Đầu năm nay, vấn đề bản quyền SEA Games 32 trở thành chủ đề nóng ở khu vực Đông Nam Á. Khác với các kỳ đại hội thể thao trước, nước chủ nhà Campuchia muốn bán bản quyền truyền hình nhằm có thêm nguồn kinh phí hỗ trợ tổ chức đại hội.
Thực ra, đây là vấn đề từng được Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á bàn bạc và thông qua từ lâu. Tuy nhiên, với mục đích chính là phát triển thể thao khu vực nói chung, bản quyền SEA Games chưa bao giờ được bán thành công.
Năm 2009, Lào từng rao bán bản quyền SEA Games 25 nhưng không có quốc gia nào chấp nhận đàm phán. Cuối cùng, Lào cũng chia sẻ sóng truyền hình và chỉ thu một khoản tiền tượng trưng để bù đắp “phí truyền dẫn” cho các đơn vị sản xuất chương trình. Tại SEA Games 31 năm ngoái, Việt Nam cũng chỉ thu 10.000 USD với các quốc gia trong khu vực.
Năm nay, tranh cãi nổ ra khi Thái Lan cho rằng Campuchia đưa ra mức giá quá cao, đặc biệt ở các bộ môn bóng đá. Ngoài ra, các quốc gia khác cũng không sẵn lòng mua bản quyền SEA Games 32, khiến giải đấu có nguy cơ bị “ghẻ lạnh”.
Cách đây 2 tuần, ông Vath Chamroeun, tổng thư ký BTC SEA Games 32 cho biết: “Quá trình đàm phán bán và chia sẻ bản quyền SEA Games 32 đã hoàn thành 50%. Hiện tại đã có 4 quốc gia là Việt Nam, Indonesia, Malaysia cùng Singapore sở hữu bản quyền đại hội cùng với đài Campuchia Sport TV”.
Trong bối cảnh đó, nước chủ nhà Campuchia quyết định thay đổi 180 độ. Hôm qua, ban tổ chức SEA Games 32 chính thức thông báo họ sẽ miễn phí bản quyền truyền hình với tất cả các đơn vị trong và ngoài nước.
Ngoài ra, Campuchia cũng miễn phí vé xem toàn bộ các môn thể thao tại SEA Games 32, bao gồm cả bóng đá nam, nữ cũng như các lễ khai mạc, bế mạc đại hội. Những người hâm mộ đã mua vé sớm sẽ được ban tổ chức hoàn tiền.
Theo đánh giá của các chuyên gia, Campuchia đã thay đổi cách tiếp cận với SEA Games 32 nhằm thu hút khách du lịch. Với chính sách miễn phí tối đa này, Campuchia dự kiến sẽ đón lượng lớn cổ động viên từ 10 quốc gia còn lại đến xem SEA Games 32.
Theo A Phi (Tiền Phong)