Bóng đá Việt Nam: Đừng nghĩ cách đánh bại, hãy học người Thái

05/09/2015 22:00:07

Thất bại thê thảm của U19 Việt Nam trước U19 Thái Lan một lần nữa cho thấy khoảng cách thực sự giữa hai nền bóng đá, đồng thời nhắc nhở chúng ta về cách phát triển bền vững.

Thất bại thê thảm của U19 Việt Nam trước U19 Thái Lan một lần nữa cho thấy khoảng cách thực sự giữa hai nền bóng đá, đồng thời nhắc nhở chúng ta về cách phát triển bền vững.

Giải vô địch quốc gia là gốc, đội tuyển là ngọn. Nếu có một cái gốc tốt, cây có thể ngã xuống, nhưng nhờ những cành xanh, vẫn có thể vươn lên trở lại.

Năm 1996, người ta gần như không biết, lẫn không quan tâm đến Thai Premier League. Từ Bangkok đến Chiang Mai, đề tài bóng đá ưa thích chỉ là Man Utd hay Liverpool. Thế nhưng sau gần 20 năm, Thai Premier League đã lột xác. Khi đội bóng mới lên hạng Nakhon Ratchasima chạm trán nhà đương kim vô địch Buriram United hồi tháng 7 vừa qua, có 34.689 khán giả tràn vào một sân vận động chỉ có sức chứa trên dưới 24.000 người. May mắn không ai bị thương.
 

Mỗi trận đấu tại Thai Premier League đang dần trở thành một ngày hội của người hâm mộ bóng đá nước này. Ảnh: Burinam FC.

Trong trận hòa 1-1 hôm đó, Buriam không có ngôi sao Diogo Luis Santo, từng được Olympiacos chiêu mộ với giá 11 triệu đôla năm 2008. Không thành công ở châu Âu, Santo tìm đến Thái Lan và lấy lại cảm hứng chơi bóng. Ở đây, anh đạt hiệu suất ghi gần một bàn mỗi trận.

Dominic Adiyiah có câu chuyện tương tự như Diogo. Từng có tên trong biên chế AC Milan, tiền đạo này vừa cập bến Nakhon Ratchasima năm nay sau khi vỡ mộng ở châu Âu. Bạn có nhớ Adiyiah không? Đấy là anh chàng đã tung cú đánh đầu vào khung thành trống của Uruguay ở trận tứ kết World Cup 2010, khiến  Luis Suarez phải dùng hai tay cản phá ngay trên vạch vôi.

Trước Santo và Adiyiah, Robbie Fowler từng sang Muang Thong United hồi 2011. Jay Bothroyd, khoác áo đội tuyển Anh năm 2010, cùng các HLV Sven-Goran Eriksson, Avram Grant... đã có thời gian làm việc tại xứ Chùa Vàng. HLV của Army United là Gary Stevens, cựu tiền vệ tuyển Anh và Tottenham. Đấy là những ví dụ cho thấy sức hút của Thai Premier League.

Tất cả những chuyển mình ấy thực chất chỉ khởi đầu từ năm 2006. Thái Lan quyết tâm học cách làm của Ngoại hạng Anh (Premier League) nên dùng chính cái tên ấy cho giải vô địch của họ. Năm 2014, Thai Premier League đã nâng quy mô lên thành 20 đội, sau khi nâng cấp dần từ 10 lên 12, 16 rồi sau đó là 18 đội. Được sự vận động của nhà vua và các chính trị gia, cả đất nước lao vào trợ giúp cho một nền bóng đá.
 

Không thành công ở châu Âu, nhưng Adiyiah, Quả bóng Vàng giải U20 thế giới 1999, vẫn là một sự bổ sung đáng giá, nâng tầm chất lượng, sức hút của TPL.

