Sẽ mở tiệc hội ngộ mừng 20 năm...
Năm nay tròn 2 thập niên HAGL có mặt trên bản đồ bóng đá Việt Nam, ông cùng đội nhà chuẩn bị gì cho sự kiện đặc biệt này?
Bầu Đức: - Chắc chắc tôi sẽ tổ chức chứ, dịp đặc biệt như thế mà, nhưng ít nhất cũng phải đợi tình hình dịch bệnh qua đi đã.
Kế hoạch của tôi sẽ mời lại tất cả các cầu thủ từng gắn bó, góp công sức với HAGL suốt 20 năm qua. Sẽ mời những cầu thủ ngoại binh ở xa như Dusit, Thonglao, Chukiat, Sakda, HLV Arjhan Somgamsak... à cả Evaldo nữa, liên lạc đưa qua luôn.
Còn các cầu thủ nội đã nghỉ hay đang thi đấu tại Việt Nam như Nguyễn Mạnh Dũng, Minh Đức, Hữu Đang, Văn Sỹ Hùng, Lee Nguyễn và rất nhiều người khác nữa cũng sẽ mời về tụ lại với nhau chơi cho vui chứ. Chắc chắn không quên ai cả.
Sau 20 năm, nhiều ông bầu cùng thế hệ đã rút khỏi bóng đá, ông có thấy buồn hay cô đơn gì không?
- Còn Võ Quốc Thắng (ông bầu của đội Long An) đấy, nhưng đợi lên lại V-League đã. Tôi không cô đơn hay buồn gì cả, mỗi người mỗi cách, mỗi đam mê thôi.
Khoảnh khắc 'sướng' điên người...
Nhiều người tổng kết lại 20 năm làm bóng đá của bầu Đức rất nhiều trầy trật, cay đắng lẫn vinh quang, ông nghĩ sao...
- Cũng không có gì trầy trật hay cay đắng cả. 20 năm tính cuộc đời con người còn dài nói chi bóng đá nên cũng có lúc này lúc kia, nhưng hơn hết tôi được sống với đam mê của mình.
Vậy khoảnh khắc, thời điểm nào khiến ông cảm thấy hạnh phúc nhất cùng HAGL trong 20 năm qua?
- Khoảnh khắc vui sướng, hạnh phúc thì nhiều, khó mà kể hết từ những chức vô địch V-League, Công Phượng ghi bàn vào lưới Úc... Nhưng cảm xúc nhất vẫn là lúc U21 HAGL, mà lúc đó bọn nhỏ mới 18-19 tuổi chứ mấy vô địch chức U21 quốc tế tại Cần Thơ vào năm 2014. Bóng đá thua 2 tuổi là cách biệt lớn, vậy mà đám nhỏ 'ăn' luôn được U21 Thái Lan.
Tôi sướng đến độ đứng lên giơ tay ăn mừng, mà lúc đó rất tự nhiên chứ không diễn gì. Bức hình đó giờ tôi vẫn rất quý.
Nói đến U19 với lứa Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh... có vẻ như ông vẫn còn vẹn nguyên cảm xúc?
- Sướng, những ngày đó quá sướng. Đội đi đâu cũng có khán giả, mà nào phải ít gì toàn vỡ sân, cháy vé hỏi sao không sướng cho được.
Có đội nào đi tranh vé trụ hạng ở Đồng Nai mà được ủng hộ đến... vỡ sân, rầm rộ hơn cả cuộc chiến giành ngôi vương ở sân Bình Dương. Như thế, không sướng sao được. Bóng đá là khán giả, mà khán giả phải tự nhiên mới được, tiền bạc chỉ là đoạn ngắn thôi.
Nhiều điều sau này tôi mới ngẫm ra, khán giả đến vì bọn nhỏ dễ thương, hiền lành ngoan ngoãn... chứ đội nào đá đâu thua đó thì ủng hộ cái gì.
Nói về đội U19 ấy, lẽ ra đi World Cup nếu như không rơi vào bảng đấu nặng với như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc. Bốc thăm hên xui, mình hên vào bảng nhẹ như Myanmar ai mà biết được thế nào.
Hồi đó đội thua tôi cũng sướng, thua Hàn Quốc, Nhật Bản bọn nhỏ vẫn chơi tự tin. Tôi ấm ức nhưng cũng vẫn sướng với trận hoà Trung Quốc tại Yangon đấy, dẫn trước, có nhiều cơ hội mà hoà vì bọn nhỏ chơi đẹp quá mới bị gỡ...
Tự hào nhìn lứa Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh,... lớn lên
Điều ông tự hào nhất về lứa cầu thủ U19 ấy của mình là gì?
