BÌNH LUẬN: Miura – Không phải dạng vừa đâu!

02/04/2015 09:46:15

Từ những tính toán, điều chỉnh cho tới sự chuẩn bị, Toshiya Miura đều thể hiện ông là 1 nhà cầm quân hiện đại, phù hợp với bối cảnh sa sút của bóng đá Việt Nam…

Từ những tính toán, điều chỉnh cho tới sự chuẩn bị, Toshiya Miura đều thể hiện ông là 1 nhà cầm quân hiện đại, phù hợp với bối cảnh sa sút của bóng đá Việt Nam…
1. Ở vòng loại U23 châu Á 2016, U23 Việt Nam chỉ được xếp vào nhóm hạt giống thứ 3, kém nhiều đối thủ trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Lào, Myanmar (nhóm 2). Song hành với đó là những thử thách khó khăn. Ấy vậy mà khi kết thúc vòng loại, U23 Việt Nam đã trở thành 1 trong 2 đại diện Đông Nam Á có mặt ở Qatar vào tháng 1 năm sau (cùng với Thái Lan).
 
 
Thành tích ấy dĩ nhiên mang tới 1 sự tự hào không hề nhỏ cho những người vẫn còn đặt niềm tin vào nền bóng đá nước nhà.
 
Nói như HLV Lê Thụy Hải, U23 Việt Nam có thể chỉ là “quân xanh” ở VCK U23 châu Á 2016 bên cạnh những đại gia châu lục như Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran, Iraq,… Nhưng chẳng sao! Đó là cơ hội để chúng ta rèn luyện bản lĩnh khi bước ra sân chơi châu lục, yếu tố vốn là điểm yếu cố hữu của bóng đá Việt Nam.
 
Quan trọng hơn, người ta thấy được khát vọng lớn của đội bóng dưới quyền HLV Toshiya Miura. Chẳng ai đánh thuế những giấc mơ! Ông Miura mạnh dạn đặt mục tiêu giành quyền dự sân chơi cấp châu lục như để khẳng định bóng đá Việt Nam dù yếu nhưng không hề thiếu động lực và khát khao. Bóng đá nước nhà bao giờ mới khá nổi nếu chỉ nhắm những mục tiêu trước mắt như SEA Games?
 
2. Cách đây 1 năm, U23 Việt Nam còn là nỗi thất vọng khi tham dự SEA Games 27. Đó là thời điểm chúng ta phải về nước ngay sau vòng bảng. Ấy vậy mà dưới triều đại Toshiya Miura, đội quân tuổi Olympic ấy đã đổi khác một cách chóng vánh.
 
Mọi chuyện bắt đầu từ Á vận hội Incheon 2014. U23 Việt Nam bị bỏ rơi trước cơn bão mang tên U19. Với Miura, điều đó chẳng sao! Ông dẫn quân sang xứ Hàn với lời động viên “Cứ đá tốt đi, NHM sẽ không quay lưng”. Và ở giải đấu đó, U23 Việt Nam của Miura đã gây sốc khi đè bẹp đại gia Iran với tỉ số 4-1 để vào tứ kết. Quả thực, chiến thắng đã giúp U23 Việt Nam kéo NHM trở lại.
 
 
Sau giải đấu trên đất Hàn, ông Miura lại rơi vào muôn vàn khó khăn khi phần lớn các cầu thủ quá tuổi 23. Để rồi ở đợt triệu quân chuẩn bị cho vòng loại U23 châu Á và SEA Games 28, nhà cầm quân người Nhật phải làm lại từ đầu với 1 đội hình gần như mới toanh.
 
Khó khăn đến với HLV Miura như những cơn sóng liên tiếp. Từ những ca chấn thương cho tới loạt giao hữu nhạt nhòa, ông phải hứng chịu sức ép rất lớn từ NHM. Đã có không ít tiếng cười chế nhạo khi nhà cầm quân người Nhật đặt mục tiêu giành vé tới Qatar tham dự VCK U23 châu Á 2016.
 
Thật may, ông Miura là người chịu sức ép rất tốt, càng không phải là người dễ tự ái. Đó là những biểu hiện cần có của một nhà cầm quân hiện đại, có cá tính và bản lĩnh. Bất chấp những chỉ trích, ông vẫn miệt mài thử nghiệm, thay đổi với hi vọng tìm ra một con đường hợp lý nhất cho U23 Việt Nam.
 
