- Hôm qua diễn ra Hội nghị Ban chấp hành VFF lần thứ 12 để chuẩn bị bầu Chủ tịch VFF nhậm kỳ VIII, ông đánh giá ông Trần Quốc Tuấn liệu có thể làm tốt nếu được tín nhiệm?
Tôi nghĩ Tuấn thừa sức làm chứ sao không được. Chỉ có chỗ Tú (bầu Tú) là khó và không bao giờ làm được khi giữ quá nhiều chức.
- Tức chuyện Bầu Tú ứng cử chức Phó tịch tài chính VFF trong khi giữ 3 chức vụ lớn nhất ở VPF, ông nghĩ bầu Tú sẽ làm tốt?
Không bao giờ tốt.
- Theo ông, lý do vì sao bầu Tú không làm được?
Tôi nghĩ chắc chắn không bao giờ làm được. Vì bầu Tú không phải siêu sao của thế giới. Ở đất nước Việt Nam cũng không ai giữ nhiều chức như thế đâu. Tiền lệ chưa ai làm được và cũng chưa ai làm như thế.
- Lịch sử bóng đá Việt Nam đúng là chưa có ai ngồi một lúc đến 3 chức to như bầu Tú ở VPF. Ông nghĩ như thế nào?
Sao 3 ghế được, tôi kể nghe nhé. Ông ấy là Chủ tịch, Tổng giám đốc, Trưởng giải của VPF, giờ tham gia muốn làm Phó chủ tịch VFF, Chủ tịch liên đoàn bóng đá TP.HCM, Chủ tịch CLB Thái Sơn Nam, Chủ tịch CLB bóng rổ…
Một người ngồi nhiều ghế như thế sao làm tốt được. Túm lại, chỉ có hại chứ không có lợi cho bóng đá. Trong khi đó có những người sẽ làm tốt như ông Cao Văn Chóng, có thể ngồi ghế Phó Chủ tịch VFF, còn nhiều người không có việc làm. Thế tại sao lại tranh giành ghế Phó Chủ tịch?
- Bóng đá Việt Nam có vẻ như đang tồn tại bè nhóm quá nhiều?
Điều đó thì tôi không được phép nói câu đó. Tuy nhiên, nhìn vào thì cảm giác như thế, quyền lực dồn vào một chỗ.
Tôi chưa thấy trên thế giới này có ai làm 7 chức vụ, chưa kể giám đốc công ty này, công ty kia. Tôi chỉ có nhiệm vụ phó Chủ tịch VFF và chủ tịch công ty nhưng phải rút, vì làm được ở đây thì bỏ công ty.
- Nếu cứ tồn như thế thì ông có cảm thấy nản khi làm bóng đá?
Quá nản đi chứ sao không nản được.
- Về lâu dài liệu có tạo ra hệ lụy là nhiều người bỏ bóng đá?
Chắc chắn luôn. Quá nản!
- Ngày xưa, ông cũng là một trong những người góp tay cho ra đời VPF, thế ông có buồn?
Bây giờ nhìn giống công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên rồi. Tại sao tôi nói thế? Chủ tịch, Tổng giám đốc, Trưởng giải đều thuộc về một người. Bây giờ làm gì có phản biện nữa!
Một tổ chức đang làm bài bản. Ông Thắng làm Chủ tịch, ông Chóng làm Tổng giám đốc, ông Ngọc làm Trưởng ban tổ chức giải, giờ 3 chức về một người.
Không bao giờ người ta để yên đâu. Làm như thế bóng đá chỉ có chết thôi. Xem như dẹp VPF luôn đi. Phải có người phản biện, anh này làm đúng, anh kia làm sai, giờ ai phản biện?
Bây giờ lại muốn làm phó Chủ tịch tài chính VFF, điều ấy rất tầm bậy. Một hành động không thể chấp nhận, vì Tú không phải siêu sao, là người ngoại đạo của bóng đá. Đó là liều lĩnh.
Rất nguy hiểm cho bóng đá Việt Nam, bị thao túng đấy! Gần như là ôm hết một mình.
- Tức lâu dài sẽ nguy hiểm khi quyền lực sẽ dồn hết về một người?
VPF là của tập thể, bản thân (bầu Tú) không có đội bóng nào. Chẳng lẽ bỏ tiền ra cho quậy à? Tôi nói từ trong tâm nói ra, tôi nói là đúng, không bao giờ nói bậy.
Tôi nói sòng phẳng trong cuộc họp ban chấp hành chứ không phải bây giờ mới phát biểu với báo chí. Bóng đá Việt Nam “từ chết đến bị thương” vì bị thao túng rồi. Bóng đá là môn nhiều người quan tâm chứ không phải để cho một người, mà người này là ngoại đạo. Vậy giao nhiều việc như thế thì xảy ra chuyện gì?
Phải chăng trong bóng đá có Mafia à? Điều đó sẽ không tồn tại được với chúng tôi về lâu dài, không bao giờ để Mafia lọt chân vào Liên đoàn bóng đá và môn bóng đá.
Có người hỏi tôi là có đội bóng mà sao nói thế? Tôi bảo sợ chuyện đó à. Tôi sẵn sàng bỏ bóng đá nếu thấy vô lý. Đừng có giỡn, chẳng lẽ bỏ tiền làm bóng đá để một người muốn làm gì làm, muốn thao túng à?!.
- Thế bây giờ giải quyết không khéo sẽ có chuyện Mafia bóng đá?
Không khéo thì Mafia sẽ thao túng bóng đá nếu để chuyện này xảy ra. HAGL sẽ là đội đầu tiên lên tiếng quyết liệt. Tôi hy vọng mọi người sẽ nhìn thấy để đấu tranh, đừng để chuyện này xảy ra. Thậm chí, cần cấm 1 người giữ 2 chức vụ. Nếu không làm được bóng đá Việt Nam sẽ chết.
Tôi còn yêu bóng đá thì đấu tranh chuyện này tới cùng. Hãy trả lại bóng đá cho người khác, không thể một người ngồi nhiều chiếc ghế được. Phải để có sự phản biện, chứ anh làm sai thì ai dám nói anh.
VPF bây giờ trở thành công ty gia đình rồi, chẳng lẽ chúng tôi bỏ tiền ra để làm công ty gia đình?
- Thế theo ông, VPF bây giờ giống như công ty 1 thành viên?
Tôi nghĩ VPF nên đổi lại tên đi. Ngày xưa là công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp, bây giờ là công ty hữu hạn 1 thành viên do ông Tú lãnh đạo.
Theo Văn Nhân (Saostar.vn)