Lee Dong-jun là nhà môi giới chuyên nghiệp, biết tiết chế cảm xúc và giỏi trong lời nói khi trả lời báo chí. Lee Dong-jun biết cần nói gì và từ chối những câu hỏi khó. Anh có 4 lần nói "xin lỗi, tôi không thể trả lời" khi được hỏi về chuyện liên quan đến hợp đồng và tương lai của ông Park. Nhưng ngạc nhiên là anh chàng người Hàn Quốc có đến 4 lần dùng từ "tôn trọng" và 2 lần nói "cảm ơn" dành cho bầu Đức.
Một người Hàn Quốc cảm ơn bầu Đức, đó đã là sự đặc biệt với bóng đá Việt Nam. Lee Dong-jun không chỉ cảm ơn mà nói rằng: “Rất cảm ơn và rất tôn trọng những gì ông Đoàn Nguyên Đức đã làm”.
“Ông Đức là một người tiên phong của bóng đá Việt Nam. Ông Đức tạo ra xu hướng mới mà những đội bóng Việt Nam đi theo ông Đức. Tôi mong rằng là có thêm nhiều ông Đoàn Nguyên Đức nữa, nhiều người làm được như ông Đoàn Nguyên Đức”, Lee Dong-jun chia sẻ.
Phải chăng bầu Đức là người bỏ công sức mời ông Park đến Việt Nam và từng trả lương trong 2 năm nên Lee Dong-jun ngợi khen theo kiểu lấy lòng?
Bản lĩnh của bầu Đức
Năm 2015, bầu Đức tuyên bố rằng: “Tôi nói thẳng, tôi đủ sức làm và sẽ làm tốt, ít nhất cũng phải thắng được Thái Lan. Tôi sẽ làm vì tâm huyết của mình, không tiếc tiền của và công sức để giúp bóng đá Việt Nam mạnh mẽ hơn”.
Theo bầu Đức, ông phải làm hết mình, đầu tư toàn bộ tâm huyết và tiền bạc để thấy bóng đá Việt Nam thành công và thắng Thái Lan. Bầu Đức làm vì niềm tự hào dân tộc và khát vọng của một người yêu bóng đá.
Trong quãng thời gian này, bầu Đức buồn trước những suy nghĩ kiểu đố kỵ, ghen ghét dù ông khát khao nâng tầm bóng đá Việt Nam. Đây chính là sự trăn trở lớn của bầu Đức, thậm chí gánh áp lực rất lớn dù làm việc vì cái chung, vì sự phát triển của bóng đá Việt Nam.
Nếu không có bản lĩnh và sự tâm huyết với bóng đá nước nhà thì bầu Đức đã từ bỏ sau SEA Games 29. Bầu Đức đã đề đơn nghỉ chức phó chủ tịch VFF nhưng không buông tay với đội tuyển quốc gia. Chính ông chủ phố Núi liên tục phản bác ý tưởng đưa HLV Hoàng Anh Tuấn lên nắm tuyển Việt Nam, trong đó có cả phát biểu ủng hộ từ bầu Hiển.
Sự bản lĩnh và quyết tâm của bầu Đức trong thời điểm mà phần lớn đang dồn trách nhiệm lên ông, đó là tiền đề để mở ra một trang sử mới cho bóng đá Việt Nam. Bầu Đức không chỉ phản biện mà còn tìm giải pháp bằng cách cất công sang Hàn Quốc mời ông Park về Việt Nam.
Phần còn lại câu chuyện là vinh quang trong gần 5 năm qua của HLV Park Hang Seo cùng bóng đá Việt Nam!
Những điều đáng nể về bầu Đức
Có câu chuyện đặc biệt về bầu Đức là ông chưa một lần xuất hiện cùng HLV Park Hang Seo trong lúc bóng đá Việt Nam giành vinh quang. Từ AFF Cup 2018 đến SEA Games 31 đều tổ chức tại Việt Nam nhưng bầu Đức chọn sự thầm lặng. Ngay cả thời điểm ông Park tái ký hợp đồng thì bầu Đức vẫn không hiện diện. Đó là sự đáng nể của bầu Đức.
Bầu Đức và ông Park có một hành trình kỳ lạ như mối nhân duyên tiền định: Một người đi xây mọi thứ và một người được chọn để thành công.
