Trái bóng không lăn, HLV có cần phải giảm lương?
Trong thế giới bóng đá, mỗi khi có scandal hoặc những tin đồn xấu nổ ra, câu "hãy nhìn vào màn trình diễn trên sân cỏ" lại được nhắc tới. Một màn trình diễn xuất sắc, một chiến thắng tuyệt vời có thể đập tan mọi lời đàm tiếu, chỉ trích. Thể hiện quyết tâm trên sân bóng chính là cách đơn giản nhất để cầu thủ, HLV, đội bóng vượt qua những búa rìu dư luận.
Nhưng năm 2020 thế giới phải đối mặt với dịch Covid-19, thứ khiến cho hàng loạt giải đấu bị đình trệ, những khán đài trống vắng, từ những đội bóng hàng đầu thế giới đến các CLB tí hon đều lao đao. Các kế hoạch của ĐT Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Từ chỗ được dự báo là rất bận rộn, đoàn quân áo đỏ kết thúc năm 2020 mà không có một trận đấu quốc tế nào.
Trong bối cảnh ấy, HLV Park Hang-seo phải đối mặt với một "cuộc chiến ngầm", nơi ông gặp những thông tin bất lợi. Và trong cuộc chiến ấy, thầy Park lại không có được thứ vũ khí quan trọng mang tên "chiến thắng trên sân cỏ".
Điều khiến nhà cầm quân người Hàn Quốc gặp nhiều rắc rối nhất không gì khác ngoài chuyện tiền lương. Không ít lần, người ta đặt câu hỏi tại sao HLV Park Hang-seo không giảm lương khi mà ĐT Việt Nam không thi đấu. Câu hỏi được nhắc lại nhiều đến mức thầy Park buộc phải lên tiếng:
"Tôi biết tình hình bóng đá Việt Nam khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19. Thực ra, chúng ta có nhiều cách làm, tôi đến Việt Nam làm việc nhưng tôi có đóng góp cho bóng đá trẻ, có cống hiến, phục vụ cho xã hội. Tôi là người nước ngoài đến Việt Nam làm việc, tôi có lòng tự trọng của mình".
Thông qua những phương thức khác nhau, HLV Park Hang-seo cố gắng đóng góp vào công cuộc chống dịch Covid-19. Ông chấp hành nghiêm quy định cách ly 14 ngày khi nhập cảnh vào Việt Nam, thực hiện clip tuyên truyền về rửa tay bằng xà phòng đúng cách.
Nhà cầm quân người Hàn Quốc còn 2 lần xuất hiện để trao tiền ủng hộ cho cuộc chiến chống dịch. Lần thứ nhất, thầy Park quyên góp 5000 USD (khoảng 115 triệu đồng) với tư cách cá nhân. Lần thứ hai, ông cùng Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Park Noh Wan và một số tổ chức khác tặng số tiền 100.000 USD (khoảng 2,3 tỷ đồng) vào quỹ chống dịch.
Công việc chuẩn bị cho U22 và ĐTQG Việt Nam cũng đầy bận rộn, khác xa với cụm từ "ngồi chơi xơi nước" mà những bình luận ác ý dùng để nhắm vào thầy Park.
Số lượng cầu thủ mà HLV Park Hang-seo theo dõi lên tới hơn 100 người, tại nhiều hạng đấu trong nước và quốc tế. Hàng tuần, ông cùng các trợ lý trực tiếp đến sân để thu thập thêm dữ liệu. Đặc thù của khu vực Đông Nam Á khiến cho lịch thi đấu khó tránh khỏi chồng chéo. Chính vì, thầy Park còn phải trau dồi cho những phó tướng để sẵn sàng "đóng thế" nếu tình thế bắt buộc.
Những đợt tập trung của U22 và ĐT Việt Nam cho thấy khối lượng công việc mà HLV Park Hang-seo phải xử lý. Từ việc giúp các tân binh làm quen chiến thuật hay tạo điều kiện cho những cựu binh tìm lại phong độ đều tốn nhiều thời gian.
Và rồi khi các đội tuyển được thi đấu trở lại, màn trình diễn trên sân là minh chứng cho những nỗ lực của thầy Park. ĐT Việt Nam trình làng được một số gương mặt mới và có những nét đột phá trong cách chơi - một tính toán xa cho vòng loại World Cup và AFF Cup. Trong khi U22 Việt Nam bước đầu đã thể hiện được sự vững vàng, sẵn sàng bước vào những trận cầu quyết liệt hơn.
Những ngày đầu năm 2021, người hâm mộ Việt Nam xôn xao trước thông tin Đặng Văn Lâm phá vỡ hợp đồng với Muangthong United và chuyển đến Cerezo Osaka. Mấu chốt trong vụ việc này là việc CLB Thái Lan giảm lương trái với hợp đồng. Sau khi mất Văn Lâm, Muangthong cuống cuồng ký hợp đồng mới với các cầu thủ khác để tránh sự vụ tương tự.