Ở vòng loại U23 châu Á vừa qua, NHM Việt Nam một lần nữa được chứng kiến tài thao lược của Miura với những đấu pháp hợp lý, giàu toan tính mà cực kì hiệu quả. Ở trận ra quân gặp U23 Malaysia, đội bóng của Miura đã thể hiện được tinh thần của 1 trận chung kết, giàu nhiệt huyết nhưng không kém sự lì lợm.
 
Đến trận thứ 2, ông Miura quyết định chơi tử thủ với sơ đồ 5-4-1 trước Nhật Bản. Có lời ra tiếng vào nhưng thực tế mà nói, đó là đấu pháp hợp lý trong bối cảnh U23 Việt Nam cần hiệu số tốt để giành vé tới Qatar. Nếu coi đó là bài tập phòng ngự thì ở trận gặp U23 Macau, U23 Việt Nam đã có bài tập tấn công không thể hài lòng hơn khi giành chiến thắng với tỉ số 7-0.
 
Điều tuyệt vời là ông Miura biết nhìn người, nhìn ta. Nếu đá “sòng phẳng” với U23 Nhật Bản, có thể U23 Việt Nam sẽ có bàn thắng nhưng chắc gì đã để thua với khoảng cách dưới 2 bàn. Khi ấy, nhiệm vụ ở trận đấu cuối sẽ trở nên cực kì khó khăn. Nói Miura thần tiên thì hơi quá nhưng quả thật những nước cờ của ông rất hợp lý, phù hợp với triết lý bóng đá hiện đại. Đến mức HLV của U23 Nhật Bản, ông Makoto Teguramori cũng phải thừa nhận “bóng đá Việt Nam may mắn khi có được HLV Miura”.
 
3. Không chỉ biết tính toán, HLV Toshiya Miura còn là nhà cầm quân giàu ý tưởng chiến thuật. Ở trận gặp U23 Malaysia, ông áp dụng sơ đồ 4-4-2. Tới trận gặp U23 Nhật Bản, ông sử dụng sơ đồ 5-4-1. Còn chiều tối qua, ông chơi 4-3-3 khi đụng U23 Macau. Nhìn lại quá khứ, hiếm có vị HLV nào của ĐT Việt Nam thay đổi lối chơi chóng vánh đến vậy chỉ trong 3 trận đấu liên tiếp.
 
 
Rõ ràng, HLV Miura đã có sự chuẩn bị rất kĩ, tính toán đến từng khía cạnh. Bởi vậy mà sự vắng mặt đáng tiếc của những trụ cột như Huy Toàn, Tuấn Anh không ảnh hưởng quá lớn tới lối chơi của U23 Việt Nam.
 
Cách chơi của U23 Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề nhưng không sao cả! Quan trọng là dưới bàn tay của ông Miura, các cầu thủ đều phát huy được gần như tối đa khả năng của mình. Nó khiến NHM nước nhà có cảm giác “U23 Việt Nam chơi tốt hơn sự kì vọng”.
 
Quả thực, U23 Việt Nam hiện tại chưa phải là 1 thế hệ hay. Lớp đàn anh xem ra chỉ có Huy Toàn được xem là niềm hi vọng, trong khi lớp trẻ U19 như Công Phượng, Tuấn Anh chưa kịp bắt nhịp. Nói một cách cụ thể, U23 hiện tại thiếu hẳn sự đồng đều so với thời Văn Quyến – Quốc Vượng, hay Công Vinh – Thành Lương trước đây.
 
Chính yếu tố ấy đã tôn lên sự khéo tay của HLV Toshiya Miura! Ông quả thực là người biết “liệu cơm gắp mắm”, biến những cái thô ráp trở nên nhẵn nhụi, biến những mục tiêu tưởng như không thể trở thành nhiệm vụ nằm trong tầm tay. NHM Việt Nam vẫn rất tin tưởng vào Toshiya Miura bởi ông không phải dạng vừa đâu…
 
>> Ông Hải "lơ" đang nghĩ gì về HLV Miura và U23 Việt Nam?
>> Tài xoay rubik của HLV Miura
>> Báo Malaysia đưa tin Cá tháng tư HLV Miura từ chức
 
Theo Duy Hải (Bongdaso.com)

Nổi bật