Xung đột Nga-Ukraine sẽ hạ màn như thế nào trong năm 2025?

03/01/2025 10:02:36

Tương lai của cuộc chiến ở Ukraine trong năm 2025 vẫn mơ hồ, giữa bối cảnh ông Trump chưa đưa ra kế hoạch cụ thế về cách chấm dứt xung đột và Kiev không nhận được sự đảm bảo an ninh duy nhất mà nước này mong muốn: tư cách thành viên chính thức của NATO.

Chỉ trong chưa đầy 1 tháng nữa, Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump sẽ chính thức trở lại Nhà Trắng, mang theo lời hứa chấm dứt cuộc xung đột Nga-Ukraine đã kéo dài gần 3 năm. Tuy nhiên, những gì đang chờ đợi ông không hề dễ dàng.

Ngày 30/12, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết Điện Kremlin chưa hài lòng với bản dự thảo hòa bình được cho là do nhóm cố vấn của ông Trump đề xuất, bao gồm việc hoãn tư cách thành viên NATO của Kiev trong 20 năm và triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình châu Âu tới Ukraine. Trong khi đó, Kiev vẫn kiên định với yêu cầu có một ghế chính thức trong liên minh quân sự lớn nhất hành tinh trước khi thông qua bất kỳ lệnh ngừng bắn nào, dù điều này gần như không thể thực hiện trong ngắn hạn.

Theo ông Michael Kofman, thành viên cấp cao tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, điều này đã đặt ra thách thức kép cho chính quyền Mỹ sắp tiếp nhiệm.

"Đầu tiên, họ sẽ ngay lập tức phải bắt tay vào xử lý một cuộc xung đột đang bước vào giai đoạn căng thẳng mà không có nhiều thời gian để ổn định tình hình. Thứ hai, rất khó để làm hài lòng cả hai bên tham chiến do những mâu thuẫn về lợi ích hiện nay", ông Kofman cho biết.

Xung đột Nga-Ukraine sẽ hạ màn như thế nào trong năm 2025?
Ông Trump. Ảnh: Getty

Chiến thuật của ông Zelensky

Những cuộc phỏng vấn gần đây giữa Tổng thống Mỹ đắc cử với báo giới đã phần nào tiết lộ về cách thức tiếp cận cuộc xung đột của chính quyền Mỹ tiếp theo. Ông Trump đã với tạp chí Time rằng ông "hoàn toàn phản đối" quyết định cho phép Ukraine bắn tên lửa tầm xa do Mỹ cung cấp vào các mục tiêu bên trong nước Nga của chính quyền Tổng thống Biden hồi tháng 11.

Xuất hiện trên kênh truyền hình NBC vào đầu tháng 12, ông Trump cũng cảnh báo Ukraine nên chuẩn bị sẵn sàng cho khả năng Nhà Trắng sẽ rút bới viện trợ trong thời gian tới, đồng thời cho biết sẽ thúc đẩy một lệnh ngừng bắn đến cùng.

Trước áp lực từ phía ông Trump, Kiev vẫn chưa sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán với Nga, trong bối cảnh Moscow đang nắm giữ nhiều lợi thế trên chiến trường. Tiến trình chuyển giao quyền lực ở Mỹ trong năm qua đã buộc ông Zelensky phải thay đổi chiến thuật ngoại giao, tự định vị Ukraine là một đối tác tiềm năng đối với nhà lãnh đạo Mỹ tương lai vốn chú trọng đến vấn đề kinh tế như ông Trump.

Trong bản "Kế hoạch Chiến thắng" được công bố vào tháng 10 năm ngoái, ông Zelensky đề xuất rằng quân đội Ukraine dày dạn kinh nghiệm chiến đấu có thể thay thế lực lượng Mỹ ở châu Âu ngay sau khi xung đột với Nga kết thúc. Ngoài ra, ông cũng chỉ ra triển vọng hợp tác đầu tư chung liên quan đến việc khai thác tài nguyên thiên nhiên của Ukraine, bao gồm uranium, than chì và lithium.