- Đúng thế, tôi tự hào về bọn nhỏ. Mới đây nhìn thấy rồi, Xuân Trường chững chạc phát biểu trong cái ngày ra mắt trung tâm phục hồi chấn thương đấy, Công Phượng giờ cũng có sự nghiệp riêng bên cạnh bóng đá...
Lục lại lịch sử bóng đá ở mình có mấy cầu thủ nào nói tiếng Anh thành thạo, vài đội Nhật Bản còn bảo qua phải học. Ví dụ như Tuấn Anh, mới 17 tuổi qua Pháp chữa chấn thương không cần phiên dịch, đi một mình ấy chứ.
Bọn nhỏ trưởng thành không phải chuyện đá bóng nữa mà còn phải nên người. Điều này ông Wenger nói với tôi thế, và giáo trình phải bắt buộc có những điều đó. Nhìn bọn nhỏ từng bước trưởng thành, tôi tự hào.
Bọn nhỏ tốt nghiệp hết đại học, giờ chững chạc tự tin giao tiếp ngoài xã hội, ngoan ngoãn như thế chẳng còn gì để nói nữa.
Ngoài U19, những dấu mốc còn khiến ông nhớ nữa?
- Quá nhiều dấu mốc trong suốt 20 năm qua, từ việc đưa Zico Thái về, xây dựng học viện HAGL... rất nhiều điều đáng nhớ. Tất cả đi vào lịch sử hết đấy, sau này nhiều lò bóng đá ở mình cũng đi theo hướng mà tôi chọn, mà điều này thì xã hội, bóng đá Việt Nam hưởng lợi là tôi mừng rồi.
Và sự kiện sau cùng tôi vui nhất, dù mất mấy chục tỉ chứ ít đâu khi đưa ông Park về cho bóng đá Việt Nam cũng là dấu ấn đấy chứ.
Bán gì cũng được nhưng có một thứ không bao giờ được đụng đến
Nghe có vẻ như ông đã hoàn thành ước nguyện với bóng đá?
- Đúng thế, tôi giờ khá viên mãn, toại nguyện. Tất nhiên cũng có cái không được, nhưng ít thôi. Cuộc đời phải có lúc này, lúc kia chứ sao bằng phẳng mãi được, bóng đá cũng vậy.
Tôi mơ ước bóng đá Việt Nam vượt mặt Thái Lan, vô địch AFF Cup, SEA Games, danh hiệu V-League này kia cũng có rồi, tạo được cho đội tuyển lứa cầu thủ xuất sắc cũng xong rồi. Thế là toại nguyện chứ gì nữa.
Giờ thì tôi vẫn quan tâm, nhưng kiểu khác, thoải mái hơn, không áp lực gì nữa.
Để được như thế, ông có thể tiết lộ số tiền bỏ ra cho 'tình yêu bóng đá' của mình trong 20 năm qua?
- Tôi không tổng kết, nhưng nhiều lắm. Nói đâu xa, Học viện bóng đá này hoạt động có hơn 150 nhân viên, chưa tính tiền lương chỉ ăn thôi đã bao nhiêu rồi. Với người bình thường có khi 3 ngày mạt, mà tôi đâu có phải chỉ mỗi học viện, nhiều thứ khác nữa.
Có những thời điểm khó khăn, tôi hay nói với người ta rằng có thể bán tất cả nhưng cái này (bầu Đức chỉ vào học viện HAGL - PV) là không bao giờ. Cái này của xã hội chứ có phải của tôi đâu.
Vợ quá hiểu đam mê của bầu Đức...
Nhiều người giờ vẫn cảm ơn bầu Đức vì những gì đã làm cho bóng đá Việt Nam, ông thấy vui không?
- Tất nhiên có những người không thích nhưng chẳng nhiều đâu. Ra đường nhiều người lớn tuổi, thanh niên xin chụp hình và cảm ơn, tôi vui chứ.
Còn gia đình ông thì sao, khi suốt 20 năm qua ông đối mặt với rất nhiều khó khăn, áp lực trong bóng đá có khi nào muốn ông nghỉ hay không?
- Bà xã thừa biết đam mê của tôi, nên không thể nói được. Vợ biết tôi cực, có thể không thích nhưng chẳng thể bảo tôi dẹp hay từ bỏ đâu.
Công ty lúc này lúc kia, những năm qua tôi có gặp khó khăn chứ, nhưng đam mê nên cố. Năm khó khăn nhất là năm đưa ông Park về đó, nhưng nhìn thành công là thấy sướng rồi.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi, chúc ông sức khoẻ để tiếp tục đam mê và gắn bó với bóng đá Việt Nam, HAGL, thêm nhiều năm nữa.
Theo Duy Nguyễn (Vietnamnet)