Rõ ràng, chuyện giảm lương không đơn giản chỉ là một hai câu nói, thực hiện không đúng sẽ dẫn đến kết quả khôn lường. Và thầy Park đã xử lý một cách hợp tình hợp lý để vừa bày tỏ được quan điểm nhưng vẫn giúp mọi chuyện khép lại êm đẹp.
Khẳng định tương lai gắn với bóng đá Việt Nam
Ngoài chuyện tiền lương, việc có muốn gắn bó lâu dài với bóng đá Việt Nam hay không cũng thường được đặt ra với thầy Park. Không dưới một lần, tin đồn một số CLB Hàn Quốc, Trung Quốc hay thậm chí là ĐT Hàn Quốc muốn mời HLV Park Hang-seo về làm việc. Dù vậy, nhà cầm quân 63 tuổi đã kiên quyết khẳng định mình chỉ muốn làm việc tại Việt Nam.
Trong chia sẻ với truyền thông Hàn Quốc, HLV Park Hang-seo nói: "Trở lại Hàn Quốc ư? Liệu có chỗ cho tôi không? Park Ji-sung, Lee Young-pyo, những cầu thủ thành danh tại World Cup 2002 đã trở lại K.League và làm tốt công việc của mình. Mục tiêu của tôi là tập trung phát triển bóng đá trẻ Việt Nam".
Thầy Park đã dùng số tiền dành dụm để mua một căn hộ rất gần với trụ sở LĐBĐ Việt Nam (VFF). Mức giá cho một căn hộ không hề nhỏ nếu so với tiền lương mà nhà cầm quân người Hàn Quốc đang nhận.
Từng thừa nhận mình không phải mẫu người quá mạo hiểm, thế nên việc HLV Park Hang-seo mua nhà gián tiếp làm rõ quyết tâm muốn làm việc lâu dài tại Việt Nam. Hợp đồng trước mắt của ông với VFF kéo dài đến năm 2022 với rất nhiều mục tiêu quan trọng, song song với đó thầy Park cũng xúc tiến việc xây dựng học viện bóng đá.
Ông tin rằng bóng đá Việt Nam muốn tiến gần hơn đến World Cup thì phải đầu tư vào những thế hệ cầu thủ trẻ, đặt kế hoạch cho 10 năm tới. Và ông rất hào hứng khi được đóng góp một phần trong hành trình ấy.
Đối mặt với thất bại
Dưới thời HLV Park Hang-seo, các đội tuyển Việt Nam từng nếm trải không ít trận thua. Tuy nhiên, VCK U23 châu Á 2020 là lần đầu tiên đoàn quân áo đỏ rời giải một cách thất bại. U23 Việt Nam với tư cách đương kim á quân bị loại ngay sau vòng bảng mà không thắng nổi trận nào.
HLV Park Hang-seo không hề né tránh mà thẳng thắn nhận lỗi: "Hai năm trước, chúng tôi là á quân châu Á, nhưng năm nay, chúng tôi đã không chơi tốt. Mọi chuyện diễn ra không được như mong muốn. Tôi chịu trách nhiệm hoàn toàn về thất bại trước U23 Triều Tiên, ước gì kết quả đã có thể tốt hơn".
Thủ môn Bùi Tiến Dũng là người mắc sai lầm trực tiếp dẫn đến bàn thua trước U23 Triều Tiên, khiến cục diện trận đấu thay đổi hoàn toàn theo hướng bất lợi cho U23 Việt Nam. Trước những chỉ trích nhắm vào Dũng, thầy Park đứng ra bảo vệ cậu học trò:
"Tôi cảm thấy tệ, rất tệ về kết quả của trận đấu và sai lầm của Dũng. Nhưng cậu ấy có lẽ còn cảm thấy tệ và buồn hơn tôi. Sai lầm hôm nay sẽ là động lực để Tiến Dũng sửa chữa và trở thành một thủ môn giỏi hơn. Sự chuẩn bị và kết quả trận đấu là những điều thuộc về trách nhiệm của HLV, tôi cũng sẽ lấy thất bại hôm nay làm động lực chuẩn bị cho những giải đấu sắp tới".
Bài học thất bại trên đất Thái Lan thúc đẩy HLV Park Hang-seo mở rộng cuộc tìm kiếm các nhân tố mới cho các đội tuyển Việt Nam và thử nghiệm những phương án chiến thuật mới. Bước đầu các cố gắng này đã đem tới một số tín hiệu lạc quan. Thầy Park cũng luôn tự nhắc bản thân và nhiều học trò phải quên đi hào quang quá khứ để tập trung hướng về phía trước.
Theo Man Wol (Pháp Luật & Bạn Đọc)