Có thể khẳng định, Malaysia luôn nằm trong số những đội bóng mạnh tại khu vực Đông Nam Á. Xuyên suốt lịch sử AFF Cup, đội bóng này luôn nằm trong số những cái tên cạnh tranh cho chức vô địch, với những màn thể hiện ấn tượng.
Sự thiếu hụt tài năng không phải là vấn đề với bóng đá Malaysia, khi đây luôn là môn thể thao được hâm mộ hàng đầu tại quốc gia này. Điều kiện kinh tế ổn định cũng là cơ sở để bóng đá tại quốc gia này nhận được sự đầu tư và có hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại để phát triển. Hiệu quả có thể nhìn thấy rõ khi sau 11 lần AFF Cup được tổ chức, Malaysia lọt vào tứ kết tới 8 lần, trong đó có 3 lần giành quyền vào chung kết và 1 lần lên ngôi vô địch.
Thành tích đáng nhớ nhất của bóng đá Malaysia tại đấu trường khu vực chắc chắn là vào năm 2010, khi đội bóng này xuất sắc giành chức vô địch với một hành trình không tưởng.
Khởi đầu với thất bại tan nát với tỉ số 1-5 trước Indonesia, Malaysia tưởng như sẽ phải tiếp tục dừng bước ngay tại vòng bảng giống như 2 năm trước, khi phải cạnh tranh với Thái Lan để có được tấm vé đi tiếp. Tuy nhiên đội quân của HLV Rajagobal đã xuất sắc cầm hòa người Thái để rồi sau đó lọt vào bán kết với vị trí nhì bảng.
Đến vòng knock-out, Safee Sali thực sự trở thành người hùng để mang về chức vô địch lịch sử cho Malaysia. Tiền đạo này lập cú đúp giúp Malaysia đánh bại Việt Nam với tổng tỉ số 2-0 ở bán kết, sau đó tiếp tục ghi được 3 bàn thắng ở chung kết, giúp đội bóng của mình đánh bại Indonesia 4-2 sau lượt trận.
Malaysia tưởng như đã có thể tái lập được hành trình kì diệu trên vào năm 2014. Đội bóng này cũng chỉ lách qua khe cửa hẹp ở vòng bảng, với chiến thắng nhờ quả penalty ở phút bù giờ trong trận gặp Singapore. Sau đó là màn lội ngược dòng không tưởng trước Việt Nam ở bán kết (thua 1-2 trên sân nhà, nhưng lại bất ngờ thắng 4-2 trên sân khách).
Một cuộc lật đổ thú vị suýt chút nữa đã được tạo ra ở trận chung kết với Thái Lan, khi Malaysia vươn lên dẫn trước 3-0 ở trận chung kết lượt về (thua 0-2 ở trận lượt đi). Đáng tiếc sau đó Chanathip và các đồng đội đã vùng dậy mạnh mẽ để có được chiến thắng chung cuộc với tổng tỉ số 4-3.
Tuy nhiên, sau thành tích ấn tượng của năm 2014, Malaysia lại để lại thất vọng lớn khi không thể vượt qua vòng bảng AFF Cup 2016. Nằm cùng bảng với Việt Nam, Myanamar và Campuchia, Malaysia sau khi vất vả vượt qua Campuchia ở lượt trận đầu tiên đã lần lượt để thua hai đối thủ còn lại với cùng tỉ số 0-1 và phải sớm dừng bước.
Đó được coi là kết quả không bất ngờ khi bóng đá Malaysia đang lâm vào khủng hoảng sau những thất bại liên tiếp ở vòng loại FIFA World Cup 2018 và Asian Cup 2019. Bởi thế, AFF Cup 2018 sẽ là giải đấu để Malaysia chứng minh được sự trở lại mạnh mẽ của mình.
Bóng đá Malaysia đang từng bước cho thấy một thế hệ tiềm năng, khi đội U22 lọt vào chung kết SEA Games 2017, sau đó vào tới tới kết U23 Châu Á 2018 và trở thành nòng cốt của đội Olympic Malaysia xuất sắc đánh bại Olympic Hàn Quốc, lọt vào vòng 1/8 ASIAD 18. Nhưng đó vẫn chỉ là những thành tích ở giải trẻ, bởi suy cho cùng ĐTQG mới là bộ mặt thực sự của một nền bóng đá.
Hai trận đấu trước những đối thủ quá yếu như Lào và Campuchia chưa thể nói lên được nhiều điều. Bài toán mang tên Việt Nam sẽ là thử thách thực sự nặng kí mà Talaha và các đồng đội phải tìm ra được lời giải. Chỉ có điều, để làm được điều đó ở Mỹ Đình sẽ không đơn giản chút nào!
Âu Bằng (SHTT)