Bạo lực đã trở thành 'bất trị' với bóng đá Việt?

18/04/2019 14:47:45

Những pha vào bóng triệt hạ của cầu thủ hai đội Hải Phòng và SHB Đà Nẵng diễn ra ở vòng 5 (ngày 14-4) trong trận đấu trên sân Lạch Tray khiến bạn đọc Moka thốt lên: 'Những hình ảnh này đã giết chết V-League. VFF nói gì? Bộ VH-TT&DL; nói sao đây?

Bạo lực đã trở thành 'bất trị' với bóng đá Việt?
Hình ảnh xấu xí giữa chủ nhà Hải Phòng và SHB Đà Nẵng (áo trắng) ở vòng 5 V-League 2019 - Ảnh: ANH PHAN

Vòng 5 V-League 2019, Marcio (SLNA) bị truất quyền thi đấu chỉ sau 8 phút trận gặp Thanh Hóa. Hai cầu thủ Hải Phòng và SHB Đà Nẵng bị thẻ đỏ trên sân Lạch Tray. 

Ba chiếc thẻ đỏ này là hệ quả của những pha bóng thô bạo. Trước câu hỏi của Tuổi Trẻ: "Phải chăng bạo lực đã trở thành "bất trị" với bóng đá Việt?", lãnh đạo một số CLB đã lên tiếng.

* Ông Nguyễn Hồng Thanh (chủ tịch CLB SLNA): Chế tài nghiêm khắc mới mong lập lại trật tự

Trong hợp đồng ký với cầu thủ, CLB luôn có những ràng buộc, chế tài (trừ 1 đến 2 tháng lương, không cho nhận thưởng, tự đóng phạt cho ban điều hành giải...) nếu như bị thẻ đỏ do đá thô bạo, hành hung đối phương và trọng tài.

Hành vi phản ứng trọng tài để thanh minh về hành vi phạm lỗi cũng thường diễn ra ở bóng đá thế giới. Tuy nhiên, họ phản ứng rất có văn hóa. Còn ở V-League, cầu thủ bao vây phản ứng trọng tài rất hung hãn. Vì vậy, CLB phải giáo dục nghiêm túc vấn đề này.

Tôi không chấp nhận việc cầu thủ dự bị lao vào sân phản ứng trọng tài như trận Hải Phòng - SHB Đà Nẵng. Quy chế bóng đá chuyên nghiệp chỉ cho một người vào sân can thiệp, hỗ trợ trọng tài khi có sự cố. Ai làm sai phải bị chế tài nghiêm khắc mới mong lập lại trật tự. Vào sân như cầu thủ dự bị Hải Phòng có khác nào "đổ thêm dầu vào lửa" khiến trận đấu căng thẳng thêm.

Hình ảnh bạo lực và thô bạo trên sân Lạch Tray rõ ràng làm xấu đi hình ảnh V-League, làm tổn hại thương hiệu nhà tài trợ giải lẫn nhà tài trợ CLB. Lỗi trước tiên thuộc về trọng tài điều hành trận đấu quá kém, xử phạt sai... 

Với những trọng tài như vậy, bị tạm ngưng công việc là tất yếu. Bên cạnh đó, tôi ủng hộ ban kỷ luật phạt nặng đối với cầu thủ chơi bóng thô bạo, phản ứng trọng tài thái quá.

Không có chỗ cho sự thô bạo

Chủ tịch CLB Than Quảng Ninh Phạm Thanh Hùng: "Tôi đã trò chuyện với anh Trần Mạnh Hùng (chủ tịch CLB Hải Phòng) và đề nghị anh ấy hãy làm việc với ban huấn luyện cùng các cầu thủ Hải Phòng một cách nghiêm túc hơn.

Bóng đá chuyên nghiệp không có chỗ cho sự thô bạo bởi điều đó sẽ khó kéo được khán giả đến sân nhiều hơn".

* Ông Phạm Thanh Hùng (chủ tịch CLB Than Quảng Ninh): Cần xử lý mạnh tay hơn

CLB nào cũng có những biện pháp chế tài với vi phạm nghiêm trọng của cầu thủ. Song song đó là việc giáo dục, phổ biến về quy chế CLB, hình thức chế tài...Nhưng khi xảy ra sự cố, có CLB làm mạnh tay như trừ lương, cắt thưởng, đình chỉ thi đấu nhưng cũng có CLB làm xuê xoa, thậm chí nộp phạt thay cho cầu thủ, đó là điều không nên.

Tôi không đổ lỗi nhưng nếu trọng tài làm đúng, làm nghiêm thì cầu thủ không thể chơi thứ bóng đá xấu xí được. Thật buồn khi hình ảnh không hay trên sân Lạch Tray tuần qua lan truyền rộng trên mạng xã hội, gây ảnh hưởng quá lớn đến bóng đá VN nói chung, V-League nói riêng. 

