Theo bầu Đức chia sẻ với PV, ông từ chối cuộc họp với Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch vì không có bằng Đại học, cảm thấy xấu hổ so với Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng, thường trực Trần Anh Tú, phó Chủ tịch Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Xuân Gụ (phó Chủ tịch phụ trách truyền thông) - những người có bằng Đại học.
Câu chuyện bằng Đại học của bầu Đức xuất phát từ việc tiêu chí để ứng cử vị trí phó Chủ tịch tài chính của VFF nhiệm kỳ VIII quy định: “Am hiểu và có kinh nghiệm trong hoạt hoạt động tài chính, thương mại; trình độ chuyên môn từ cử nhân trở lên”.
Ngoài ra, Chủ tịch và các vị trí phó Chủ tịch khác cũng ràng buộc bằng cử nhân. Một tiêu chí mới của VFF nhưng được xem là sớm gạch tên bầu Đức khỏi VFF, theo kiểu bóng chưa lăn đã biết tỷ số. Bởi cả nước ai cũng biết ông Đức không có bằng Đại học với 3 lần ôm sách vở đi thi thố nhưng trượt.
Ông chủ HAGL tâm sự rằng: “Tôi không có bằng Đại học nhưng có khoảng 10 nghìn cử nhân đã làm việc cho tôi. Có những người học ở Mỹ tốt nghiệp Đại học loại xuất sắc…”.
Lời tâm sự ấy cùng động thái rút khỏi VFF, không tham gia họp với Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch, có thể nói bầu Đức rất cay đắng vì bị VFF “đá” với tiêu chí bằng cử nhân.
Đúng hơn, bầu Đức bây giờ dựa vào cái tiêu chí bằng Đại học để làm khó trở lại VFF, những người sắp tới phải họp với Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch. Họ phải giải thích và báo cáo về các quy trình bầu cử Đại hội VFF khóa III với lãnh Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch. Đáng nói là tiêu chí bằng Đại học không có trong điều lệ của VFF được Bộ Nội vụ phê duyệt.
Trong một cuộc phỏng vấn với Saostar, Phó Chủ tịch VFF - Nguyễn Xuân Gụ gọi tiêu chí cử nhân của VFF là tầm bậy: “Tôi không biết gì cả. Tự nhiên ký rồi phát ra một cách lố lăng, dù Liên đoàn phải hoạt động theo điều lệ. Tôi nhấn mạnh điều lệ này vì được cơ quan chủ quản trình lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trình lên Bộ Nội vụ phê duyệt. Bây giờ, họ đưa một mánh khóe ra nhưng chưa bàn bạc.
Sau đó, họ gửi các thành viên Ban chấp hành xin ý kiến. Tôi buồn là đâu phải ai cũng biết dùng mail và cài thêm câu là 2 ngày sau ý kiến, nếu không ý kiến xem như đồng ý.
Đó là chuyện tầm bậy vì không thuộc phạm vi Ban chấp hành, mọi thứ phải làm việc theo điều lệ. Còn sang nhiệm kỳ tới, ai muốn nâng tầm lên thì cần phải bổ sung để được duyệt”.
Cựu phó Tổng thư ký VFF - Dương Nghiệp Khôi từng phát biểu với báo chí về chuyện bằng cử nhân: “VFF là tổ chức xã hội chứ không phải cơ quan nhà nước mà yêu cầu bằng cấp. VFF và bóng đá là cần người tài giỏi, có tâm, có tầm để giúp bóng đá phát triển chứ bằng cấp, có hay không cũng không quan trọng.
Tôi thấy đề xuất quy định mới này không phù hợp cho lắm, thậm chí là nhắm vào cá nhân nào đó.
Anh Ba Đức là người tài giỏi. Ai cũng biết anh ấy đi lên từ 2 bàn tay trắng và không có bằng đại học. Thế thì cái quy định này chẳng khác nào “đóng cánh cửa” của anh Đức nếu như anh ấy muốn ứng cử…
Tôi nhấn mạnh, bóng đá Việt Nam cần người tài giỏi, có tâm và có tầm, dám nghĩ dám làm như anh Đức. Còn bằng cấp, nó không quan trọng với một người như anh ấy”.
Lý do bầu Đức từ chối họp với Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch
Bầu Đức nói: “Tôi không đi. Lý do thứ nhất, nếu Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch mời tôi họp với tư cách Chủ tịch CLB HAGL để bàn việc tốt cho bóng đá thì tôi đi ngay. Thế nhưng, tôi nhận được giấy mời với tư cách phó Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam. Tôi trả lời không đi.
Lý do là tôi biết các thành viên của Liên đoàn bóng đá Việt Nam được mời họp có anh Lê Hùng Dũng (Chủ tịch), phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Xuân Gụ (phó Chủ tịch truyền thông), Trần Anh Tú (thường trực), trong đó duy nhất có tôi là người không có bằng Đại học. Tôi cảm thấy xấu hổ nên không đi”.
Theo Văn Nhân (Saostar.vn)