Bí ẩn việc võ sư Việt Nam bị 'tẩu hỏa nhập ma' vì tập nội công sai cách

12/09/2020 08:05:36

Theo nhà nghiên cứu võ thuật Hồ Tường thì chuyện một võ sư ở Sài Gòn từng bị “tẩu hỏa nhập ma” vì tập nội công sai cách là hoàn toàn có thật, xảy ra từ cách đây khá nhiều năm.

Nội công luôn là một khái niệm có sức hút lớn với nhiều người tập luyện võ thuật cổ truyền. Đây là công phu thường được nhắc tới ở một số nền võ thuật thuộc châu Á như Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Ấn Độ…

Vậy bản chất của nội công là gì và khả năng thực sự của nó đến đâu? Liệu nội công có thể tạo ra sức mạnh phi thường giống như trong mô tả của những tác phẩm tiểu thuyết kiếm hiệp?

SỰ THẬT VỀ NỘI CÔNG VÀ CÂU CHUYỆN VÕ SƯ VIỆT TẬP SAI NỘI CÔNG DẪN TỚI "TẨU HỎA NHẬP MA"

Theo tiến sĩ, nhà nghiên cứu võ thuật Hồ Tường (Chưởng môn phái Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà) thì ở Việt Nam, Trung Quốc hay một số quốc gia khác, nhiều người luyện võ cổ truyền cũng tập luyện nội công. Song nội công trong tiểu thuyết luôn bị phóng đại rất nhiều so với những khả năng thực tế.

Nhà nghiên cứu Hồ Tường lý giải: "Để nói hết về nội công thì đây là phạm trù rất rộng nên tôi chỉ có thể nói sơ lược. Nội công có thể hiểu một cách đơn giản nghĩa là sức mạnh từ bên trong của chúng ta. Nội công là phương thức luyện tập để điều khiển các loại sức mạnh bên trong con người. Sử dụng sức mạnh nội sinh làm chủ yếu. Tập nội công ở mức độ thấp hơn có thể giúp điều hòa hơi thở, khỏe khoắn con người, phòng ngừa bệnh tật.

Nếu tập nội công ở trình độ cao hơn thì có thể bộc phát tăng cường uy lực, đả thương đối thủ. Nếu luyện nội công thâm hậu có thể tự bài trừ chất độc,còn có thể phản hệ các đòn tấn công của đối thủ.

Nội công trong các bộ truyện võ thuật rất được xem trọng. Vì vậy trong các bộ truyện thường có câu "Luyện võ không luyện công, đến già cũng hoài công". Công ở đây chính là nội công. Đặc biệt trong những bộ truyện võ thuật thì nội công được chú trọng và phóng đại rất nhiều so với những năng lực thực tế..

Nếu chỉ luyện võ bình thường thì chỉ có thể làm một sư phụ ở một võ đường nào đó. Còn có nội công có thể đập đá, phá tường, bay nhảy giỏi hơn người thường rất nhiều. Có nhiều môn nội công khác nhau. Những bậc trí giả, tôn sư tên tuổi thường có kiến giải sâu rộng hơn và cho ra bộ võ cao cấp hơn…".

Bí ẩn việc võ sư Việt Nam bị 'tẩu hỏa nhập ma' vì tập nội công sai cách
Theo nhà nghiên cứu Hồ Tường, nội công trong võ thuật mang lại nhiều tác dụng dù không "ảo diệu" như trong các tác phẩm tiểu thuyết (ảnh minh họa).

Theo võ sư Hồ Tường thì với người phương Đông, nội công được coi như là một trong những công phu cao nhất và là căn bản của nhiều môn võ thuật. Có môn phái chỉ áp dụng vài kết quả của nội công trong kỹ thuật riêng của mình, để giúp môn sinh duy trì được khí lực sung mãn trong khi giao đấu. Riêng môn phái Thiếu Lâm, nội công được đặc biệt quan tâm và chiếm một thành phần chính yếu trong chương trình luyện tập.

Khi nhắc tới nội công, chúng ta cần tìm hiểu nguyên lý căn bản của nó để hiểu các phương pháp tập luyện và nhất là việc áp dụng kết quả thâu lượm được trong các trường hợp thực tế sau này. Thông thường, sức mạnh cân đối và sức chịu đựng sẽ tăng gia hay giảm sụt tùy theo lúc tinh thần hăng hái phấn khởi hay buồn rầu rũ rượi.

Như vậy có nghĩa là tinh thần ảnh hưởng rất lớn đến trạng thái của thể chất, và ý chí sẽ quyết định phần lớn sức mạnh của con người trong khi chiến đấu. Đồng thời, chúng ta cũng biết rằng các nguồn năng lực được tập trung đúng chỗ đúng lúc sẽ làm cho tầm hữu hiện tăng tới mức tối đa khi sử dụng.

Võ sư Hồ Tường cũng cho rằng trường hợp bị "tẩu hỏa nhập ma" do tập sai nội công là hoàn toàn có thật chứ không phải chỉ trong tiểu thuyết.

"Có một võ sư nổi tiếng ở Sài Gòn từng luyện sai nội công dẫn tới tẩu hỏa nhập ma nhưng tôi không tiện nhắc tên. Những ngày cuối đời, vị võ sư ấy có gọi điện cho tôi để chia sẻ về điều này.

Tẩu hỏa là người lúc nào cũng nóng, dân gian gọi là "hỏa vọng lên". Trong khi đó, cơ thể ngày càng gầy ốm, gọi là "nhập ma". Về cơ bản, nội công hay nói chung là công phu, nếu không có người chỉ dẫn cặn kẽ, chỉ cần thở sai cũng có thể gây ra hậu quả.

