Bóng đá Thái Lan tưởng chừng như có nền tảng ổn định, nhưng thực tế nhiều chiến lược mang tính lâu dài, cần đầu tư xuất hiện những lỗ hổng, rạn nứt. Không được giải quyết được ngay, nên bóng đá Thái Lan bắt đầu trở nên hỗn loạn, mất kiểm soát từ những người có trách nhiệm.
CLB của Văn Lâm “đi đêm” với HLV đội tuyển U23
Kịch bản vụ “cướp” huấn luyện viên diễn ra ở Thái Lan không khác gì diễn biến mà Real Madrid lấy HLV Lopetegui của đội tuyển Tây Ban Nha trước thềm World Cup 2018. U23 Thái Lan cũng đang chuẩn bị lên đường dự giải Lions Cup tại Singapore. Đây là một trong những giải đấu mà U23 Thái Lan chuẩn bị cho vòng chung kết U23 châu Á được tổ chức ngay sân nhà.
CLB Muangthong United trong cơn khủng hoảng ở vị trí chót bảng đã quyết định chơi vố lớn. Đó là “đi đêm” với ông Alexandre Gama. Số tiền đội bóng này lấy ra để thuyết phục HLV U23 Thái Lan là 20 triệu baht mỗi năm. Đội bóng của thủ môn Đặng Văn Lâm đang đứng chót bảng Thai League 2019 và mất luôn bản sắc.
Muangthong United gây phản ứng với những nhà lãnh đạo của Hiệp hội Bóng đá Thái Lan (FAT) vì động thái này. Lãnh đạo của CLB đã bất chấp lợi ích của quốc gia, chèo kéo HLV mà FAT có kế hoạch sẽ lên nắm đội tuyển quốc gia (ĐTQG) trong tương lai. Chủ tịch FAT Somyot Poompanmoung tỏ ra không hài lòng, nhưng ông chỉ mong muốn HLV Gama hoàn thành nốt chuyến tập huấn.
Trong cơn “nước sôi lửa bỏng”, rất khó để Muangthong United phải chờ người giải cứu. Câu chuyện tranh giành HLV này cho thấy đội bóng ở Thai League thiếu tôn trọng FAT. Người Thái rõ ràng không muốn thấy sự mâu thuẫn nội bộ của nền bóng đá nước nhà trong bối cảnh bóng đá Thái Lan đã và đang trải qua cơn khủng hoảng về thành tích cũng như cách tạo ra nhiều điều tiếng.
Mảng tối trong phòng thay đồ tuyển Thái Lan
Đó là câu chuyện mà nhiều CĐV Thái Lan vẫn đặt dấu hỏi về cách chơi của tuyển Thái Lan sau trận thua Ấn Độ 1-4 ở UAE hồi tháng 1/2019. Hậu quả là ông Milovan Rajevac bị sa thải sau trận đấu đó mà không có lời thanh minh. Chiến lược gia người Sebia bất lực trước phong độ của Chanathip songkrasin và đồng đội tại Asian Cup và cùng ê-kíp của mình xách vali về nước.
Sau đó, Thái Lan thi đấu “như lên đồng” ở 2 trận đấu tiếp theo và giành quyền lọt qua vòng đấu bảng. Làn gió mới từ tân HLV Sirisak Yodyardthai chỉ trong ít ngày nắm đội khó có thể tạo ra sự khác biệt. Vậy nên, những tuyển thủ Thái Lan mới phải trả lời cổ động viên về màn trình diễn khó hiểu dưới trướng ông Rajevac.
May mắn là việc lọt vào vòng 16 đội ở Asian Cup 2019 đã xua đi mọi nghi ngờ trước đó. Trận đấu với tuyển Trung Quốc mà Thái Lan để thua 1-2 cũng được chấp nhận. Cách chơi thay đổi, Dangda và đồng đội mới thực sự trở lại là chính mình, nhưng cách họ đẩy ông thầy nổi tiếng ra đi vẫn cần trả lời.
Trước đó với thất bại tại AFF Cup 2018, ông Rajevac vẫn kiểm soát được phòng thay đồ khi không có những ngôi sao đang chơi ở nước ngoài. Và ngày mà “Messi J”, Dangda và Theerathon Bunmathan trở lại, thì câu chuyện đã đi theo một hướng khác. Đó đều là những tuyển thủ có tiếng nói và tầm ảnh hưởng ở đội tuyển quốc gia Thái Lan.
