Lionel Messi vừa bổ sung thêm một giải thưởng nữa vào kho tàng đồ sộ của mình: Vận động viên xuất sắc nhất năm 2023 do tạp chí Time bình chọn. Đó là sự tưởng thưởng cho siêu sao người Argentina, sau khi thuyết phục cả thế giới rằng anh là cầu thủ vĩ đại nhất hành tinh với Quả bóng Vàng thứ 8, đã tạo nên cơn sốt ở Mỹ, cuốn đất nước của bóng rổ, bóng bầu dục, bóng chày vào môn thể thao mang tên bóng đá.
Thống kê chỉ ra rằng lượng khán giả đến sân nhà của Inter Miami đã tăng 40%, mức tăng đột biến lớn nhất giải đấu. Inter Miami cũng trở thành đội MLS đầu tiên đạt trung bình 30.000 người hâm mộ trên sân khách. Điều này cũng kéo theo doanh thu tăng vọt, dự kiến đạt 200 triệu USD trong năm 2024, gấp 3 lần trước đó.
Sự hiện diện của Messi còn mang lại lợi ích cho phần còn lại của giải đấu. Dan Hunt, Chủ tịch của FC Dallas, nói rằng trận đấu với Inter Miami là “đêm có doanh thu cao nhất mọi thời đại của CLB”, hay lượng khán giả đến Soldier Field theo dõi trận đấu giữa Chicago Fire và Inter Miami đạt con số kỷ lục 62.124 người, cao gấp bội so với lượng bình quân 15.422. MLS cũng hồ hởi cho biết, áo đấu của Messi là chiếc áo bán được nhiều nhất trong lịch sử giải đấu.
Còn theo công ty phân tích Antenna, vào ngày Messi ra mắt Inter Miami, Apple có thêm khoảng 110.000 người đăng ký vào dịch vụ MLS Season Pass của mình, mức tăng đột biến trong một ngày lớn nhất từ trước đến nay và hơn 1.700% so với ngày hôm trước. Những con số này cho thấy sự đầu tư của Inter Miami, MLS và cả Apple, đối tác của giải đấu sẵn sàng chia sẻ một phần doanh thu từ việc đăng ký MLS Season Pass trên Apple TV+.
Bây giờ người Mỹ có thể tự tin nói rằng họ là một quốc gia bóng đá. Thậm chí cuồng si bóng đá và nhân vật vĩ đại nhất mà môn thể thao này sản sinh ra.
Mặc dù vậy, tiền không phải lý do chính yếu đưa Messi tới MLS. Như anh chia sẻ trên tờ TIME, “đã có rất nhiều đề nghị thú vị trên bàn buộc tôi phải phân tích, suy nghĩ, thậm chí trao đổi với gia đình trước khi đưa ra quyết định cuối cùng”.
Ngôi sao người Argentina nói: “Lựa chọn đầu tiên của tôi là trở lại Barca, điều mà tôi đã cố gắng, nhưng không thể thực hiện được. Tôi cũng nghĩ rất nhiều về việc tới Saudi Arabia bởi biết rõ đất nước này với tư cách Đại sứ du lịch, đồng thời cũng nhận thấy bóng đá ở đây đang phát triển, trước nỗ lực của họ để tạo ra một giải đấu hàng đầu”.
Vì sao Messi lại tới Inter Miami?
Câu chuyện bắt đầu từ đầu năm 2018, khi đội bóng áo hồng được thành lập bởi David Beckham cùng anh em Jorge và Jose Mas, hai doanh nhân gốc Miami điều hành công ty xây dựng MasTec. Họ có chung ý tưởng lôi kéo Messi cùng gia nhập, nhưng có vẻ đây là giấc mơ khó thành hiện thực.
Cuộc gặp gỡ đầu tiên được xúc tiến vào tháng 9/2019 tại Barcelona. Một giám đốc điều hành của Adidas, nhà tài trợ lâu năm của Messi, đã tổ chức cuộc hẹn giữa Beckham, Jorge Mas và Jorge Messi, bố của Messi. La Pulga hào hứng với tầm nhìn của Inter Miami nhưng chưa sẵn sàng để chia tay Barca.
