Báo Trung Quốc vạch trần 'điểm yếu chết người' của Super League, gợi lại 'bóng ma' của V.League

04/03/2021 14:30:00

Đằng sau sự hào nhoáng của Chinese Super League, là những toan tính sặc mùi tiền bạc của các ông chủ doanh nhân, và không ít người vứt bỏ bóng đá như một món đồ chơi lỗi mốt.

"Ngày 20/9/2017, hai tỷ phú Trung Quốc - Trương Cận Đông và Hứa Gia Ấn từng nâng ly uống cạn "chén rượu 20 tỷ" ở Nam Kinh. 20 tỷ NDT là số tiền mà hai đại gia này đã đổ vào cuộc chơi bóng đá. Ai mà biết được sẽ có một ngày, một người trong số họ lại có thể vứt toẹt CLB bóng đá của mình "vào sọt rác". CLB ấy chính là nhà đương kim vô địch của bóng đá Trung Quốc".

Báo Trung Quốc vạch trần 'điểm yếu chết người' của Super League, gợi lại 'bóng ma' của V.League

Đấy là những dòng mở đầu cho bài viết mang tựa đề "Thương gia bóng đá Trung Quốc và giấc mơ CLB trăm tuổi" trên tờ Sina.

Hai đại gia nâng ly ngày ấy, Hứa Gia Ấn đang nắm trong tay CLB Quảng Châu Hằng Đại Đào Bảo với 6 chức vô địch Chinese Super League cùng 2 chức vô địch AFC Champions League, còn người kia - ông chủ của CLB Giang Tô Tô Ninh, Trương Cận Đông, mới tham gia vào giải bóng đá vô địch Trung Quốc có 2 mùa bóng, và là kẻ săn đuổi danh hiệu đáng gờm của Quảng Châu Hằng Đại Đào Bảo.

Ngày ấy ngồi xem bóng đá cùng Hứa Gia Ấn là những chính trị gia, những doanh nhân hàng đầu Trung Quốc, còn Trương Cận Đông đang theo đuổi mục tiêu đưa Giang Tô Tô Ninh của mình trở thành đội bóng thống trị Trung Quốc trong vòng 3 năm tính từ mùa bóng 2016, và trở thành nhà vô địch châu Á trong 5 năm, bên cạnh đó là giấc mơ xây dựng nên một "CLB trăm tuổi" lẫy lừng.

Tại buổi tiệc chiêu đãi nhân dịp Tết Nguyên đán của CLB Giang Tô Tô Ninh năm 2016, ban điều hành CLB này đã bâu quanh ông chủ Trương Cận Đông để nâng ly chúc mừng và hô vang khẩu hiệu vô địch. "Ông chủ lớn rất vui, và uống một hơi hết cốc rượu", một người có mặt trong buổi lễn hơn 5 năm về trước kể lại.

Báo Trung Quốc vạch trần 'điểm yếu chết người' của Super League, gợi lại 'bóng ma' của V.League - 1
Tỷ phú Trương Cận Đông.

Mùa giải năm ấy, CLB Giang Tô Tô Ninh đổ ra hơn 1 tỷ NTD để áp đảo Quảng Châu Hằng Đại Đào Bảo trên thị trường chuyển nhượng, song rốt cuộc chỉ giành vị trí Á quân. Trong 3 năm tiếp theo, dù đổ tiền "như nước" song thành tích tốt nhất của họ chỉ là vị trí thứ tư ở mùa giải 2019.

Cuối năm 2019, phó giám đốc sở thể thao Giang Tô làm khách mời trên chương trình truyền hình trực tuyến, một cổ động viên đã phàn nàn rằng: "Chúng tôi muốn đội nhà dự AFC Champions League, và chúng tôi muốn được chứng kiến đội nhà vô địch. Xin đừng phụ lòng người hâm mộ tỉnh nhà".

Trong chương trình ấy, vị phó giám đốc này hứa rằng ông sẽ đặt mục tiêu cao hơn cho đội bóng.

Một năm sau, lần đầu tiên trong lịch sử Super League, Giang Tô Tô Ninh lên ngôi vô địch. Nhưng chỉ đúng 108 ngày sau, CLB bóng đá này giải thể, biến mất trên bản đồ bóng đá Trung Quốc.