Chính sách đào tạo huấn luyện viên có vấn đề?
HLV tạm quyền Sirisak Yodyardthai đang ngồi “chiếc ghế nóng” ở tuyển Thái Lan, bởi FAT chưa tìm được chiến lược gia nước ngoài nào chịu dẫn dắt. Bóng đá Thái Lan bất ngờ mất sức hút đến khó tin khi các HLV châu Âu đều lắc đầu, còn ứng viên châu Á vẫn chưa khiến những người lãnh đạo hài lòng.
Bất cập lớn nhất của ông Sirisak là không có bằng huấn luyện Pro của Liên đoàn Bóng đá châu Á. Theo quy định, HLV dẫn dắt đội tuyển quốc gia tham dự các giải đấu của FIFA phải có bằng chuyên nghiệp. Hậu thời Kiatisak tính đến nay, có phải Thái Lan không còn người bản địa nào đáp ứng được yêu cầu thời đại của bóng đá thế giới?
Giống như ở Việt Nam, ít nhất 5 HLV đã có chứng chỉ Pro của AFC. Điều đó cũng đặt ra vấn đề với bóng đá Thái là họ xây dựng công tác huấn luyện như thế nào? Có đủ các lớp đào tạo huấn luyện viên theo từng cấp hay không? Có tạo điều kiện cho HLV Thái Lan học lấy bằng Pro hay giải quyết khó khăn của những người làm chuyên môn trong nước. Hệ quả là Thái Lan thiếu người đóng thế tròn vai.
Có thời điểm người hâm mộ bóng đá Thái Lan phải cầu cứu Zico Thái Kiatisak. Tuy nhiên, đáp lại là sự im lặng đáng sợ từ cựu HLV tuyển Thái Lan vì ông không được đối xử tử tế. Có bất công hay không với các huấn luyện viên bản địa khi FAT dành toàn bộ sự quan tâm cho người ngoài. Điều gì đang xảy ra với FAT thời gian qua?
Lạm dụng ngoại binh ở Thai League
Chính sách sử dụng 5 ngoại binh ở một trận đấu, trong đó có 3 cầu thủ châu Á, 1 cầu thủ Đông Nam Á và 1 ngoại binh từ châu lục khác đã khiến số lượng cầu thủ Thái Lan ra sân ngày càng ít. Từ mùa giải 2020, Thai League tăng thêm 2 suất nữa cho cầu thủ Đông Nam Á khiến số ngoại binh có thể ra sân trong một trận đấu lên con số 7. Và chỉ còn 4 vị trí cho cầu thủ địa phương.
Nhìn vào bảng xếp hạng “vua phá lưới” tại Thai League cho đến vòng 11, không có cầu thủ Thái Lan nào lọt vào danh sách 15 người dẫn đầu. Tiền đạo Bordin Phala của CLB Thai Port là chân sút Thái Lan tốt nhất ở Thai League với 4 bàn thắng, và cầu thủ sinh năm 1994 này đứng thứ 20 trong bảng xếp hạng. Ngoại binh đang đứng đầu là tiền đạo của Chonburi FC tên Lukian Almeida với 11 pha lập công từ đầu giải.
Chính vì vậy mà tuyển Thái Lan phải trông chờ vào sự trở lại của Chanathip Songkrasin từ J League 1, Nhật Bản. Còn 2 chân sút hàng đầu của tuyển Thái là Adisak Kraisorn và Teerasil Dangda mới ghi 2 bàn thắng. CLB Muangthong United nơi cả 2 đang thi đấu đứng bét bảng với 8 điểm và ghi 9 bàn thắng. Đó có thể là cái giá phải trả cho việc quảng bá hình ảnh Thai League tại Đông Nam Á.
Chính sách dùng ngoại binh khu vực để thu hút người xem sẽ kéo dài đến hết mùa giải 2020. FAT và ban tổ chức Thai League thừa hiểu chuyện này và chỉ mong các cầu thủ Thái Lan vì sự cạnh tranh gắt gao như vậy để phấn đấu. Chưa ai biết rõ điều này tác động đến bóng đá Thái Lan như thế nào, nhưng hiện tại có thể thấy có một vài sự bất ổn đang ngày đêm âm ỉ trong lòng bóng đá Thái.
Theo Quang Thịnh (Tri Thức Trực Tuyến)