Ý đồ của Mỹ khi áp sát các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp

15/10/2015 15:08:40

Mỹ tuyên bố điều tàu áp sát khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp phi pháp trên Biển Đông, động thái phủ nhận tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh.

Mỹ tuyên bố điều tàu áp sát khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp phi pháp trên Biển Đông, động thái phủ nhận tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh.
Tàu chiến của Mỹ neo đậu tại Vịnh Subic của Philippines. Ảnh minh họa: Reuters
 
Mục tiêu của Mỹ

Hải quân Mỹ được cho là đang chuẩn bị tiến hành các hoạt động đảm bảo “tự do hàng hải”, bao gồm việc điều tàu mặt nước đi vào khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp phi pháp trên Biển Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng khẳng định quyền đi lại và bay qua những khu vực mà luật pháp quốc tế cho phép và Biển Đông không phải ngoại lệ, The Diplomat đưa tin.

Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain nói rõ: “Nếu chúng ta tiếp tục hạn chế hải quân đi vào khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp phi pháp trên Biển Đông, đó là một sai lầm nguy hiểm, gián tiếp thừa nhận tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh xung quanh các đảo nhân tạo”.

Nhiều báo cáo cũng cho rằng, việc Mỹ không tiến vào các khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo của Trung Quốc có thể bị hiểu nhầm rằng Washington mặc nhiên công nhận yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh. Ngược lại, việc điều chiến hạm áp sát các đảo sẽ là tiếng nói phản đối rõ ràng nhất từ phía Mỹ đồng thời nâng cao nhận thức của thế giới với những gì Trung Quốc đang tiến hành trên vùng biển huyết mạch của hàng hải thế giới.

Đáp lại tuyên bố của Mỹ, bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ngang nhiên cho rằng: “Chúng tôi không thể tha thứ cho việc xâm phạm lãnh hải và không phận của Trung Quốc thông qua việc viện cớ 'duy trì tự do hàng hải và hàng không'. Trung Quốc ủng hộ tự do hàng hải ở Biển Đông nhưng sự tự do chắc chắn không đồng nghĩa với việc điều tàu và máy bay xâm nhập lãnh hải và không phận Trung Quốc theo ý muốn”.

Tuy nhiên, Bắc Kinh không đề cập cụ thể tới vùng lãnh hải xung quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp trên Biển Đông. Nó tạo ra sự mơ hồ, điều vốn tồn tại trong yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh trên Biển Đông thông qua cái gọi là đường 9 đoạn.

Một trong những mục tiêu khác của Mỹ là buộc chính phủ Trung Quốc đưa ra những tuyên bố rõ ràng dựa theo các quy tắc của Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển (UNCLOS), từ đó yêu cầu các bên giải quyết tranh chấp theo những quy ước bắt buộc mà họ đã ký kết. Khi đòi hỏi của Mỹ nhằm buộc Bắc Kinh làm sáng tỏ chính sách lãnh thổ chưa được đáp ứng, các hoạt động đảm bảo tự do hàng hải có thể thúc đẩy mục tiêu đó.

Tuy nhiên, việc buộc Bắc Kinh nói rõ tham vọng lãnh thổ trên Biển Đông mang nhiều rủi ro, nhất là khi các quan chức Trung Quốc phải toan tính rất nhiều trước khi đưa ra những tuyên bố lãnh thổ cực đoan vì dư luận sẽ khiến họ không còn đường lui.

Mục tiêu khác của Mỹ là thực thi tự do hàng hải, điều Washington theo đuổi từ lâu nay. Mỹ nhận thấy “cần phải làm điều gì đó” trước những hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông, nơi nhiều quốc gia cùng tuyên bố chủ quyền. Đáp trả tuyên bố của Mỹ, những quan chức không còn làm việc cho chính phủ Trung Quốc - chẳng hạn như những sĩ quan quân đội đã nghỉ hưu, cho rằng Bắc Kinh có thể sử dụng các chiến thuật nguy hiểm như đâm tàu để đuổi Mỹ.

Nhà chức trách Mỹ tin rằng chiến lược của Trung Quốc có thể thay đổi khi xảy ra “các sự kiện trên mặt nước”. Tuy nhiên, Washington cần chuẩn bị để truyền thông, chính phủ nước ngoài và dư luận không hiểu sai và bóp méo ý định của họ.

Ý nghĩa của vùng 12 hải lý
 

Chiến hạm Mỹ áp sát khu vực Trung Quốc bồi lấp phi pháp trên Biển Đông giữa năm 2015. Ảnh: CNN

 
Theo UNCLOS, các quốc gia nằm ven biển có toàn quyền với vùng lãnh hải 12 hải lý kể từ đường cơ sở của bờ biển và bờ của các hòn đảo tự nhiên. Các đảo nhân tạo, bao gồm việc bồi lấp các rạn san hô vốn nằm dưới mực nước biển khi thủy triều lên, không có quyền thiết lập vùng lãnh hải 12 hải lý.

Đối với những hòn đảo được bồi lấp từ đảo tự nhiên có một phần diện tích ban đầu nổi trên mặt nước khi thủy triều đạt đỉnh, chúng có lãnh hải 12 hải lý. Tuy nhiên, các tàu nước ngoài đi qua vùng nước này được coi là quá cảnh chưa khai báo.

Trung Quốc muốn phản đối các quy định trong UNCLOS và tuyên bố các tàu Mỹ không đáp ứng quy tắc “đi qua vô hại” - cho phép các tàu đi vào vùng lãnh hải thông qua điều kiện nhất định. Bắc Kinh tự đưa ra chuẩn mực yêu cầu các tàu quân sự phải thông báo hay xin phép trước khi “đi qua vô hại”, điều không nằm trong UNCLOS.
 
>> Nhật không chấp nhận đảo nhân tạo của Trung Quốc
>> Trung Quốc tuyên bố sắp xây xong đảo nhân tạo trên biển
>> Ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc bồi đắp đảo nhân tạo với tốc độ chóng mặt
>> Giới chức Mỹ: Trung Quốc rút pháo khỏi đảo nhân tạo ở Trường Sa

Theo Hồng Duy (Zing.vn)

Nổi bật