Vô địch châu Á, vô địch World Cup, vô địch U20 thế giới cùng 2 lần khác vào đến trận chung kết Olympic lẫn World Cup, bóng đá nữ Nhật Bản trong hơn một thập niên qua đã và đang làm rạng danh làng túc cầu châu Á ở những sân chơi lớn nhất hành tinh dành cho phái nữ.
Nữ quyền và bóng đá
Ở đất nước mà hình ảnh nữ giới thường gắn với đức tính nhu mì, hiền dịu và cả sự phục tùng thì việc chơi bóng đá - môn thể thao đòi hỏi cá tính và sức mạnh cơ bắp - có vẻ như là một cuộc cách mạng, một sự đấu tranh đòi quyền bình đẳng giới của phụ nữ Nhật Bản.
Giải bóng đá nữ chuyên nghiệp của Nhật hiện nay - "The WE League" hay "Yogibo WE League", nguyên nghĩa là Giải Bóng đá chuyên nghiệp trao quyền cho nữ giới Nhật - The Japan Women’s Empowerment Professional Football League. Chỉ riêng cụm từ "Empowerment" đã thể hiện một tiến trình giành lại quyền tự do để làm những điều mình mong muốn.
Chẳng hề dễ dàng để bóng đá nữ nói riêng, phụ nữ Nhật Bản nói chung đạt được điều này. Cũng như phụ nữ tại nhiều quốc gia tiên tiến trên khắp thế giới, họ đã phải tranh đấu miệt mài mới giành được quyền bình đẳng giới, bao gồm cả quyền chơi những môn thể thao yêu thích, kể cả bóng đá.
Năm 1989, Giải Vô địch bóng đá nữ Nhật Bản - Nadeshiko League ra mắt. Vậy mà phải 32 năm sau, The WE League - giải bóng đá chuyên nghiệp nữ Nhật Bản - mới ra đời và qua mặt Nadeshiko League để trở thành sân chơi hàng đầu xứ sở hoa anh đào. WE League có 12 đội tham dự, thi đấu theo khung lịch thời gian như châu Âu với việc chơi bóng qua mùa đông, thi đấu vòng tròn 2 lượt đi và về và được phép mua sắm ngoại binh.
Vươn tầm thế giới
Đánh bại đội bóng 2 lần vô địch thế giới là tuyển Mỹ trong trận chung kết World Cup nữ 2011, tuyển nữ Nhật Bản đã tạo nên làn sóng phấn khích khắp lục địa châu Á. Sau những thảm họa động đất, núi lửa, sóng thần, rò rỉ hạt nhân liên tiếp xảy ra tại quốc gia này vào tháng 3 cùng năm, tưởng chừng tuyển nữ Nhật Bản sẽ không tham dự World Cup 2011 bởi ngay cả tuyển nam Nhật Bản cũng đã rút lui khỏi Copa America 2011 với tư cách khách mời.
Mang theo sự tự hào và niềm tin được người dân cả nước gửi gắm, tuyển nữ Nhật Bản đã thi đấu hết mình và cống hiến những trận cầu để đời. Chiều cao trung bình chỉ 1,62 m so với các đối thủ phương Tây hay Nam Mỹ thấp nhất cũng từ khoảng 1,7 m trở lên, tuyển nữ Nhật Bản tận dụng sự nhanh nhẹn, khéo léo, trình độ kỹ thuật cực tốt cùng tinh thần chiến đấu kiên cường để loại lần lượt các đội mạnh như Đức, Thụy Điển trước khi công phá nốt thành trì Mỹ ở chung kết.
Tuyển nữ Nhật Bản quay trở lại trận chung kết World Cup 2015 nhưng lần này không vượt qua được "cố nhân" tuyển Mỹ. Xen kẽ thành tích đáng nể ở World Cup, tuyển nữ Nhật Bản còn có 2 lần vô địch bóng đá Asian Games, 2 lần vô địch châu Á. Ngay cả lứa hậu bị cũng vô địch World Cup U20 năm 2018, á quân U20 thế giới 2022!
Câu chuyện của Saki Kumagai
Saki Kumagai, một tượng đài và là huyền thoại sống của bóng đá nữ Nhật Bản và châu Á, hiện vẫn còn thi đấu ở tuổi 32. Mười hai năm trước, Kumagai là người thực hiện thành công cú sút quyết định ở trận chung kết, giúp Nhật Bản thắng Mỹ 3-1 và giành chức vô địch World Cup 2011.
Sau lần đăng quang với tuyển Nhật Bản, Saki Kumagai sang châu Âu thi đấu và trở thành cầu thủ Nhật Bản thành công nhất mọi thời đại, tính chung cả nam và nữ. Cô ký hợp đồng thi đấu chuyên nghiệp với Frankfurt, Lyon, Bayern Munich và AS Roma trong 12 năm qua, 5 lần vô địch Champions League cùng 7 chức vô địch nước Pháp với Lyon, cùng Bayern vô địch Bundesliga nữ…
"Sau khi chúng tôi vô địch World Cup, rất nhiều cô gái Nhật Bản tìm đến bóng đá. Trường Trung học Tokiwagi Gakuen ở Sendai bỗng có giá khi từ năm 2000 thường xuyên cử đội U19 nữ sang Mỹ tham dự Target USA Cup - giải bóng đá trẻ lớn nhất được tổ chức thường niên tại vùng Bắc Mỹ. Cứ có tên trong đội bóng cấp trường này là cầm chắc một suất vào đội tuyển quốc gia, dễ dàng trở thành cầu thủ chuyên nghiệp" - Saki Kumagai nhớ lại.
Chỉ tiếc là sau trận chung kết World Cup 2015, sự phát triển bóng đá nữ tại Nhật Bản có dấu hiệu chững lại. Bà Haruna Takata, người đứng đầu WE League, cho biết sự ủng hộ dành cho các môn thể thao nữ tại Nhật Bản không cao, đi ngược với xu hướng của thế giới. Cách truyền thông Nhật Bản khắc họa chân dung của các nữ VĐV cũng khá "lập dị" khi tập trung khai thác ngoại hình và vẻ dễ thương thay vì tính cách mạnh mẽ và khả năng chuyên môn của họ.
Gần một nửa đội hình tuyển Nhật Bản đang chơi bóng ở các giải chuyên nghiệp châu Âu hoặc nhà nghề Bắc Mỹ. Điều này không phản ánh được thực trạng chung dù trên danh nghĩa, ra nước ngoài thi đấu chính là để học hỏi tri thức, kỹ năng chơi bóng hiện đại để cống hiến cho đội tuyển quốc gia.
Nhật Bản đang xếp hạng 11 của FIFA và tại World Cup nữ 2023, đoàn quân của HLV Futoshi Ikeda là một trong 3 đội toàn thắng cả 3 trận vòng bảng và họ là đội duy nhất không để lọt lưới bàn nào sau khi ghi đến 11 bàn vào lưới Zambia, Costa Rica và Tây Ban Nha. Bất kể thành tích tại World Cup 2023 ra sao, tuyển Nhật Bản hy vọng màn trình diễn của họ sẽ lại là động lực cho bóng đá nữ trở lại đúng vị thế được trông đợi ngay tại quê hương, vươn tầm lên đỉnh cao châu lục và thế giới nhiều lần nữa trong vai trò tiên phong của cả lục địa da vàng.
Đ.Tùng (Nld.com.vn)