Tôi cho rằng LĐBĐ VN (VFF) cần phải mạnh tay hơn nữa với đội ngũ trọng tài, nhất là những người không làm tròn trách nhiệm. Ngoài ra, cũng cần phải phạt nặng với cầu thủ, các HLV vi phạm quy chế bóng đá chuyên nghiệp.

Theo tôi, những cầu thủ tự đập bể nồi cơm của mình, của đồng nghiệp qua lối chơi thô bạo phải nhận án phạt nặng. Trừng phạt về kinh tế, theo tôi, đó là hình phạt thích đáng nhất và cũng là biện pháp hữu hiệu.

* Ông Trần Anh Tú (chủ tịch hội đồng quản trị VPF): Vai trò của CLB rất quan trọng

VPF (Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp VN) có tài giỏi đến mấy, VFF có mạnh tay đến đâu đi nữa mà không có sự chung tay góp sức bằng cách giáo dục cầu thủ từ CLB thì khó mà xóa bỏ hoàn toàn hình ảnh tệ hại đó. Nếu CLB vào cuộc mạnh mẽ, cho dù khó loại bỏ hoàn toàn hành vi xấu xí nhưng chúng ta có thể làm cho nó xuất hiện ở mức độ thấp nhất.

Trọng tài sai, chúng tôi có quyền không mời làm nhiệm vụ. Cầu thủ sai thì chiếu theo điều lệ để chế tài, nghiêm trọng hơn thì có án phạt từ ban kỷ luật thuộc VFF. VPF không có quyền phạt cầu thủ mà chỉ tổng hợp báo cáo, đưa ra ý kiến rồi đề nghị ban kỷ luật quyết định theo thẩm quyền dựa trên quy chế bóng đá chuyên nghiệp.

Cần các ông bầu ra tay

Ngày 16-4, những hình ảnh bạo lực trong trận Hải Phòng - SHB Đà Nẵng ở vòng 5 V-League đã xuất hiện trên diễn đàn nổi tiếng thế giới Reddit với nhiều lời bình luận đáng xấu hổ của những thành viên của diễn đàn như: "Giao lưu võ thuật khủng khiếp giữa Hải Phòng và Đà Nẵng", "Ồ, mỗi người đều đang đấu võ"...

Không biết đã đến lần thứ bao nhiêu những hình ảnh bạo lực xấu xí của V-League xuất hiện trên những tờ báo nổi tiếng và trên các diễn đàn mạng của nước ngoài. Và thời gian qua VFF, ban điều hành giải của VPF... cũng đã có vô số lời hứa mạnh mẽ trong việc trả lại hình ảnh đẹp cho V-League. Nhưng rồi đâu cũng vào đấy, mức độ bạo lực ngày càng gia tăng ở V-League 2019.

Chẳng lẽ bóng đá Việt bất lực với cái xấu? Chưa hẳn bởi VFF, VPF có thể bất lực nhưng vẫn còn các ông bầu.

V-League 2018, khi Tăng Tiến (HAGL) có pha vào bóng thô bạo với Duy Mạnh và phải nhận thẻ đỏ, bầu Đức đã quyết định cấm Tăng Tiến thi đấu đến hết giai đoạn 1 của V-League 2018 kèm theo tuyên bố: "Từ trước đến nay, tôi không bao giờ dung dưỡng cho bạo lực, cầu thủ nào đá láo là tôi cho nghỉ, khỏi chơi bóng luôn. Tôi dạy cầu thủ đá bóng chứ có phải dạy đánh võ đâu".

Hôm qua (17-4), trò chuyện với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Tấn Anh - trưởng đoàn bóng đá HAGL - kể lại tác động của câu chuyện trên: "Việc anh Đức kỷ luật Tăng Tiến "thấm" rất sâu trong các cầu thủ HAGL. Các bạn hiểu rằng nếu chơi thô bạo, cánh cửa tương lai của mình có thể bị đóng sập ở HAGL. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc mưu sinh sẽ khó khăn hơn...

Tôi không dám nói tất cả đều tốt nhưng chí ít lối chơi thô bạo được hạn chế rất nhiều ở HAGL. Sau khi bị kỷ luật, Tăng Tiến cũng thay đổi rất nhiều và hiện giờ cậu ấy đã chuyển về chơi cho đội TP.HCM".

Nhắc lại chuyện của bầu Đức để thấy các ông bầu cũng cần ra tay một cách mạnh mẽ để góp phần ngăn chặn bạo lực từ việc chế tài quyết liệt các cầu thủ của mình.

Hoàng Vũ

Theo Sĩ Huyên (Tuổi Trẻ)

Nổi bật