Năm 2016 là một năm rất thành công đối với bóng đá trẻ Việt Nam nếu nhìn vào thành tích của các đội tuyển trẻ như U16, U19. Họ đã níu giữ được niềm tin của người hâm mộ về tương lai bóng đá nước nhà.
Trong những năm gần đây, niềm tin của người hâm mộ dành cho đội tuyển quốc gia Việt Nam và U23 bị sụt giảm nghiêm trọng. Ở sân chơi V-league, nơi tập hợp các đội bóng mạnh nhất của Việt Nam, thì tình hình còn bi đát hơn.
Bóng đá Việt Nam chờ sức bật mạnh mẽ trong năm 2017 |
Rất may là bóng đá Việt Nam vẫn còn những những lứa cầu thủ trẻ tài năng để mà hy vọng, níu kéo niềm tin. Tại giải vô địch bóng đá U19 châu Á diễn ra ở Bahrain hồi tháng 10-2016, các cầu thủ trẻ của Việt Nam đã làm được kỳ tích cho bóng đá nước nhà. Thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn xuất sắc vượt qua các đối thủ lớn ở vòng bảng với hiệu suất thi đấu bất bại, vào tứ kết đánh bại chủ nhà Bahrain để lần đầu tiên đi tới bán kết giải châu lục. Mặc dù cuối cùng phải dừng bước trước đội tuyển Nhật Bản ở vòng 4 đội mạnh nhất, nhưng các cầu thủ U19 Việt Nam đã mở cánh cửa lịch sử dự sân chơi thế giới của U20 tại Hàn Quốc (U20 World Cup 2017).
U19 Việt Nam đã khiến người hâm mộ bóng đá Việt Nam đi từ bất ngờ đến kinh ngạc rồi thán phục và cuối cùng là niềm tự hào và hy vọng cho tương lai bóng đá Việt Nam. Các cầu thủ U19 Việt Nam đã làm thay đổi hoàn toàn thái độ tình cảm của người hâm mộ chỉ bằng một hành trình châu lục với 4 trận đấu. Ở một khía cạnh rất tích cực thì thế hệ cầu thủ trẻ của HLV Hoàng Anh Tuấn đang dẫn dắt đang thổi luồng gió mới cho bóng đá Việt Nam.
Từng là người tiên phong trong công tác đào tạo trẻ của lò PVF (trung tâm có nhiều cầu thủ đóng góp nhất cho U19 Việt Nam hiện tại) và đội hình U19 Việt Nam cũng đang có nhiều học trò “ruột” xuất thân từ lò đào tạo này, HLV Trần Minh Chiến nhìn nhận sâu hơn về sự thành công của thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn với sự thay đổi tư duy làm bóng đá. Đó là điều góp phần thúc đẩy bóng đá trẻ Việt Nam phát triển và trở thành một xu thế mới đáng được chờ đợi.
“Không phải bây giờ mà mấy năm trước, công tác đào tạo trẻ đã bắt đầu được chăm lo tốt. Trong khoảng thời gian ấy, các CLB đầu tư cho đào tạo trẻ và xuất hiện những thành quả như thành công của U19 Việt Nam, đó là điều tự hào. Chiến thắng này là một sự ghi nhận với công sức, đầu tư cho công tác đào tạo trẻ của VFF cũng như các CLB, trung tâm bóng đá…”, HLV Trần Minh Chiến chia sẻ.
Hơn 1 năm trước, HLV Kiatisak thừa nhận rằng, Việt Nam đang có một thế hệ trẻ đầy tài năng hơn cả người Thái. Câu nói của HLV từng nhiều năm làm việc ở Việt Nam khi đó bị coi là xã giao. Nhưng 1 năm sau, hóa ra phát biểu của HLV Kiatisak đúng là sự thật.
Sự trưởng thành và khoảng cách không quá cách biệt của nền bóng đá trẻ Việt Nam ở tầm châu lục chứ không còn ở khu vực như các đàn anh ở ĐTQG. Tất nhiên, chúng ta không kỳ vọng quá mức vào việc các đội tuyển trẻ của Việt Nam giành thứ hạng cao trước các đội bóng mạnh được đào tạo bài bản với nhiều tài năng của châu lục như Nhật Bản, Hàn Quốc... ở những giải đấu trong năm 2016, nhưng hy vọng đây sẽ là những cơ hội cọ xát, bổ sung kinh nghiệm, nâng cao chuyên môn, giúp các tuyển thủ trẻ thêm tự tin, xây dựng bản lĩnh và tính chuyên nghiệp trong thi đấu.
Câu chuyện thành công của U16, U19 Việt Nam có dấu ấn rất lớn từ các lò đào tạo bóng đá trong nước, điều đó đã được thẩm định ở các giải đấu trẻ khu vực và châu lục. Đi đầu trong khâu đào tạo trẻ, xây dựng một mô hình hiện đại, đẳng cấp tầm thế giới không thể không nhắc tới Học viện HA Gia Lai.
Từ cách đây chục năm, bầu Đức đã đổ tiền làm bóng đá trẻ và ông bầu phố Núi đã thu được trái ngọt với lứa Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… Cũng chính lứa cầu thủ này đã làm nên thương hiệu U19 Việt Nam kể từ khi trình làng tại giải vô địch Đông Nam Á 2013. Và đến giờ, cứ nhắc tới đội tuyển trẻ thành công nhất trong các cấp đội tuyển quốc gia, người ta không thể không nhắc tới U19 Việt Nam.
Đáng mừng là sự tiên phong của Học viện HA Gia Lai, lại là tiền đề, là cú hích để nhân rộng mô hình đào tạo trẻ trên cả nước. Thực tế cũng chứng minh, ngoài HA Gia Lai thì các lò đào tạo như PVF, Viettel…đã và đang đóng vai trò trụ cột ở các đội tuyển trẻ và tuyển quốc gia. Cùng với Hà Nội T&T, SL Nghệ An, SHB Đà Nẵng..., năng lực đào tạo trẻ của bóng đá Việt Nam đã có những sự cải thiện. Kết quả của các đội tuyển chỉ là tấm gương phản ánh chính xác sự tiến lên của bóng đá trẻ.
Bất chấp những chỉ trích từ giới truyền thông, vượt qua những hạn chế về phương pháp và hệ thống đào tạo của VFF, bóng đá trẻ Việt Nam vẫn đang cho thấy sự tiến bộ nhờ hệ thống các trung tâm đào tạo mới.
Sẽ không ngạc nhiên nếu vài năm tới, hình ảnh đội tuyển Việt Nam được định hình bởi các lò đào tạo ấy. Mà nói đâu xa, ĐTVN thời HLV Hữu Thắng có nhiều nhân tố trẻ thành công từ lứa U.19 như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn, Văn Thanh, Tiến Dũng…
Các địa phương ngoài việc phải quyết liệt xây dựng bóng đá trẻ, cũng đang chú trọng làm công tác tư tưởng, nâng tầm cả học vấn cho các em, đấy là những thông điệp không bao giờ cũ cho một nền bóng đá phát triển.
Mô hình đào tạo trẻ đang được nhân rộng với những cái tên như HA Gia Lai, PVF, Viettel, Hà Nội FC… nhưng như vậy là chưa đủ để làm thay đổi cả nền bóng đá Việt Nam, mà cần sự chung tay của đầu tàu VFF, các ông bầu, các địa phương khác. Đó mới là cách làm bền vững để tạo nên một chân đế vững chắc, để những tài năng không bị thui chột, như những gì đã xảy ra trong quá khứ.
Theo Lê Cường (Dân Trí)