Không thể thuyết phục Messi, nhưng mối quan hệ thân thiết đã hình thành. Khi ĐT Argentina tập huấn ở Miami chuẩn bị cho World Cup 2022, Mas nhắn nhủ Jorge Messi: “Nghe này, rất ít VĐV có khả năng thay đổi lịch sử thể thao ở một quốc gia. Messi có cơ hội đó ở một thị trường thương mại lớn nhất thế giới, chính là Mỹ”.
Cùng lúc, Mas cũng trao đổi ý định đưa Messi đến MLS với Eddy Cue, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách dịch vụ của Apple, đối tác chuẩn bị ký hợp đồng trị giá 2,5 tỷ USD với MLS. Cue đặc biệt hào hứng với thương vụ mà theo ông, tương tự “Liên đoàn bóng rổ London ký với LeBron James”.
Vào tháng 2/2023, Inter Miami được Forbes định giá 600 triệu USD, đứng thứ 11 ở MLS. Với sự tham gia của Messi kéo theo cơn sốt vé, áo đấu và các bản hợp đồng thương mại, dự kiến trong năm 2024, đội bóng của Beckham rơi vào khoảng 1,5 tỷ USD, cao hơn cả Los Angeles FC, đội giá trị nhất hiện tại với 1 tỷ USD.
Trong thời gian diễn ra World Cup 2022, Mas không bỏ qua bất cứ trận đấu nào của Argentina. Và khi Messi đăng quang, ông tự tin sẽ thành công.
“Trái với số đông, những người cho rằng việc thuyết phục Messi sẽ khó hơn nếu cậu ấy vô địch, tôi lại tin chắc 1.000%. Sau khi vươn tới đỉnh cao, cậu ấy cần một chương mới khác biệt so với trước đó. Những trang trống chưa được viết ra”, Mas nói.
Mas đã đúng. Tuy nhiên vẫn còn một rào cản nữa, là gia đình Messi. Đó là lúc Beckham ra tay. Huyền thoại người Anh từng chuyển đến LA Galaxy năm 2007, sau đó định cư luôn tại Mỹ, kể lại: “Tôi nói với cậu ấy, dưới góc độ gia đình, 6 năm ở Los Angeles là quãng thời gian tuyệt vời nhất chúng tôi có được. Người dân luôn chào đón chúng tôi với vòng tay rộng mở, không chỉ Los Angeles mà trên toàn nước Mỹ”.
Vậy là Messi cùng gia đình đã lên máy bay để tới Miami, nơi nằm kề những khu rừng ngập mặn đầy cá sấu của Everglades và đón ánh bình minh chiếu vào từ Đại Tây Dương, vì vậy được mệnh danh là “Cổng vào châu Mỹ”.
Trong một sự liên tưởng, bóng đá nơi đây, hoặc chính xác là cả nước Mỹ, vẫn là khu vực bí ẩn như những cánh rừng Everglades. Nó không phổ biến bởi bị định kiến là dành cho giới thượng lưu vì tốn kém, không thể chơi trên đường phố hay công viên. Người Mỹ cố gắng thay đổi quan niệm này bằng cách mời đến những ngôi sao hàng đầu, như Pele, Beckham và Thiery Henry, sau đó đăng cai World Cup 1994. Mặc dù vậy sự biến chuyển khá chậm chạp, cho đến khi Messi tới và mang theo ánh bình minh.
Không cần nhiều thời gian, Messi hòa nhập và cho thấy đẳng cấp ngay lập tức. Anh ghi 10 bàn chỉ sau 7 trận ở League Cup và đưa Inter Miami tới ngôi vô địch, đồng thời tạo nên vô số màn trình diễn tráng lệ khác ở MLS và US Open Cup.
Các trận đấu của Messi không chỉ thu hút hàng vạn khán giả, mà còn trở thành nơi tụ hội của các ngôi sao hàng đầu, từ Kim Kardashian tới LeBron James. Có điều không ai chú ý đến họ. Tất cả chỉ dõi theo Messi, tận hưởng từng khoảnh khắc mà siêu sao 36 tuổi mang lại.
Theo Thanh Hải (Tiền Phong)