1. Vì sao dùng tên Olympic Việt Nam
Theo quy định mới của Ủy ban Olympic châu Á (OCA), từ năm 2002, các đội tham dự môn bóng đá nam tại sân chơi ASIAD bên cạnh việc triệu tập các cầu thủ U23 sẽ được bổ sung thêm 3 cầu thủ quá độ tuổi này.
Với thành phần triệu tập như trên, OCA đặt tên các đội là Olympic thay vì U23 như thói quen người hâm mộ địa phương hay gọi. Đối với truyền thông Việt Nam, nhiều đơn vị vẫn sử dụng cách gọi U23 Việt Nam để tôn trọng cách gọi tên thân quen của bạn đọc.
Các trận đấu đa phần sẽ được tổ chức tại sân vận động Bung Karno với sức chứa lên đến 90.000 chỗ ngồi. Đây là sân nhà của CLB Persija Jakarta, một trong những CLB xuất sắc nhất Indonesia.
2. Những dấu ấn của Olympic Việt Nam tại các kỳ ASIAD
Đội tuyển bóng đá Olympic Việt Nam tham dự giải lần đầu vào năm 1998 và thành tích tốt nhất chính là giành quyền vào vòng 1/8 tại ASIAD 16 (Quảng Châu, Trung Quốc) và ASIAD 17 (Incheon, Hàn Quốc), dưới thời HLV Miura.
3. Vì sao ASIAD 2018 thay đổi số lượng đội tham dự
Theo dự kiến, môn bóng đá nam ASIAD 2018 ban đầu có 32 đội đăng ký tham dự, nhưng sau đó vì nhiều lý do nên chỉ còn 24 đội tham gia chia vào 6 bảng đấu.
Có một số quốc gia rút lui không tham dự như Ấn Độ, U.A.E, Jordan, Singapore, Philippines và cả Campuchia. Điều đó dẫn tới việc đội tuyển Olympic Việt Nam được chọn vào hạt giống số 2 thay vì hạt giống số 3 như công bố ban đầu.
4. Olympic Việt Nam rộng cửa vượt qua vòng bảng
Lễ bốc thăm chia bảng đã diễn ra vào ngày 5/7/2018. Các học trò của HLV Park Hang-Seo rơi vào bảng đấu được đánh giá không quá khó khăn khi các đối thủ lần lượt gồm Olympic Nhật Bản, Olympic Pakistan và Olympic Nepal.
Với việc giải đấu chỉ còn 24 đội chia làm 6 bảng, Ban tổ chức sẽ chọn 16 đội vào vòng loại trực tiếp (vòng 1/8), gồm: 2 đội nhất nhì mỗi bảng và 4 đội xếp thứ 3 có thành tích tốt nhất.
Chủ nhà Indonesia rơi vào bảng đấu quá dễ dàng khi chỉ phải gặp các đối thủ như Hong Kong, Lào và Đài Bắc Trung Hoa.
5. Lịch sử giải đấu
Bóng đá nam ASIAD lần đầu tiên được đưa vào Đại hội thể thao châu Á từ năm năm 1951. Đến nay, đã có tổng cộng 17 bộ huy chương đã được trao trong đó Hàn Quốc và Iran là 2 quốc gia thành công nhất khi 4 lần giành huy chương vàng.
Một điều khá bất ngờ khi đội tuyển Myanmar cũng rất thành công khi có 2 lần lên ngôi vào các năm 1966 và 1970. Có một điều khá đặc biệt, đó là kỳ ASIAD năm 1970 và 1978, BTC đã phải trao đồng Huy chương Vàng do không thể phân định được đội thắng trong trận chung kết. (Myanmar vs Hàn Quốc năm 1970 và Hàn Quốc vs CHDCND Triều Tiên năm 1978).
Theo Đình Anh (Soha/Trí Thức Trẻ)