Cuối tháng Một vừa qua, tờ The Guardian (Anh) đã đăng tải một bài viết về những sự kỳ thị trong thể thao. Một trong số các câu chuyện có liên quan tới bóng đá Việt Nam.
Cụ thể, tiền đạo Jonte Smith đang chơi cho Lewes FC – đội bóng bán chuyên nghiệp tại Anh – đã kể về quãng thời gian thử việc tại Việt Nam:
"Tôi nhận được lời đề nghị đến chơi bóng tại Việt Nam khi mới 20, 21 tuổi với mức lương lên tới 15.000 bảng/tuần sau thuế. Ngày đầu tiên, tôi ra sân và khởi động cùng toàn đội. Nhưng họ yêu cầu tôi ra đứng cùng 2 cầu thủ khác đến từ châu Phi.
Mọi chuyện còn tệ hơn sau trận đấu. Tôi cầm đĩa thức ăn và ngồi cạnh các đồng đội. Một lần nữa, người ta bảo tôi phải sang ngồi chung với 2 cầu thủ lúc nãy".
Jonte Smith (người Bermuda, sinh năm 1994) rời khỏi Việt Nam chỉ sau 4 ngày. Hiện tiền đạo này đang nhận mức lương 200 bảng/tháng ở Lewis FC.
Trong câu chuyện của Jonte Smith tồn tại nhiều điểm khá bất hợp lý.
Mức lương 15.000 bảng/tháng tương đương khoảng gần 21.000 USD/tháng. Ngay cả trong thời kỳ chi tiêu mạnh tay nhất, cũng rất hiếm có ngoại binh nào đạt được tới con số đó. Chỉ một vài cái tên như cựu vô địch World Cup Denilson, "máy săn bàn" Huỳnh Kesley Alves hay "King" Leandro mới dám mơ đến con số tương tự.
Sau này khi nhiều ông bầu rút khỏi V.League, việc tuyển chọn ngoại binh cũng khó khăn hơn. Một số CLB thậm chí chỉ giới thiệu mức lương 5000-7000 USD/tháng cho những cầu thủ đến thử việc.
Jonte Smith đến từ Bermuda, nơi có đội tuyển thua cả Campuchia, Lào trên BXH FIFA. Thời điểm 20, 21 tuổi, tiền đạo này cũng chỉ chơi ở những hạng đấu rất thấp, chủ yếu là bán chuyên nghiệp tại Anh.
Với một hồ sơ như thế, thật khó tin CLB V.League nào dám hứa số tiền 21.000 USD/tháng cho Jonte Smith. Bởi họ hoàn toàn có thể tìm được những chân sút đảm bảo hơn, với mức lương hợp lý hơn nhiều.
Ngay cả chân sút giữ kỷ lục ghi nhiều bàn thắng nhất lịch sử V.League (139 bàn) Hoàng Vũ Samson khi chuyển sang Thái Lan và được cho là nhận mức lương cao hơn tại CLB Hà Nội thì cũng chỉ vào khoảng 15.000 USD/tháng.
Một vấn đề nữa liên quan đến chuyện phân biệt chủng tộc. Có những vấn đề nhất định tồn tại khi một ngoại binh gia nhập CLB Việt Nam. Nhưng nhìn chung họ đều được tạo điều kiện để hòa nhập.
Nhiều ngoại binh chơi rất thân với cầu thủ Việt, biết nói tiếng Việt, hiểu những phong tục, ăn các món ăn và thậm chí lấy vợ Việt Nam.
Các CLB đều hiểu rằng với mức lương cao, các cầu thủ nước ngoài được kỳ vọng sẽ là trụ cột, giúp đội bóng đạt thành tích tốt nên chẳng có lí do gì lại tìm cách ngược đãi họ.
Đang có nhiều quan điểm khác nhau trên mạng xã hội đánh giá về những lời kể của Jonte Smith.
Quan điểm thứ nhất là Jonte Smith đã thêm mắm thêm muối quá mức. Những sự việc đơn giản bị thổi phồng lên, tạo cảm giác "lâm ly bi đát".
Quan điểm thứ hai thì cho rằng anh chàng cầu thủ đến từ Bermuda là nạn nhân của đội ngũ môi giới. Con số 15.000 bảng/tuần lương sau thuế kia chỉ được nghĩ ra nhằm lôi kéo Jonte Smith và những cầu thủ khác.
Sau buổi thử việc, với năng lực có hạn, tiền đạo này không được chấp nhận ký hợp đồng. Từ đó, nảy sinh ra những hiểu lầm và câu chuyện trên xuất hiện.
Một ý kiến khác lại khẳng định bóng đá Việt Nam đang bị lôi vào giống như cái cách Mourinho hay Raul Albiol từng nhắc đến. Và Jonte Smith có lẽ không biết rằng Arsenal hay Man City từng thi đấu tại SVĐ Mỹ Đình nên mới "chém gió" quá đà.
Cách duy nhất để kiểm chứng sự thực là sự lên tiếng từ Jonte Smith và CLB nơi anh có thể đã thử việc. Nhưng với hàng loạt điều bất hợp lý như trên, liệu cầu thủ này có đồng ý đăng đàn một lần nữa?
Theo Lupo (Soha/Trí Thức Trẻ)