Khác với những quan niệm thông thường về chuyển nhượng, những sự thật được Independent công bố sẽ tiết lộ những thực tế khác với tưởng tượng của số đông về cách thức vận hành của thị trường chuyển nhượng.
Trong một thương vụ chuyển nhượng, ba kênh tiếp xúc được tiến hành một cách song song. CLB mua cầu thủ sẽ đàm phán với CLB bán về phí chuyển nhượng, CLB mua đàm phán với người đại diện về các điều khoản cá nhân, CLB bán đàm phán với người đại diện về phần trăm hoa hồng trích ra từ thương vụ bán cầu thủ.
|
Những thương vụ chuyển nhượng là cuộc đàm phán song song giữa ba bên. |
Về mặt lý thuyết, CLB mua phải gửi lời đề nghị chính thức tới CLB bán trước khi tiếp xúc với cầu thủ. Nhưng trên thực tế, CLB mua thường thông qua một trung gian để liên lạc với cầu thủ để đánh giá mong muốn của cầu thủ đó: Anh ta có muốn ra đi hay không? Đích đến mong muốn là CLB nào? Mong muốn về mức lương?...
Thông thường, người đại diện của các cầu thủ sẽ là khâu trung gian đó. Điều này rõ ràng trái luật khiến các CLB có khả năng bị kiện, đơn cử là vụ Southampton dằn mặt khiến Liverpool phải xin lỗi rồi rút lui trong thương vụ Virgil van Dijk do không xin phép trước mà đã tiếp xúc với cầu thủ thông qua kênh trung gian.
Một điều ít người biết nhưng thực sự quan trọng trong các thương vụ chuyển nhượng là ứng dụng WhatsApp. Trên thực tế, rất nhiều người đại diện cùng các giám đốc điều hành câu lạc bộ đều sử dụng WhatsApp. Lý do? WhatsApp dễ kết nối với đối tác hơn email, có thể hội thoại nhóm, biết được những ai trong nhóm đã nhận được câu hỏi của bạn, có thể nhắn tin và gọi điện với tất cả mọi người trên thế giới.
Thêm một lý do khiến WhatsApp được ưa chuộng bởi một thời điểm nào đó, các GĐĐH có thể chuyển sang làm việc ở một câu lạc bộ khác, ở một quốc gia khác. Điều đó đồng nghĩa với việc họ sẽ có email mới, số điện thoại văn phòng mới, số điện thoại di động mới do câu lạc bộ cung cấp... Nhưng số của họ tại WhatsApp vẫn giữ nguyên, khiến họ tiếp tục kết nối với những đối tác quen thuộc. Sự thật là trong năm 2017, WhatsApp gần như là công cụ không thể thiếu trong mọi thương vụ chuyển nhượng.
Người đại diện có quyền ép giá chuyển nhượng?
Khi Romelu Lukaku gia nhập Manchester United thay vì Chelsea, nhiều tin đồn xuất hiện cho rằng M.U chấp nhận trả một khoản phí cho Mino Raiola để thuyết phục Lukaku đến Old Trafford. Điều đó không đúng bởi trên thực tế, vai trò của người đại diện chỉ là đòi quyền lợi cho cầu thủ của mình với CLB mua.
|
Những tay cò như Mino Raiola chỉ có thể đòi quyền lợi cho cầu thủ mà ít ảnh hưởng đến phí chuyển nhượng. |
Có một quy ước rằng các cầu thủ sẽ không phải trả một khoản tiền nào cho người đại diện trong các thương vụ chuyển nhượng. Thay vào đó, người đại diện sẽ đàm phán với bên bán cầu thủ về hoa hồng nhận được sau thương vụ chuyển nhượng, nghĩa là dù cầu thủ đó có đến bất cứ đội bóng nào thì họ cũng chỉ nhận được phần trăm định sẵn. Còn việc khoản tiền đó là bao nhiêu lại phụ thuộc vào mức phí chuyển nhượng mà CLB mua đàm phán riêng rẽ với CLB bán.
Lấy ví dụ trong thương vụ Lukaku. Raiola sẽ đàm phán riêng với Everton về phần trăm hoa hồng được hưởng sau khi bán Lukaku (10, 20 hay 30%,...). Đồng thời, Raiola sẽ đòi quyền lợi cho Lukaku với các CLB mua như thời hạn hợp đồng, mức lương, đãi ngộ đi kèm,... Còn mức phí chuyển nhượng phụ thuộc vào cuộc đàm phán bí mật giữa bên CLB mua với CLB bán. Thế nên giá trị chuyển nhượng của cầu thủ đắt hay rẻ phụ thuộc phần lớn vào CLB bán chứ không phải người đại diện.
Thời hạn chuyển nhượng có ý nghĩa gì?
