Không thể dễ hơn...
Có một phương án của BTC Asiad 2018, 2 đội bóng bị... bỏ sót trong lần bốc thăm đầu tiên là UAE và Palestine được điều chỉnh bằng cách bổ sung 6 bảng đấu sẵn có, hoặc bốc thăm lại từ đầu môn bóng đá nam.
Dù có thay đổi như thế nào đi chăng nữa thì theo tính toán, thầy trò HLV Park Hang Seo khó có thể rơi vào bảng đấu dễ thở hơn bảng đấu hiện tại lúc này gồm 3 đối thủ là Nhật Bản, Nepal, Pakistan bởi vẫn còn đó phương thức chọn đội hạt giống.
Trường hợp tiến hành bốc thăm lại, Olympic Việt Nam nằm ở nhóm hạt giống số 2 cùng 7 những cái tên Uzbekistan, Hong Kong, Palestine, Trung Quốc, Kyrgyzstan, Malaysia và Bangladesh và rất có thể rơi vào bảng đấu có 5 đội bóng.
Không những không dễ hơn, thầy trò HLV Park Hang Seo còn phải đối mặt với rắc rối về việc đổi đối thủ, dẫn đến việc thay luôn kế hoạch chuẩn bị của mình. Tất nhiên “khó người thì cũng khó ta” nên dù có bốc thăm lại đi chăng nữa cũng phải chấp nhận, đặc biệt khi Asiad đang rất giống... ao làng SEA Games!
Olympic Việt Nam sợ gì?
Thầy trò HLV Park Hang Seo chắc chắn không quá quan tâm đến kết quả bốc thăm hoặc xếp lại bảng đấu ở Asiad, vì lúc này gặp đội bóng nào cũng không dễ cho Olympic Việt Nam.
Bởi như đã từng nói, việc chơi tốt và lọt vào tới tận trận chung kết giải U23 châu Á khiến thầy trò HLV Park Hang Seo trở thành mục tiêu được các đối thủ “chăm sóc”, thăm dò kỹ lưỡng.
Đây là điều hiển nhiên với bất cứ đội bóng nào có thành tích trên thế giới mỗi khi bước vào giải đấu chính thức, chứ không riêng gì Olympic Việt Nam.
Không chỉ e ngại chuyện bị “chăm sóc” kỹ, nếu tổ chức bốc thăm lại, Olympic Việt Nam rơi vào một bảng đấu dễ dàng cũng không hẳn là điều quá lạc quan. Lúc ấy, vấn đề không phải đối thủ mà chính bản thân các cầu thủ trẻ.
SEA Games 29 là một ví dụ điển hình, bởi U22 Việt Nam khi đó đã chơi tưng bừng trước các đối thủ yếu, nhưng khi bước vào những trận quan trọng lại mắc nhiều sai số và bị loại ngay ở vòng đấu bảng một cách vô cùng cay đắng.
Tất nhiên, có nhiều lý do làm U22 Việt Nam bại trận ở SEA Games, nhưng cũng không ai phủ nhận một điều: U22 Việt Nam khi đó với Công Phượng, Xuân Trường, Tiến Dũng... ít nhiều cũng có những kiêu ngạo nhất định sau loạt trận thắng tưng bừng trước những đối thủ yếu.
Điều này càng rõ hơn, khi dưới thời HLV Park Hang Seo ở VCK U23 châu Á các cầu thủ U23 Việt Nam rơi vào bảng đấu khó nhưng vẫn lọt vào tới tận trận chung kết. Việc chơi từng trận giống như một trận chung kết có vẻ lại hợp hơn với Công Phượng và đồng đội, thay vì dễ đá, dễ thắng và cũng... dễ vấp ngã.
Với những gì đang có trong tay, cùng với việc Asiad cũng chỉ là một giải đấu dành nhiều đất cho các cầu thủ trẻ, Olympic Việt Nam không e ngại bất cứ đối thủ nào. Có chăng họ sợ là thua chính mình, khi bệnh kiêu binh rất dễ "trỗi dậy".
Theo Xuân Mơ (VietNamNet)