Báo Trung Quốc cáo buộc 'động trời', phụ huynh phải ngủ với HLV để con được đá bóng?

16/09/2021 11:35:47

Sau những phát biểu gây xôn xao của huyền thoại CLB Chelsea Didier Drogba, tờ báo Trung Quốc đã chỉ ra thực trạng đáng buồn của nền bóng đá nước này.

Mới đây, cựu tiền đạo lừng danh người Bờ Biển Ngà Didier Drogba đã gây xôn xao giới bóng đá Trung Quốc bằng phát biểu của mình. Nhận xét của Drogba được đưa ra đúng thời điểm mà ĐTQG Trung Quốc đang vấp phải nhiều sự chỉ trích sau hai trận thảm bại trước Australia và Nhật Bản ở vòng loại World Cup.

Theo cựu ngôi sao của CLB Chelsea, không phải ngẫu nhiên mà đội tuyển Trung Quốc lại thi đấu tệ như vậy. Có một lý do sâu xa khiến bóng đá Trung Quốc không thể phát triển, là bởi quốc gia này có quá ít cầu thủ chơi bóng, và những đứa trẻ theo đuổi nghề cầu thủ chuyên nghiệp đều xuất thân từ những gia đình giàu có.

"Số lượng cầu thủ chuyên nghiệp ở Trung Quốc quá ít. Khi tôi chơi bóng ở Super League, tôi hầu như không thể nhìn thấy bất kỳ một đứa trẻ nào chơi bóng trên đường phố.

Tôi được biết rằng chi phí để đào tạo một cầu thủ chuyên nghiệp ở Trung Quốc là rất cao, thậm chí có thể bằng cả thu nhập của một gia đình bình thường trong khoảng mười năm.

Điều này nghe có vẻ kỳ lạ. Những đứa trẻ có thể theo đuổi niềm đam mệ bóng đá ở Trung Quốc hầu hết đều xuất thân từ những gia đình có điều kiện rất tốt.

Đây là một thực trạng của bóng đá Trung Quốc bởi những điều này gây ra hạn chế rất lớn để mọi người có thể theo đuổi nghề cầu thủ chuyên nghiệp, nên bóng đá Trung Quốc chậm phát triển" – trang 163.com trích phát biểu của Drogba.

Báo Trung Quốc cáo buộc 'động trời', phụ huynh phải ngủ với HLV để con được đá bóng?
Drogba dùng từ "kỳ lạ" để nói về một thực trạng của bóng đá Trung Quốc.

Theo trang 163.com, lời nói của Drogba không hề "dễ chịu" với người Trung Quốc nhưng quả thực, nó đã chỉ ra thực trạng đáng buồn ở quốc gia đông dân nhất thế giới.

Ở Trung Quốc, nhiều cầu thủ trẻ có năng khiếu đã phải bỏ dở niềm đam mê chỉ vì không đủ kinh phí. Ở các thành phố lớn như Bắc Kinh hay Thượng Hải, trẻ em phải được đào tạo từ 7-16 tuổi. Chi phí để theo học trong suốt quá trình này là rất cao, không dưới 30 ngàn tệ mỗi năm (khoảng hơn 100 triệu VNĐ).

Ở độ tuổi từ 16-22, mục tiêu của các bậc phụ huynh khi cho con theo nghề bóng đá tất nhiên là hướng tới thi đấu chuyên nghiệp. Tuy nhiên, không nhiều cầu thủ trẻ có cơ hội thi đấu ở giải Super League hoặc lọt vào các ĐTQG. Hầu hết các cầu thủ trẻ cần tự mình tìm kiếm cơ hội để "chơi thử" và cơ hội này tất nhiên không miễn phí. Muốn "chơi thử" thì phải chuẩn bị rất nhiều tiền.

"Thường thì số tiền mà phụ huynh phải bỏ ra sẽ tỷ lệ nghịch với khả năng của các cầu thủ trẻ. Ngoài chuyện tiền bạc, thậm chí còn có trường hợp các bà mẹ chủ động ngủ với HLV để con được đá chơi bóng" – trang 163.com viết.

Báo Trung Quốc cáo buộc 'động trời', phụ huynh phải ngủ với HLV để con được đá bóng? - 1
Không dễ để các cầu thủ trẻ ở Trung Quốc theo đuổi nghề cầu thủ chuyên nghiệp.

Cũng theo 163.com thì trên thực tế, việc đào tạo một đứa trẻ theo nghề cầu thủ ở Trung Quốc là một "điều ngông cuồng và rủi ro cao". Nếu các em có thể chơi ở Super League, chi phí ít nhất cũng lên tới 1 triệu tệ (hơn 3,5 tỷ VNĐ). Những gia đình không có điều kiện về kinh tế sẽ khó lòng đáp ứng nổi số tiền rất lớn này. Trong khi đó, nếu các cầu thủ trẻ bị loại trong quá trình tuyển chọn, tất cả các khoản đầu tư sẽ bị mất và những cầu thủ này cũng khó lòng tìm được việc làm trong tương lai.

Cũng chính vì những hiện trạng nói trên, nhân tài bóng đá ở Trung Quốc ngày càng khan hiếm, ĐTQG có chất lượng không cao và LĐBĐ Trung Quốc phải khắc phục bằng giải pháp dùng nhiều cầu thủ nhập tịch. Nhưng đây chỉ là "giải pháp tạm thời" chứ không thể giúp bóng đá Trung Quốc phát triển một cách bền vững.

Theo Tiểu Mã (Pháp Luật & Bạn Đọc)

Nổi bật