Theo luật, kỳ chuyển nhượng mùa hè sẽ bắt đầu từ ngày 1/7 và kết thúc vào 30/8. Thế nhưng vẫn có rất nhiều thương vụ được công bố trước khi kỳ chuyển nhượng mùa hè, tiêu biểu là thương vụ Bernardo Silva đến Man City từ Monaco được công bố vào ngày 24/5 theo giờ địa phương, chỉ ít ngày sau khi Premier League kết thúc. Có rất nhiều lý do dẫn đến việc này.
Đầu tiên là năm tài khóa của các câu lạc bộ thông thường được tính từ ngày 1/7 đến 30/6. Điều đó đảm bảo tính toán được đầy đủ những khoản tiền chi ra trong một mùa giải để đối phó với luật Công bằng Tài chính của UEFA. Trong trường hợp các câu lạc bộ tính toán để tránh bị UEFA tuýt còi do vi phạm luật, họ buộc phải bán hoặc mua trước cột mốc 1/7 để tiện bề tính toán trong việc kết toán năm tài khóa phù hợp với kế hoạch chuyển nhượng của câu lạc bộ.
Đơn cử như việc Man City sẽ phải bổ sung khá nhiều cái tên trong mùa hè này nên họ cần biết cách "dàn đều" để đảm bảo không vi phạm luật của UEFA. Thế nên thương vụ Bernardo Silva sẽ được tính cho năm tài khóa vừa rồi (2016-17) thay vì năm tài khóa sắp tới (2017-18).
Một vấn đề khác liên quan đến đối tác tài trợ. Đơn cử như hợp đồng tài trợ kéo dài 15 năm giữa Chelsea và Nike sẽ bắt đầu vào ngày 1/7. Chelsea hoàn toàn có thể chiêu mộ Antonio Rudiger từ trước ngày 1/7 nhưng điều đó không phù hợp với lộ trình, kế hoạch phát triển thương hiệu của cả CLB lẫn đối tác tài trợ là Nike. Thế nên ngay đầu tháng Bảy, Chelsea công bố thương vụ Rudiger, đồng thời Nike cũng công bố một đoạn clip ngắn quảng cáo với Rudiger làm nhân vật chính.
|
Vụ chuyển nhượng Bernardo Silva công bố trước ngày 1/7 do những toan tính của Man City. |
Ngoài ra còn rất nhiều lý do khác khiến các CLB cố tình công bố thương vụ chuyển nhượng trước và sau ngày 1/7. Ví dụ trong thương vụ Bernardo Silva, Man City có lý do e ngại việc bị Monaco ép giá trong trường hợp tiền vệ này thi đấu ấn tượng cùng đội tuyển Bồ Đào Nha tại Confederations Cup 2017. Thế nên hoàn tất sớm thương vụ này sẽ đảm bảo sự an toàn nhiều hơn.
Các cầu thủ cũng có thời gian nghỉ hè rất ngắn, chỉ khoảng 1 tháng từ khi mùa giải kết thúc cho đến lúc tập trung tập luyện, du đấu chuẩn bị cho mùa giải mới. Đó là chưa kể đến việc phải thi đấu cho đội tuyển quốc gia. Thế nên trong quãng thời gian ngắn ngủi đó, đa phần các cầu thủ đều muốn dành tâm trí cho gia đình và bạn bè, thay vì phải lo nghĩ về vấn đề chuyển nhượng.
Các CLB sẽ gỡ gạc phí chuyển nhượng các cầu thủ từ tiền bán áo đấu?
Giới truyền thông thường vẽ ra viễn cảnh về các CLB sẽ "gỡ" lại được một khoản tiền lớn từ việc bán áo đấu in tên của những bản hợp đồng mới. Tiêu biểu như thông tin vài ngày sau khi Cris Ronaldo đến Real Madrid, vài chục ngàn chiếc áo đấu in tên CR7 bán ra trên toàn cầu rồi tính toán bán bao nhiều áo đấu để bằng khoản phí chuyển nhượng 80 triệu bảng đã trả cho Man Utd.
Điều đó không sai nhưng hoàn toàn khác xa sự thật. Tiền bán áo đấu không thuộc về câu lạc bộ mà thuộc về các nhà tài trợ như Adidas, Nike hay Puma,... Các hãng thể thao sẽ ký hợp đồng tài trợ áo đấu với CLB theo mức định sẵn như Man Utd nhận 75 triệu bảng mỗi mùa từ Adidas, Chelsea ký hợp đồng 60 triệu bảng mỗi năm với Nike hay con số 30 triệu cố định mà Arsenal nhận hàng mùa từ Puma. Các CLB sẽ chỉ được trả thêm từ 10-15% doanh thu bán áo đấu mỗi mùa, không phải là toàn bộ doanh thu.