Năm 2002, HLV Park Hang Seo là người hùng của bóng đá Hàn Quốc ở World Cup. Nhưng danh vọng và sự mến mộ của người hâm mộ Hàn Quốc dành cho ông Park tan thành mây khói sau vài tháng. Ông Park dẫn dắt U23 Hàn Quốc thi đấu ở ASIAD và bị sa thải. Sự nghiệp của HLV Park Hang Seo thăng trầm, rơi tự do đến mức gần như chạm đáy, sau đó bầu Đức kết nối ông với bóng đá Việt Nam và thay đổi số phận một cách ngoạn mục.
Cũng từ năm 2002, bầu Đức tạo ra sự khác biệt cho bóng đá Việt Nam. Bầu Đức thay đổi và nâng tầm V.League qua bản hợp đồng lịch sử mang tên Kiatisuk Senamuang. Ông chủ HAGL đặt nền móng với Học viện HAGL - Arsenal - JMG ra đời vào năm 2007. Đây là "công trình để đời" của bầu Đức cho bóng đá nước nhà, là tiền đề để thay đổi khái niệm "xây nhà từ nóc". Người đưa ra lời khuyên để bầu Đức thay đổi tư duy làm bóng đá là HLV lừng danh Wenger.
Câu chuyện xây Học viện HAGL - Arsenal - JMG là một điều đáng nể của bầu Đức. Lúc đó, CLB HAGL đang thành công liên tục với 2 chức vô địch V.League nhưng ông vẫn chọn cách thay đổi cách làm. Bầu Đức từ bỏ sự thành công cá nhân để hướng đến lợi ích chung cho cả nền bóng đá.
Bóng đá Việt Nam từng rơi vào giai đoạn có thể nói buồn nhất với sự lạnh nhạt từ khán giả, và gần như chạm đáy niềm tin. Lứa Công Phượng ra đời trở thành "chiếc phao" cứu sinh cho cả nền bóng đá, khi mang đến một luồng sinh khí mới để thắp lại tình yêu của người hâm mộ cả nước. Những người khó tính, khắt khe nhất vẫn phải thừa nhận được sự chuyển biến tích cực từ cuối năm 2013, thời điểm bầu Đức trình làng lứa Công Phượng.
Về văn hóa bóng đá, bầu Đức nhìn thấy được gốc rễ trong cuộc “trồng người” cho bóng đá. Vì cầu thủ giỏi không có được nền tảng văn hóa, ý thức chuyên nghiệp thì sớm muộn gì cũng trở thành nỗi đau, hoặc lụi tàn trong sự cám dỗ của bóng đá.
Bầu Đức đề ra những quy định riêng cho Học viện Bóng đá HAGL. Cầu thủ phải được học văn hóa trước khi học bóng đá. Cầu thủ không chỉ được cho ăn học mà phải tốt nghiệp Đại học. Cầu thủ phải biết tiếng Anh… Đây là triết lý độc nhất vô nhị chỉ có bầu Đức làm được.
Hơn 16 năm ròng rã thay đổi từ V.League đến văn hóa bóng đá cùng hành trình đào tạo trẻ khác biệt và niềm tin yêu của khán giả, bầu Đức gần như đặt trọn nền móng và tiền đề cho bóng đá nước nhà hướng đến giai đoạn thành công rực rỡ.
Nếu không có các thay đổi nói trên thì HLV Park Hang Seo rất khó để cùng tuyển Việt Nam và U23 Việt Nam tạo ra những thành công lớn trong gần 5 năm qua. Và càng đáng nể là chính bầu Đức bỏ công đi Hàn Quốc mời ông Park về Việt Nam.
Cách đây 3 năm, ông Park công khai cảm ơn bầu Đức trong ngày tái ký hợp đồng: “Tôi nhớ giây phút này cách đây 2 năm khi lần đầu tiên gặp ông Đoàn Nguyên Đức. Ông Đức là người kết nối nhân duyên cho tôi, có tình yêu bóng đá và tâm huyết rất lớn. Tôi luôn cảm ơn bầu Đức”.
Bây giờ chúng ta phải đồng ý với nhận xét của Lee Dong-jun rằng: “Nếu không có ông Đoàn Nguyên Đức thì nhiều khả năng bóng đá Việt Nam không thể giành được thành tích cao như thế”!
Theo Văn Nhân (Saostar.vn)