Bầu Đức nói ông không ngại dư luận “ném đá” chuyện để Công Phượng sang châu Âu chơi bóng mà không thấy khả năng sẽ thành công. Ông phân tích HA Gia Lai có thu từ việc chuyển nhượng cầu thủ chứ không phải mất tiền để họ tìm kiếm một suất ra nước ngoài thi đấu.
Các đây hơn bốn tháng, Công Phượng từng đầu quân cho Incheon United chơi bóng ở K-League có phí chuyển nhượng 150.000 USD. Bên cạnh đó, tiền đạo tuyển Việt Nam còn nhận mức lương tháng 10.000 USD kèm theo những ưu đãi về nhà riêng, xe hơi riêng,…
Ông bầu phố núi Pleiku không ngần ngại phản ứng những nguồn tin mỉa mai HA Gia Lai cho cầu thủ đi vì yếu tố thương mại: “Tôi khẳng định chẳng có vấn đề thương mại gì trong việc mua bán cầu thủ với các CLB châu Âu cả. Cần biết Sint Truiden làm về điện tử, còn HA Gia Lai chuyên về nông nghiệp thì thương mại cái gì, hợp tác cái gì?
Có rất nhiều đội bóng của Thái Lan, Hàn Quốc, Pháp muốn lấy chữ ký của Công Phượng nhưng chúng tôi đã chọn Bỉ vì những sự hợp lý hơn trong việc hành nghề. Họ sẵn sàng ký hợp đồng một năm và trả mức lương lớn cho Công Phượng thì sao phải từ chối.
Tôi tự hào về việc HA Gia Lai lấy tiền của nhiều đội bóng lớn châu Âu, châu Á bằng hợp đồng chuyển nhượng hẳn hoi. Riêng mức lương tháng cho Công Phượng là ngang ngửa 12 cầu thủ lãnh lương cao nhất ở Việt Nam, thì dẫu có ngồi chơi xơi nước vẫn có lãi.
Cao hứng về niềm hãnh diện Công Phượng có giá trị lớn, bầu Đức bật mí: “Các bạn hãy tính con số dùm tôi nhé. Mỗi cầu thủ nhận mức lương tháng cao nhất ở V-League là bao nhiêu? Cao lắm từ 30 đến 35 triệu đồng. Công Phượng chơi bóng tại Sint Truiden cao gấp 10 lần như thế. Nghĩa là một tháng người ta trả khoảng 300-400 triệu không sướng hơn chơi bóng ở Việt Nam à?”.
Nhìn nhận về những chỉ trích của dư luận về nỗi ngờ vực Công Phượng dễ ngồi ghế dự bị, bầu Đức cười khẩy: “Chỉ có những người sợ thất bại mới chê bai HA Gia Lai xuất khẩu cầu thủ. Cách đây 12 năm, bóng đá Việt Nam mỗi lần gặp Nhật Bản, hay chỉ là Thái Lan đã run, chưa đá đã thua. Bây giờ thầy trò ông Park dám tự tin cầm bóng đá ngang ngửa người ta nhờ vào cái gì?
Nếu tôi không tiên phong khai sinh ra Học viện bóng đá HA Gia Lai và sau này có nhiều trung tâm khác làm theo thì làm sao có những lứa cầu thủ giỏi hiện nay. Lúc đó, tôi cũng bị chỉ trích dữ lắm nhưng có mấy tin và có ai cho tôi đồng bạc nào để duy trì Học viện của mình.
Tôi miễn nhiễm với những lời dè bỉu và mọi thứ hạy để thời gian trả lời. Họ cần suy nghĩ lại. Giả sử không ai chịu làm, không chịu đi cho thành đường như tôi thì làm sao tìm ra HLV Park Hang-seo để giúp bóng đá Việt Nam gây tiếng vang như hiện tại.
Bản thân tôi bỏ công sức, tiền bạc ra làm bóng đá không phải cho mình, mà cái lớn hơn là đóng góp cho làng bóng Việt Nam đi lên. Nếu không ủng hộ thì cũng đừng nên chỉ trích”.
Theo Ngọc Anh (Pháp Luật TP.HCM)