Đó là còn chưa kể đến việc khoản tiền tài trợ vốn cố định từ việc bán áo đấu có thể sẽ giảm xuống nếu các CLB không đạt được những yêu cầu trong hợp đồng. Ví dụ như nếu Man Utd không được dự Champions League mùa này, khoản tiền tài trợ áo đấu với Adidas sẽ giảm 30% do ràng buộc không được phép vắng mặt hai mùa liên tiếp tại Champions League trong hợp đồng.
|
Các CLB gần như không thể gỡ gạc khoản tiền chi ra để chuyển nhượng cầu thủ từ hoạt động bán áo đấu. |
Theo tính toán của CEO Herbert Hainer, Adidas sẽ thu về 1.5 tỉ bảng trong 10 năm ký hợp đồng với Man Utd, trong khi giá trị hợp đồng phải trả cho "quỷ đỏ" là 750 triệu bảng. Vậy logic đặt câu hỏi sẽ là: Tại sao các CLB không tự sản xuất áo đấu rồi bán để thu về 100% lợi nhuận, thay vì mất phần nhiều vào tay các hãng thể thao?
Nếu tự sản xuất áo đấu, các CLB sẽ phải đầu tư rất lớn cho công nghệ, nhân công, phát triển hệ thống bán hàng trên toàn cầu. Điều đó rõ ràng là ngu ngốc khi thương hiệu của CLB không thể phủ tới mọi đối tượng khách hàng trên toàn cầu, điều mà các hãng thể thao đang có lợi thế nhờ phát triển từ lâu. Rõ ràng, một cuộc bắt tay đôi bên cùng có lợi hiệu quả hơn hẳn xét về mặt kinh tế, chưa nói đến khía cạnh quản lý, phát triển thương hiệu,...
Hợp đồng mượn
Rất nhiều người vẫn lầm tưởng khi một CLB sở hữu cầu thủ, họ có thể đem cầu thủ đó cho một CLB khác mượn. Trên thực tế, thương vụ cho mượn chỉ diễn ra nếu các cầu thủ đồng ý. Tiêu biểu như việc Real Madrid cho Bayern Munich mượn James Rodriguez hai năm, điều kiện tiên quyết là cầu thủ người Colombia phải đồng ý trước đã.
Những bản hợp đồng trao đổi
Trong giới bóng đá, không thiếu những vụ chuyển nhượng đổi ngang. Tiêu biểu là Barcelona để Samuel Eto'o đến Inter Milan cùng một khoản phí chuyển nhượng để Zlatan Ibrahimovic đến theo chiều ngược lại. Hay gần nhất trong vụ Romelu Lukaku đến Man Utd từ Everton, Wayne Rooney cũng được xem là một phần của sự trao đổi dù không chính thức.
|
Những cầu thủ được đem ra trao đổi trong chuyển nhượng như Wayne Rooney phải chấp nhận mới có thể diễn ra. |
Vậy những bản hợp đồng trao đổi này diễn ra như thế nào? Mọi thứ phức tạp hơn một chút khi có hai cuộc đàm phán song song diễn ra giữa ba bên: CLB mua, CLB bán và người đại diện cầu thủ. Thương vụ này diễn ra không khác là bao so với những bản hợp đồng chuyển nhượng thông thường nhưng nếu cầu thủ bị đem ra trao đổi không đồng ý, dĩ nhiên thương vụ này không bao giờ diễn ra chứ không phải mặc nhiên CLB mua có quyền đưa một cầu thủ mà mình sở hữu vào hợp đồng chuyển nhượng.
Phí giải phóng hợp đồng
Thông thường, điều khoản giải phóng hợp đồng sẽ quy định mức phí giải phóng hợp đồng của một cầu thủ. Điều này nhằm đảm bảo lợi ích của cả hai phía: Cầu thủ có thể ra đi nếu có một CLB nào đó sẵn sàng phá vỡ phí giải phóng hợp đồng mà không bị ràng buộc phải ở lại, còn CLB bán cũng sẽ đảm bảo giữ cầu thủ trụ cột bằng việc đặt mức phí giải phóng hợp đồng thật cao dưới sự đồng ý của cầu thủ. Ví dụ, mức phí giải phóng hợp đồng của Lionel Messi với Barcelona là 300 triệu euro.
Tuy nhiên, không phải bất kỳ câu lạc bộ nào muốn sở hữu cầu thủ đều cứ đáp ứng điều khoản giải phóng hợp đồng là đủ. Nhiều CLB đặt điều khoản này với ràng buộc khác nhau. Chẳng hạn như các CLB Premier League sẽ ràng buộc bất kỳ CLB nào của Anh không được phép mua cầu thủ dù trả phí giải phóng hợp đồng để tránh cầu thủ của mình rơi vào tay đối thủ. Điều tương tự cũng xảy ra ở Bồ Đào Nha. Nhìn chung, điều khoản giải phóng hợp đồng cũng là một ràng buộc mở mà các CLB có thể can thiệp từ khi ký hợp đồng với một cầu thủ.
* Lược dịch từ Independent.
Theo Như Đạt (Thể Thao Việt Nam)