Tôi từng biết một trường hợp khác, có một nhà sư Phật giáo tập nội công Dịch Cân Kinh sai, dẫn tới cơ thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng và còn bị mắc chứng di tinh, cả người lúc nào cũng hâm nóng, gầy chỉ còn da bọc xương.

Đó là vào năm 1969, vị võ sư đó sau khi tập sai, bị tẩu hỏa đã phải nhờ bạn ở Macau gửi bài thuốc về uống mới hết, sau khi trị liệu mọi cách không khỏi".

Bí ẩn việc võ sư Việt Nam bị 'tẩu hỏa nhập ma' vì tập nội công sai cách - 1
Võ sư Hồ Tường khẳng định ông biết ít nhất 2 trường hợp bị "tẩu hỏa nhập ma" vì tập sai nội công ở Việt Nam.

LUYỆN NỘI CÔNG NHƯ THẾ NÀO?

Theo nhà nghiên cứu võ thuật Hồ Tường thì do nội công là môn công phu cao cấp nên không phải ai cũng luyện được và đặc biệt là không nên luyện tập một cách tùy tiện.

Phương pháp nội công triển khai triệt để hai nguyên lý đó là sử dụng tinh thần và cách tập trung năng lượng đúng lúc đúng chỗ: Hành giả (người luyện tập) sẽ dùng tư tưởng để điều khiển, nhiếp phục tạng phủ của mình. Các luồng khí lực được khởi từ Đơn Điền châu lưu khắp cơ thể rồi lại tập trung về khởi điểm này. Đơn Điền là trọng tâm thăng bằng của thân thể, điểm trọng yếu của các nhà luyện khí ở phương Đông.

Các tư thế nội công sẽ giúp cho đường vận hành khí lực được điều hòa và liên tục, người luyện nhờ đó mà tránh được những náo động bất thường, ức chế được cảm xúc của mình, giữ cho tinh thần bình tĩnh, khí sắc tự nhiên và sức lực luôn luôn sung mãn.

"Nếu đã quen vận dụng tư tưởng để điều khiển nội lực theo ý muốn, cũng như người kỵ mã khuất phục được con ngựa bất kham, hành giả có thể tập trung sức lực ngay tức khắc tại bất cứ điểm nào trên cơ thể để sẵn sàng ứng phó với các lực xung kích từ bên ngoài đưa tới.

Đó là trường hợp của những võ sư đã chịu cho các tảng đá dằn mạnh lên người, đánh mạnh thanh sắt vào dưới mạn sườn mà không chút hề hấn" – võ sư Hồ Tường cho biết.

Bí ẩn việc võ sư Việt Nam bị 'tẩu hỏa nhập ma' vì tập nội công sai cách - 2
(Ảnh minh họa).

Theo vị Chưởng môn phái Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà thì các tư thế trong phương pháp tập luyện nội công có thể phân làm hai loại nhằm hai mục đích khác nhau. Những tư thế ngồi giúp cho hành giả tập trung tư tưởng, điều hòa các bộ máy hô hấp, tuần hoàn huyết quản, và giữ cho khí lực đừng phân tán. Trong khi đó những tư thế đứng có tính chất phát huy sức mạnh, phát huy nội lực.

Nội công bao gồm 2 phương thức luyện tập chính Thứ nhất là luyện tĩnh, nghĩa là phương pháp luyện tập bằng cách ngồi yên lặng trong không khí tĩnh mịch và thả lỏng thể xác cũng như tâm hồn để luyện tập, như Nội công Thiếu Lâm Tự. Thứ hai là luyện động, là phương pháp các chuyển động theo các bài tập nhằm tập trung tinh thần để luyện ý, như Bát Đoạn Cẩm, Dịch Cân Kinh, Tẩy Tủy Kinh…

Cũng theo võ sư Hồ Tường thì luyện nội công cần có chỉ dạy cặn kẽ từ những bậc thầy có trình độ cao và từng trải qua một quá trình tập luyện lâu dài. Tập nội công không thể một sớm một chiều, đốt cháy giai đoạn.

"Có thể nói rằng tập luyện Nội Công mà không có thầy dạn dày kinh nghiệm, từng đạt thành trong nội công, trực tiếp chỉ dẫn cặn kẽ thì cũng như việc … cưa bom để lấy thuốc nổ vậy! Nói khác đi, tự luyện nội công tho hướng dẫn trong sách, báo, internet… là vô cùng nguy hiểm.

Chỉ sai một nhịp thở là có thể làm hỏng cả quá trình tập luyện trước đó, và chắc chắc sẽ rước những hậu quả về sức khỏe vô cùng tai hại. Đó là chưa kể có trường hợp đã dẫn tới tử vong" - võ sư Hồ Tường nói.

*Trước đây, phóng viên từng có lần gặp gỡ với võ sư Nguyễn Văn Thắng, Chưởng môn phái Thăng Long Võ Đạo ở Hà Nội – người từng được giới võ miền Bắc ca ngợi là "Đông Nam Á đệ nhất nội công".

Võ sư Nguyễn Văn Thắng nói rằng có ba yếu tố rất quan trọng trong nội công, đó là Tinh, Khí và Thần. Với người tập nội công lâu năm, khi Thần vượng thì không ham ngủ, Khí vượng không ham ăn, Tinh vượng không ham sắc.

Võ sư Nguyễn Văn Thắng cho biết, đã nhiều năm nay, ông gần như không ngủ. Thay vì dành thời gian ngủ như người bình thường thì ông dùng thời gian đó để tập nội công, khí công.

Theo Tiểu Mã (Pháp luật và Bạn đọc)