Việc VFF sa thải HLV Miura sớm trước thời hạn, coi như một sự thừa nhận thất bại của bản hợp đồng với ông thầy người Nhật Bản. Vậy ai sẽ là người chịu trách nhiệm sau thất bại này?
Vòng chung kết U23 châu Á 2016 có thể là cơ hội cuối cùng để HLV Miura giữ lại chiếc ghế nóng mà mình đang ngồi. Vì thế, có thể hiểu chiến lược gia này đã chơi một canh bạc tất tay, khi quyết đặt mục tiêu vào tứ kết, dù ai cũng cho rằng đó chỉ là viển vông.
Không thể nói sự chuẩn bị của U23 Việt Nam cho giải đấu châu lục này kém kỹ lưỡng, bởi với thời gian hơn 1 tháng, được giao hữu với nhiều “quân xanh” chất lượng, đến chính HLV Miura cũng chưa có bất cứ sự phàn nàn nào.
HLV Miura không được lên tiếng sau thất bại tại vòng chung kết U23 châu Á 2016?
Tuy nhiên, U23 Việt Nam vẫn toàn thua và cái thua đó là vì hạn chế về trình độ, đẳng cấp so với các đội bóng châu Á. Sẽ là thiếu công bằng nếu chỉ nói rằng thất bại của U23 Việt Nam là do lối chơi mà HLV Miura xây dựng không phù hợp.
Vì lẽ đó, hội nghị BCH VFF lấy lý do ông Miura không hợp với bóng đá Việt Nam để sa thải xem ra không thực sự thuyết phục. Dường như ông Miura chỉ là tấm bình phong, để hướng dư luận tới một vấn đề khác, thay vì chỉ quan tâm tới những vấn đề nội bộ đang rất nhiều chuyện ở VFF.
Đây không phải là lần đầu tiên VFF đổ lỗi cho HLV sau mỗi thất bại. Người tiền nhiệm của HLV Miura là Falko Goetz, Phan Thanh Hùng và gần nhất là Hoàng Văn Phúc cũng bị đối xử tương tự như vậy. Điều đáng nói là giữa VFF và các HLV gần như không có cuộc làm việc một cách sòng phẳng, để cuộc chia tay hai bên đều vui vẻ.
HLV Falko Goetz bị sa thải khi đang nghỉ Giáng sinh ở quê nhà và chỉ nhận được thông báo qua điện thoại. HLV Phan Thanh Hùng và Hoàng Văn Phúc thì bị đổ lỗi sau thất bại tại AFF Cup 2012 và SEA Games 27. Còn HLV Miura nếu như đã thất bại trong việc xây dựng lối chơi, thì đáng lẽ giữa VFF và HLV Miura cũng phải ngồi lại với nhau để “3 mặt một lời”, nhưng khi chưa có cơ hội giải trình thì HLV này cũng được thông báo đã bị sa thải, qua tin nhắn.
Tìm người chịu trách nhiệm
Trao đổi với PV, chuyên gia Vũ Mạnh Hải nhấn mạnh rằng người chịu trách nhiệm lớn nhất nếu coi bản hợp đồng của HLV Miura là thất bại, thì phải là ai đóng vai trò chính trong việc mời ông Miura. Ai đứng sau bản hợp đồng của HLV Miura thì quá rõ, nhưng chịu trách nhiệm thì không thấy ai nói tới trong hội nghị BCH VFF vừa qua.
Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn đóng dấu ấn lớn nhất trong bản hợp đồng với HLV Miura
Ông Vũ Mạnh Hải cũng nói thêm, việc sa thải HLV Miura là quá đơn giản, nhưng đó không phải là cách làm xử lý triệt để bản chất vấn đề. Để thay đổi bộ mặt bóng đá Việt Nam, thay đổi hình ảnh các ĐTQG, thì cần phải sa thải chính các lãnh đạo VFF đầu tiên.
Trở lại bản hợp đồng của HLV Miura, việc VFF kết duyên với ông thầy người Nhật Bản này là do mối quan hệ hợp tác mang tầm chiến lược toàn diện giữa VFF và Liên đoàn bóng đá Nhật Bản. Bên cạnh đó, mức lương mà VFF phải trả cho ông Miura cũng vô cùng dễ chịu, thậm chí phần lớn được Tổng cục TDTT và một Mạnh thường quân lo.
Khoan hãy bàn về thành tích không ấn tượng trong quá khứ và chưa lần nào dẫn dắt ĐTQG của ông Miura, nhưng việc VFF ký hợp đồng với HLV này mà chưa có bất cứ sự thẩm định, đánh giá của các bộ phận chuyên môn đã đi theo vết xe đổ. Cũng không thể trách Hội đồng HLV quốc gia – bộ phận chịu trách nhiệm chính trong việc thẩm định chuyên môn các HLV, bởi người đứng đầu cũng lại là người đàm phán hợp đồng: Phó Chủ tịch VFF phụ trách chuyên môn, ông Trần Quốc Tuấn.
Hẳn ai cũng nhớ khi VFF mời được HLV Falko Goetz, Chủ tịch VFF khi đó là Nguyễn Trọng Hỷ đã khẳng định đây là HLV giỏi nhất từ trước tới nay, nhưng khi vào việc thì mới thấy ông thầy người Đức chẳng có gì đặc biệt ngoài cái cái mã rất đẹp trai, nam tính.
Như vậy, bóng đá Viêt Nam vẫn thường quy trách nhiệm cho các HLV, nhưng bản thân những người trực tiếp mời và lên tiếng khẳng định, cam kết về chuyên môn lại không được nói tới.
Bị sa thải, HLV Miura vẫn chơi đẹp Dù bị chấm dứt hợp đồng sớm trước thời hạn 2 tháng nhưng HLV Miura vẫn không đòi một đồng bồi thường nào từ VFF. HLV người Nhật Bản chỉ nhận nốt tiền lương 2 tháng còn lại và chia tay trong vui vẻ (khoảng hơn 30.000 USD). |