Báo Trung Quốc vạch trần 'điểm yếu chết người' của Super League, gợi lại 'bóng ma' của V.League - 2
CLB Giang Tô Tô Ninh bị "gỡ tên" khỏi bản đồ bóng đá Trung Quốc chỉ 108 ngày sau chức vô địch quốc gia.

Vào cùng ngày Giang Tô Tô Ninh bị "bấm nút tự hủy", một công ty nhà nước ở Thâm Quyến công bố đầu tư 14,8 tỷ USD vào tập đoàn Tô Ninh. Với ông chủ Trương Cận Đông, bóng đá Giang Tô đã "hoàn thành sứ mệnh lịch sử" với tập đoàn của ông.

Tập đoàn Tô Ninh đầu tư vào 5 ngành chính: bán lẻ, bất động sản, thể thao văn hóa, tài chính và đầu tư. CLB bóng đá Giang Tô Tô Ninh chính là "bộ mặt" của ngành thể thao văn hóa của tập đoàn này.

Sốc, thất vọng là cảm giác dễ hiểu đối với người hâm mộ bóng đá Giang Tô, song trước đây không lâu, Trương Cận Đông đã phát biểu: "Cái gì nên cắt giảm, thì phải cắt giảm nó đi". Điều cốt lõi nhất trong "cái chết" của nhà vô địch Trung Quốc, là bóng đá không còn mang lại lợi ích cho Tô Ninh, nên phải "cắt đi".

Vậy tại sao một doanh nhân lão luyện như Trương Cận Đông lại quẳng đến gần chục tỷ NDT vào bóng đá, để rồi rút chân ra nhanh đến nhường vậy?

Báo Trung Quốc vạch trần 'điểm yếu chết người' của Super League, gợi lại 'bóng ma' của V.League - 3

Câu trả lời là ở Super League, hầu hết các đội bóng lớn đều nằm trọn trong tay các doanh nghiệp tư nhân, và nó được dùng làm "con tin" để thương lượng làm ăn với chính quyền địa phương. Những doanh nhân lão luyện chỉ mạnh tay đầu tư vào bóng đá khi nhận được lời hứa "đủ sức nặng" liên quan đến chính sách, dự án hoặc đất đai.

"Đừng tìm thị trường, hãy tìm thị trưởng", đấy là câu nói được giới làm bóng đá chuyên nghiệp Trung Quốc truyền tai nhau. Ví dụ như một "ông chủ" chỉ chấp nhận đầu tư cho CLB bóng đá địa phương nếu nhận được dự án tàu điện ngầm toàn thành phố, còn nếu không, đừng mơ chuyện trở thành "đại gia" ở Super League.

Ở thượng tầng bóng đá Trung Quốc, bóng đá đơn thuần chỉ là công cụ cho những doanh nhân, những tập đoàn. Những CLB chỉ là "đồ chơi", thay vì tự mình đứng vững như ở các nền bóng đá hàng đầu khác.

Sina ví von, những nhà đầu tư vào bóng đá Trung Quốc giống như những đứa trẻ vòi tiền cha mẹ để mua đồ chơi, nếu không cho, chúng sẽ lăn đùng ra khóc lóc, và trong trường hợp xấu nhất, chúng sẽ bỏ nhà ra đi, thậm chí là tự tử.

Giang Tô Tô Ninh "chết" như vậy đó.

Để kết lại lại bài viết của mình, Sina ví von những CLB Trung Quốc đều rất thích dùng thuật ngữ "CLB trăm tuổi" để nói về mình. Nhưng ở Trung Quốc, "trăm tuổi" cũng còn ý nghĩa lâm chung.

Với những người am hiểu bóng đá Việt Nam, vấn nạn mà bóng đá Trung Quốc đang vấp phải không hề mới, và chẳng có gì phải ngạc nhiên cả, bởi bóng đá Việt Nam cũng từng trải qua thời "thịnh vượng", nhưng cũng đầy sự "hỗn loạn" như thế.

Nói đâu xa, chỉ hơn chục năm về trước, V.League từng "lên cơn sốt" với những ông bầu "tay ngang" nhảy vào "chơi" bóng đá "như đốt tiền", có thể kể ra Navibank Sài Gòn của bầu Thọ, The Vissai Ninh Bình của bầu Trường hay Xi măng Xuân Thành Sài Gòn của bầu Trường... để rồi cuối cùng, những CLB bóng đá ấy biến mất "không kèn không trống" trên bản đồ bóng đá Việt Nam.

Theo Kim Thiền (Pháp luật và Bạn đọc)