèm theo những bài thuốc gia truyền.

Năm 1970, trong giải vô địch đấu tự do của võ Việt Nam do Tổng Cuộc Quyền Thuật tổ chức, võ đường Lê Đại Hoan có 3 võ sĩ đoạt giải: Lê Thanh Ngọc đoạt huy chương vàng hạng muỗi, Lê Thanh Tùng đoạt huy chương vàng hạng ruồi và Lê Thanh Tịnh đoạt huy chương bạc hạng gà.

Theo truyền thống, thầy dạy võ sẽ chọn một biệt danh cho môn đệ trong đó, sẽ lấy họ của thầy cộng tên thật của môn đệ. Đối với võ đường Lê Đại Hoan, ban đầu, ông Mười Hoan đặt biệt danh cho môn đệ là: Lê Thanh, Lê Phi hay Lê Tuấn cộng với tên võ sĩ .

Nhưng về sau, hầu hết võ sĩ của võ đường lê Đại Hoan đều có biệt danh là Lê Thanh cộng với tên. Đến năm 1972, Thầy Lê Đại Hoan quyết định trao chức chưởng môn cho trưởng nam là võ sư Lê Thanh Tùng (Vô địch 1970), từ đó đánh dấu sự hình thành võ đường Lê Thanh Huynh Đệ.

Sau năm 1975, võ sư Lê Đại Hoan về Long Thành (Đồng Nai) và qua đời năm 2006, thọ 91 tuổi. Riêng võ sư Lê Thanh Tùng, con trai của ông năm nay cũng đã 70 tuổi, hiện đang sinh sống tại Phú Yên" – nhà nghiên cứu võ thuật Hồ Tường cho biết.

Theo Tiểu Mã (Pháp luật và Bạn đọc)