Sau lưng những đội bóng Thái Lan đa phần là những nhà tài phiệt hoặc những chính trị gia. Tất cả các CLB dự Thai Premier League đều có nhà tài trợ trên áo đấu và trang phục thể thao. Trừ Army United, Burinam United, Chainat Hornbill, Chiangrai United dùng trang phục tự sản xuất, những đội còn lại đều dùng quần áo của các hãng thể thao nổi tiếng trong và ngoài nước. Đài truyền hình TrueVisions mua bản quyền Thai Premier League với giá 57 triệu đôla. Lương một cầu thủ Thái mỗi năm bình quân khoảng 35.000 đôla (khoảng 700.000 triệu đồng). Các thương gia Thái Lan tràn sang châu Âu, mua những CLB nước ngoài rồi dùng chính những CLB ấy làm nơi tư nghiệp cho nhiều cầu thủ quê hương.

Xin nhắc lại, tất cả những chuyển mình ấy đều được thực hiện trong vỏn vẹn chưa đến 10 năm, từ 2006 đến nay. Sở dĩ họ có được thành tựu ấy vì có sự chung tay của cả cộng đồng, thay vì manh mún nhỏ lẻ ở nhiều nơi. Họ đầu tư rộng khắp nhưng không dàn trải, họ bỏ nhiều tiền nhưng có mục tiêu. Đợt trận vòng loại World Cup vừa qua, các đại diện Đông Nam Á đại bại. Sáu đội bóng trong khu vực thi đấu, trong đó có Malaysia, Singapore và Myanmar, nhận tổng cộng 38 bàn thua và không ghi được bàn nào. Thái Lan thì đang dẫn đầu bảng đấu loại với hai trận toàn thắng. Điều đó cho thấy họ thực sự đang ở đâu. Trong lúc cả Đông Nam Á ngước nhìn Thái Lan thì họ đã hướng mắt đến Premier League, đã mơ tới World Cup.

Đội tuyển Thái Lan ngày nào chỉ dùng cầu thủ chủ yếu ở các đội thủ đô, bây giờ khi triệu tập, nhân sự của họ trải dài hơn 10 đội bóng khác nhau. Ngày trước Thái Lan hơn Việt Nam chủ yếu là thể lực và những cú sút xa, giờ họ hơn... toàn diện: từ kỹ thuật cơ bản đến tư duy chơi bóng. Cầu thủ Việt Nam nhuyễn, họ còn nhuyễn hơn. Chúng ta manh mún, họ có tổ chức. Chúng ta dựa vào nỗ lực cá nhân, họ dựa vào tập thể. Sân cỏ Thái Lan không chạy theo mốt cầu thủ cao to khỏe mạnh mà dựa vào những cầu thủ kỹ thuật kiểu Latinh. Họ thuê HLV có triết lý Latinh, họ dạy cho cầu thủ trẻ đá theo kiểu Latinh.
 

Tuyển Thái Lan được hưởng lợi từ sự phát triển của TPL và đã hướng mục tiêu ra tầm thế giới, chứ không chỉ giới hạn trong việc bá chủ khu vực Đông Nam Á.

Tại nước Anh, có đến ba CLB là Leicester City, Reading và Sheffield Wednesday trực thuộc sự quản lý của các ông chủ Thái Lan. Ngoại hạng Anh và Chelsea, Everton... được tài trợ bởi những công ty Thái Lan. Họ vừa làm kinh tế, vừa học cách người Anh làm bóng đá để quay về giúp ích cho Thai Premier League và đội tuyển nước nhà. HLV đội tuyển Thái Lan Kiatisuk Senamuang nói: "Thái Lan chỉ có lợi chứ không hại gì khi các nhà tài phiệt trong nước vươn mình sang Anh. Những tài năng trẻ Thái Lan sẽ có thêm những kênh để có thể tu nghiệp ở nước ngoài".

Người Thái quả thực đã đi rất xa cái vùng trũng Đông Nam Á.
 
>> HLV Lê Thụy Hải: “Đạo đức thi đấu của U19 Việt Nam kém quá!”
>> HLV Hoàng Anh Tuấn: "U19 Thái Lan thắng nhờ hơn về bản lĩnh"
>> CĐV Thái Lan đốt pháo sáng, xô xát an ninh trận gặp U19 Việt Nam
 
Theo Hoài Thương (VnExpress.net)

Nổi bật