Barca - như rắn mất đầu

21/01/2021 13:54:18

Điểm nhức nhối nhất của Barca lúc này không phải chuyên môn, mà là thiếu một thủ lĩnh cả trên sân lẫn trong hậu trường - dù vẫn còn đó Lionel Messi.

Hãy trở lại với một câu chuyện nhỏ mà tờ El Pais chia sẻ gần đây, xảy ra vào Hè 2008. Trong buổi ra mắt CLB ở một gian hàng của hãng đồ thể thao Nike, Gerard Pique, tân binh trở về từ Man Utd vào mùa Hè năm đó, đứng cùng thủ quân Carles Puyol và bị báo chí bu kín.

Một số tay săn tin nhanh nhảu tiếp cận cầu thủ mới của CLB, tranh thủ hỏi ké một số câu không có trong chương trình. "Cậu thế nào, Gerard?", câu hỏi của một phóng viên đứng gần đó. Ngay lập tức, từ sau lưng Pique, Puyol chen lên cắt đứt cuộc nói chuyện: "Đừng hỏi cậu ấy ở đây".

Barca - như rắn mất đầu
Messi lầm lủi rời sân sau khi lĩnh thẻ đỏ ở chung kết Siêu Cup Tây Ban Nha. Ảnh: EFE

Cuộc đối thoại bị cắt ngắn một cách khá thô lỗ, nhưng thực sự, đó là thứ đang thiếu ở Barca. Họ không có một thủ lĩnh có thể bảo vệ đàn em ngay cả trong một gian hàng của thương hiệu tài trợ như Puyol đã làm 13 năm trước. Những trụ cột hiện tại như Lionel Messi, Sergio Busquets đang không có tiếng nói chỉ huy cả trên sân cỏ lẫn phòng thay đồ.

"Chúng tôi quá thiếu liên lạc trong các pha phòng thủ dẫn đến bàn thua. Cầu thủ cần phải nói. Khi bóng đến gần hoặc khi ai đó bắt đầu di chuyển vào vùng tranh chấp, họ cần hét lên để thông báo cho đồng đội, đó là việc chúng tôi chưa làm được hoặc có nhưng làm chưa tốt. Việc này đã tái diễn qua rất nhiều trận đấu rồi", Antoinne Griezmann than thở sau khi Barca thua Bilbao 2-3 ở chung kết Siêu Cup Tây Ban Nha. Hôm đó, Griezmann ghi cú đúp - một chuyện hiếm xảy ra, nhưng Barca thua ngược trong hiệp phụ, còn đội trưởng Messi thì bị đuổi vì lỗi đánh nguội đối phương.

Barca - như rắn mất đầu - 1
Griezmann muốn làm thủ lĩnh của Barca, nhưng anh chưa đủ vai vế trong đội để đảm nhiệm vai trò ấy. Ảnh: El Pais

Griezmann rất muốn đứng lên làm thủ lĩnh Barca, tìm mọi cách kết nối với đồng đội, cả trong lẫn ngoài sân bóng. Giáng sinh 2020, anh tặng mỗi đồng đội một chiếc balo đắt tiền của hãng Louis Vuiton, mà nhiều cầu thủ đã vui mừng đăng ảnh lên Instagram để cảm ơn. Nó được liên tưởng với việc Zlatan Ibrahimovic tặng mỗi đồng đội một chiếc máy PS5 cũng dịp Giáng sinh vừa rồi. Ibra, 39 tuổi, tự nhận mình là "cha" của gần 30 "đứa con" (tức các đồng đội trẻ) ở Milan. Cách anh làm không phải để kết thân như Griezmann, nhưng ở góc độ nào đó, thể hiện tính thủ lĩnh của một cầu thủ đầu đàn. Tất nhiên, Griezmann cần rất nhiều thời gian nữa để tiếng nói của anh thật sự có trọng lượng trong phòng thay đồ Barca.

Năm 2011, sau chung kết Champions League hạ Man Utd, đội trưởng Puyol quyết định nhường quyền nâng cúp cho Eric Abial, một cử chỉ thể hiện sự đoàn kết của Barca trong giai đoạn hậu vệ người Pháp chiến đấu với bệnh ung thư. Khi Luis Enrique đến, ông tuyên bố muốn giữ nguyên tinh thần đó, trong năm mà Puyol giải nghệ. Nhưng sự xuất hiện của bộ ba MSN (Messi – Suarez – Neymar) nổi đình nổi đám khiến cách lãnh đạo trong phòng thay đồ thay đổi ít nhiều. Xavi thành thủ lĩnh. Iniesta cũng có tiếng nói. Nhưng họ là những mẫu gần với Messi, quá "ngoan", quá kiệm lời, chỉ huy bằng hành động, thiếu sự gai góc như Puyol. Khi họ ra đi, Messi đương nhiên là đội trưởng. Nhưng nếu gạt sang một bên thiên tài đá bóng của siêu sao này, Messi dường như là một thủ lĩnh tồi.

