Đích đến của 3 cầu thủ Việt Nam là FC Lank, đội bóng mới thành lập thi đấu ở Campeonato Nacional III, tức giải hạng Ba của bóng đá nữ Bồ Đào Nha (tương đương với hạng Nhì của Việt Nam). Theo kế hoạch, giải sẽ khởi tranh ngày 17.10 với sự tham dự của 37 đội. Các đội sẽ được chia theo khu vực, chọn những đội có thành tích tốt nhất để thăng hạng.
Với tư cách là những tuyển thủ quốc gia Việt Nam, cả Huỳnh Như, Nguyễn Thị Tuyết Dung, Hải Yến đều có cơ hội thành công rất cao khi xuất ngoại. Vì sao?
Tuyển nữ Bồ Đào Nha không hơn Việt Nam
Trình độ của đội tuyển nữ Bồ Đào Nha khác xa đội tuyển nam. Nếu như đội tuyển Bồ Đào Nha đã vô địch EURO 2016, nhiều lần tiến sâu tại World Cup hay EURO thì đội nữ nước này chưa có thành tích nào nổi bật. Họ chưa giành quyền dự bất kỳ một vòng chung kết EURO hay World Cup nào.
Trên bảng xếp hạng của FIFA, đội tuyển nữ Bồ Đào Nha đứng hạng 32, còn tuyển nữ Việt Nam đứng hạng 35. Trong lịch sử, tuyển nữ Việt Nam suýt 1 lần dự World Cup 2015, khi thua Thái Lan ở trận tranh vé vớt. Đội cũng đã góp mặt thường xuyên ở Asian Cup.
Có giải vô địch quốc gia sớm
Bóng đá nữ Bồ Đào Nha được biết đến từ rất sớm, khi Boavista vô địch mùa 1985-1986. Tuy nhiên, khi đó giải đấu không có cấu trúc rõ ràng. Đến mùa 1993-1994, Liên đoàn bóng đá Bồ Đào Nha (FPF) tổ chức lại hệ thống giải nữ và đây được tính là cột mốc ra đời giải vô địch quốc gia nữ của nước này. Đội 1º Dezembro thống trị giải đấu với 12 lần vô địch kể từ đó. Giải đấu không có tính cạnh tranh cao và vẫn còn… nặng tính nghiệp dư, bản thân đội 1º Dezembro cũng bị giải thể sau đó.
Vì thế đến mùa 2016-2017, FPF tiếp tục tổ chức lại hệ thống giải vô địch quốc gia nữ với 12 câu lạc bộ, thi đấu từ tháng 9 năm trước đến tháng 5 năm sau, định dạng giống với giải nam. Điều này đã mở ra kỷ nguyên mới cho bóng đá nữ Bồ Đào Nha, tăng tính cạnh tranh, hấp dẫn cho giải đấu.
Mùa bóng 2020-2021, giải nữ Bồ Đào Nha tiếp tục có sự điều chỉnh. Số đội dự giải vô địch quốc gia tăng từ 12 lên 20, khởi tranh ngày 27.9 tới. Các đội sẽ chia theo khu vực địa lý, phía Bắc 10 đội và phía Nam 10 đội để thi đấu. Sau đó, các đội có thành tích tốt nhất ở 2 khu vực sẽ tham dự vòng đấu tranh ngôi vô địch. Nhóm còn lại thi đấu ở nhóm tránh xuống hạng.
Ngoài giải vô địch quốc gia, Bồ Đào Nha có hệ thống giải khác như Cúp Quốc gia, League Cup, giải hạng II (16 đội), giải hạng III (37 đội – nơi các tuyển thủ Việt Nam tham dự), chưa kể các giải đấu dành cho các cầu thủ trẻ.
Đấu tranh để đòi bình đẳng
Tháng 6 vừa qua, FPF đã bị phản ứng dữ dội khi đặt ra sáng kiến khống chế tiền lương của các câu lạc bộ nữ ở mức tối đa 550.000 euro/năm. Ngay lập tức, 132 cầu thủ nữ đã phát động phong trào Futebol Sem Género (Bóng đá không giới tính), vì cho rằng FPF đã phân biệt đối xử một cách thô bạo với bóng đá nữ. Họ cũng nhấn mạnh quyết định của FPF đã vi phạm Hiến pháp Bồ Đào Nha.
Phong trào này đã đến tai các quan chức của Chính phủ Bồ Đào Nha. Trước sức ép của dư luận, FPF sau đó đã hủy bỏ sáng kiến dự định áp dụng cho mùa giải 2020-2021. Thông qua cuộc gặp gỡ với Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp (SJPF), FPF công bố việc tiếp tục hỗ trợ 600.000 euro cho các câu lạc bộ để cải thiện các vấn đề mà bóng đá nữ đang đối mặt như cơ sở vật chất, tài chính…
Cũng theo số liệu của SJPF, giải vô địch quốc gia nữ Bồ Đào Nha hiện tại chỉ có khoảng 70 cầu thủ chuyên nghiệp và trên 250 cầu thủ nghiệp dư.
Trước các tuyển thủ nữ, Lê Công Vinh đã sang Bồ Đào Nha thi đấu cuối năm 2009 trong màu áo Leixoes SC. Tại đội giải vô địch quốc gia Bồ Đào Nha, Công Vinh có 2 trận đấu chính thức, 1 trận tại Cúp Quốc gia, ghi 1 bàn.
Theo Nguyễn Đăng (Lao Động)