Bóng đá Brazil đang phân cấp khủng khiếp. Thống kê cho thấy 11 ngàn cầu thủ chuyên nghiệp đăng ký hành nghề với Bộ Lao động Brazil nhận mức lương trung bình 8.400 real/tháng, tương đương 37 triệu VNĐ. Nhưng thực ra, chỉ 20% trong số này có cuộc sống từ no đủ trở lên. Và cầu thủ có thu nhập cao chiếm vẻn vẹn 0,12% “dân số” của nền bóng đá xứ Samba.
80% còn lại chỉ có thể kiếm được 1.000 real mỗi tháng, nghĩa là chỉ 4,5 triệu VNĐ. Con số này còn thấp hơn cả thu nhập tối thiểu hàng tháng theo quy định của Brazil là 1.212 real. Đây hầu hết là số cầu thủ thi đấu ở các giải hạng dưới. Và dù mang danh là cầu thủ chuyên nghiệp nhưng họ vẫn phải làm nhiều công việc khác để kiếm sống.
Tuy nhiên, họ vẫn luôn say mê và nghiêm túc với nghề. Bởi trong mắt họ, bóng đá gần như là con đường duy nhất và nhanh nhất để tránh xa thế giới tội phạm, ma túy, sự nghèo đói đang bủa vây các khu dân cư nghèo đói ở xứ Samba.
Và trước mắt họ cũng luôn hiện diện những tấm gương sáng. Theo tờ O Globo, ít nhất 11 cầu thủ của đội tuyển Brazil dự World Cup 2022 lớn lên từ khu ổ chuột hoặc nhà ở rất gần một khu ổ chuột.
“Cơn đói bóng và cơn khát vươn lên đã giúp họ lấp đầy những cái bụng đói, tránh xa nạn bạo lực hàng ngày. Bóng đá chính là con đường tắt để đưa họ thoát khỏi cuộc sống không triển vọng. Khi chạy theo trái bóng, hầu như họ luôn đi chân trần. Sau vô vàn khó nhọc, họ đã vươn lên trở thành những ngôi sao trị giá hàng chục triệu đô la, đang bảo vệ màu cờ sắc áo Brazil tại World Cup”, O Globo viết.
Cựu danh thủ Roberto Rivellino cũng đồng ý với nhận định này: “Bóng đá là lối thoát hiểm cho biết bao người dân nước ta. Bóng đá ở khu ổ chuột và ngoại ô là tác nhân mạnh mẽ giúp thay đổi cuộc sống, ngay cả khi những thanh thiếu này không thể trở thành cầu thủ chuyên nghiệp”.
Trong số hàng triệu thanh niên Brazil đam mê túc cầu, cũng chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ chen chân vào được môi trường chuyên nghiệp. Nhưng ngày nay, được làm cầu thủ chuyên nghiệp cũng không có nghĩa cuộc sống của họ đã được bảo đảm.
Bởi “bầu sữa” của nhà tài trợ đang ngày một cạn kiệt, đẩy các đội bóng vào cảnh phải giảm lương tối đa. Vài năm trước, chỉ có cầu thủ ở các đội hạng Ba và hạng Tư phải đi làm thêm thì nay đã đến lượt các đội hạng Nhì.
André Dias, thủ thành số một của Atletico Juventus là một ví dụ. Anh cho biết mức lương hiện tại không còn đủ trang trải cuộc sống nữa, khiến Dias phải đi dạy thêm. Bên ngoài sân cỏ, anh là một HLV thể hình. “Chúng tôi đã lên kế hoạch cho năm tới, nhưng cuối cùng chúng tôi lại mất đi một nhà tài trợ quan trọng”, Dias than thở về tình cảnh của đội nhà.
Hay hậu vệ Yuri Ferraz của CLB Amazonas cũng chung hoàn cảnh. Thậm chí anh còn làm luôn cả công việc nặng nhọc là bê vác hàng hóa ở cảng. Thế nên, ở Brazil, trở thành cầu thủ chuyên nghiệp đã là khó, nhưng sống được với nghề xem ra còn khó hơn.
Theo Đặng Lai (Tiền Phong)