"Leo nói trên sân bằng cách nhìn thấy những gì mà người khác không thấy. Anh ấy rõ ràng là một thủ lĩnh, vì được quả bóng tìm đến, bằng cách này hay cách khác", Miralem Pjanic, người từng đá cùng Ronaldo ở Juventus, và giờ là đồng đội của Messi ở Barca, trả lời gần đây trên El Pais, dựa trên những gì anh chứng kiến. "Cristiano Ronaldo chỉ nghĩ cho bản thân khi lâm trận, anh ta quên phần còn lại và không truyền đạt được bất cứ điều gì đến đồng đội".

Barca - như rắn mất đầu - 2
Messi không thể hiện được vai trò thủ lĩnh khi Barca gặp khó, mà còn khiến đội nhà vất vả hơn vì tấm thẻ đỏ trước Bilbao ở chung kết Siêu Cup Tây Ban Nha. Ảnh: El Pais

Nhưng ở địa vị của Pjanic, hầu hết đều nói vậy. Một thủ lĩnh thật sự sẽ ngăn được các trận thua ngược thảm kịch trước Roma và Liverpool trong các mùa Champions League gần đây, hoặc lên tiếng khi Barca đánh mất thế trận trước Bilbao, sau khi dẫn hai bàn. Puyol có thể làm điều đó, nhưng Messi thì không. Hò hét đồng đội là đòi hỏi quá xa xỉ với mẫu cầu thủ luôn chỉ muốn "yên thân" như Messi. Anh thể hiện sự tức giận bằng nét mặt ủ rũ, bất lực hoặc đôi khi, với một cú đấm vào mặt đối phương, như cuối trận với Bilbao, để rồi bị đuổi khỏi sân và lầm lũi bước ra mà không nói câu nào.

Mối quan hệ giữa Messi với Barca đã không ổn, qua động thái đòi ra đi Hè qua, qua những cuộc phỏng vấn gần đây mà Messi thẳng thừng chỉ trích cựu Chủ tịch Josep Bartomeu, và úp mở chuyện ra đi Hè này.

Diario Sports, tờ báo thân Barca, thậm chí còn đang đếm ngược ngày hợp đồng giữa Messi với Barca đáo hạn. Từ giờ cho đến tháng 6/2021, giao kèo chỉ còn hơn 160 ngày nữa là kết thúc. Sau đó, Messi có thể rời đội bóng tự do. Bến đỗ có thể là PSG. Giám đốc Thể thao Leonardo của CLB Pháp này vừa lên France Football tuyên bố: "PSG không bao giờ khước từ một cầu thủ như Messi". Tất cả đều là dự đoán, nhưng tình thế rõ ràng đang rối bời, bản thân Messi còn chưa lo được cho chính anh, thì khó đòi hỏi anh hy sinh để làm gì đó to tát vì tập thể, sau biết bao chuyện xảy ra, mà Messi tin rằng mình là người bị hại.

Dù ở lại, một cầu thủ như Messi cũng khó lòng là thủ lĩnh phòng thay đồ của Barca được, trong dài hạn. Đây là người mà khi ở đội trẻ, luôn núp sau đồng đội, đến mức Pique còn phải hét lên vài lần để chắc rằng anh ta... vẫn trong phòng thay đồ.

Messi chỉ xuất hiện sinh động nhất khi anh được chơi bóng, không cần phải nói gì, thậm chí, không thích trả lời phỏng vấn.

Barca - như rắn mất đầu - 3
Messi không có cái uy và sự mạnh mẽ như đàn anh Puyol năm xưa. Ảnh: AFP

Đòi hỏi anh thay thế Puyol vì vậy rất không hợp lý, và ngược lại, nếu Barca cho rằng Messi có thể làm thủ lĩnh của họ từ giờ cho đến khi anh từ giã sự nghiệp, thì có thể họ đang không đủ lý trí để xem xét rằng, liệu siêu sao người Argentina có hợp với vai trò đó hay không.

Không phải ngẫu nhiên mà từ khi Xavi ra đi, khi không còn người có thể dựa vào cả ở khía cạnh khởi tạo lối chơi lẫn tinh thần, Messi và Barca không còn thành công ở Champions League nữa. Họ có thể vẫn gặt hái được các danh hiệu quốc nội vì thử thách thật sự ở môi trường trong nước không có nhiều. Nhưng khi để Messi lãnh đạo trong các trận căng thẳng tại đấu trường châu Âu, bao gồm cả thảm bại 2-8 dưới tay Bayern mùa trước, Barca đều phải thất vọng.

Nếu không có một người như Puyol hay Xavi thay thế, thì có lẽ, việc Barca và Messi chia tay không phải là việc gì đó quá tồi tệ. Nó hoàn toàn có thể là một cách giải phóng cho cả Barca lẫn Messi.

Theo Đỗ Hiếu (Vnexpress.net)

Nổi bật