Gần cuối tháng trước, Bộ trưởng Bộ quốc phòng và các quan chức Trung Quốc đã đến thăm Damascus và gặp Bộ trưởng Quốc phòng Syria Fahd al-Dzhasekom Freydzhem.
Nhiều vấn đề đã được thảo luận và thông qua, đặc biệt Trung Quốc quyết định gửi đến Syria cố vấn quân sự của mình để đào tạo các nhân viên, binh sĩ của các lực lượng vũ trang Syria.
Còn nhớ, Trung Quốc thời gian qua đã liên tiếp ngăn chặn những nỗ lực của phương Tây nhằm có được những nghị quyết chống Syria trong Hội đồng bảo an Liên hiệp Quốc.
Trang tin "Al Arabiya news" mới đây có bài viết của tác giả Azeem Ibrahim, chuyên gia Viện Nghiên cứu Chiến lược (Anh), nhận định việc Trung Quốc ra mặt ủng hộ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad dường như là nhằm "ngáng chân" Mỹ tại địa bàn chiến lược này.
Phải thấy rằng, do nhu cầu dầu mỏ nên Trung Quốc có mối quan hệ thương mại mật thiết với cả Iran và Saudi Arabia đồng thời là một khách hàng quan trọng của cả hai quốc gia này, đặc biệt là Iran.
Tình hình chiến sự ở Syria vẫn còn căng thẳng |
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiểu rằng tấn công Syria đồng nghĩa với tấn công Iran, đối tác kinh tế, thương mại và đầu tư lớn nhất của Trung Quốc. Chỉ riêng lượng dầu mỏ nhập từ Iran đã chiếm khoảng 20% nhập khẩu.
Từ quan điểm của Bắc Kinh, Iran là đồng minh chiến lược của Trung Quốc trong mọi lĩnh vực và là điểm tập trung mọi nguồn lực chống lại nước Mỹ”. Trong khoảng hai thập kỷ trở lại đây, người Trung Quốc đã xây dựng ở Iran nhiều khu nhà chung cư, cầu, đập ngăn nước, đường hầm, đường sắt, đường ống dẫn dầu, nhà máy phát điện và tàu điện ngầm ở Tehran.
Và nếu Mỹ thành công trong việc lật đổ ông Bashar al-Assad bằng vũ lực, Tehran sẽ đứng trên bờ vực của cuộc phong tỏa cấm vận và nguy cơ nội chiến do phát triển vũ khí hạt nhân. Đồng thời số lượng các chiến binh thánh chiến của Al – Qaeda sẽ tăng vọt. Điều này chắc chắn sẽ khiến tất cả công sức của Bắc Kinh ở khu vực Trung Đông đổ xuống sông xuống bể, cũng như cắt nguồn dầu mỏ nhập khẩu mà nền kinh tế Trung Quốc đang khát.
Bắc Kinh hiểu rằng mối quan hệ thương mại Mỹ - Trung rất quan trọng cho cả hai nước nhưng Trung Quốc cũng đang cảm thấy mệt mỏi với cách gìn giữ hòa bình thế giới của Mỹ.
Kể từ năm 2001, sự can dự của Mỹ đã dẫn đến nhiều sự bất ổn và tất cả những sự bất ổn này đều gây ảnh hưởng xấu tới các ngành công nghiệp xuất khẩu chủ đạo của Trung Quốc.
Mặt khác, Mỹ tiếp tục can thiệp vào các khu vực mà Trung Quốc coi là nằm trong phạm vi ảnh hưởng của mình như Biển Đông, biển Hoa Đông, bán đảo Triều Tiên, khu vực Đông Nam Á...
Do thiếu chỗ đứng ở Trung Đông, nên các hành động của Mỹ ở khu vực này đang khiến Trung Quốc khó chịu và nếu có thể tìm ra một điểm yếu nào của Mỹ thì Bắc Kinh chắc chắn sẽ xoáy sâu vào điểm đó.
Theo tác giả, vấn đề cốt lõi hiện nay là Trung Quốc đang muốn tạo dựng mối quan hệ thân thiện với Nga và Iran trong vấn đề Syria, hướng tới việc định hình lại trật tự thế giới trong tương lai gần.
Trung Quốc đang hy vọng khẳng định vị trí, vai trò mà họ xem là "xứng đáng" trong trật tự địa chính trị của thế giới hiện nay nhưng cũng cảm nhận được Mỹ và phương Tây đang cố gắng kiềm chế Bắc Kinh trong một giới hạn nhất định.
Vì vậy, Trung Quốc tìm cách liên minh với "kẻ thù truyền thống" của phương Tây, như Nga và Iran, để đạt được mục tiêu của mình.
Theo Châu Anh (Tiền Phong)