Sau khi cuộc bầu cử Mỹ công bố người chiến thắng, Tổng thống Ukraine là một trong những chính trị gia đầu tiên gửi lời chúc mừng tới ông Trump và cũng không mất nhiều thời gian để nhà lãnh đạo Kiev này cử các quan chức cấp cao đến gặp nhóm cố vấn của Tổng thống Mỹ đắc cử. Với sự giúp đỡ của người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron, ông Zelensky cũng thành công giành được một cuộc gặp trực tiếp với ông Trump khi hai người đến thăm Paris để dự lễ khánh thành Nhà thờ Đức Bà Paris.

Ông Zelensky thậm chí cũng xuống thang, chấp nhận nhượng bộ lãnh thổ cho Nga theo đề xuất trước đó của ông Trump, với yêu cầu tiên quyết là đổi lấy tư cách thành viên chính thức trong NATO.

"Những gì chúng ta đang thấy hiện nay là một chiến lược rất thông minh của Tổng thống Zelensky", cựu Ngoại trưởng Dmytro Kuleba phát biểu với Hội đồng Đối ngoại Mỹ vào tháng 12, đồng thời cho biết ông Zelensky đã "bày tỏ thái độ xây dựng và sẵn sàng hợp tác với Tổng thống Trump".

Với rất ít dấu hiệu rõ ràng cho thấy Điện Kremlin đang có những động thái tương tự, chính quyền Kiev rõ ràng đang cố gắng đi trước một bước.

Bà Orysia Lutsevych, người đứng đầu Diễn đàn Ukraine tại Chatham House, cho biết: "Vì ông Trump chưa giải thích đầy đủ về cách thức tổ chức đàm phán nên phía Ukraine đang cố gắng đưa ra một số ý tưởng mà ông ấy có thể trình bày như là ý tưởng của riêng mình".

Vị thế mong manh của Ukraine

Với khả năng các cuộc đàm phán hòa bình do ông Trump dẫn đầu đang đến gần và Ukraine đang ở thế yếu trên chiến trường, cuộc tranh luận quốc tế đều xoay quanh việc củng cố vị thế mong manh của Kiev.

"Điều quan trọng là phải có những đảm bảo an ninh mạnh mẽ, hợp pháp và thực tế dành cho Ukraine. Những lời hứa mà chúng tôi nhận được từ trước tới nay không thể mang lại sự đảm bảo mà chúng tôi yêu cầu", ông Andriy Yermak, người đứng đầu văn phòng Tổng thống Zelensky, phát biểu với đài truyền hình Ukraine vào ngày 12/12.

Xung đột Nga-Ukraine sẽ hạ màn như thế nào trong năm 2025? - 1
Ông Andriy Yermak, người đứng đầu văn phòng Tổng thống Zelensky. Ảnh: Quốc hội Ukraine

Nếu Ukraine không nhận được những cơ chế đảm bảo an ninh cụ thể tương tự như khái niệm phòng thủ tập thể được nêu rõ trong Điều 5 của Hiệp ước thành lập NATO, các nhà quan sát lo ngại rằng một cuộc xung đột khác sẽ bùng nổ ngay cả khi Moscow và Kiev đạt được thỏa thuận ngừng bắn ngay lúc này.

"Ông Zelensky hiểu rằng ông ấy không thể chấp nhận ngừng bắn mà không có bất kỳ sự ràng buộc nào. Sẽ là tự sát nếu ông Zelensky chấp nhận ngừng bắn trước khi Ukraine nhận được câu trả lời chính thức về việc quốc gia này sẽ được bảo vệ như thế nào trong tương lai”, bà Orysia Lutsevych nhấn mạnh.

Tại các diễn đàn chính sách châu Âu, các chuyên gia đã tìm cách để các đồng minh của Ukraine có thể hỗ trợ phần nào trách nhiệm nặng nề này. Một số ý tưởng được đưa ra bao gồm việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình ở Ukraine hoặc sự tham chiến của Lực lượng Viễn chinh chung do Anh đứng đầu, tập hợp lực lượng từ 8 quốc gia Bắc Âu và Baltic, cộng với Hà Lan.

Tuy nhiên, ông Kofman vẫn tỏ ra hoài nghi.

"Những đảm bảo an ninh mà không có Mỹ tham gia sẽ khó lâu bền”, vị chuyên gia này khẳng định.

Đây cũng là quan điểm được nhiều quan chức Kiev đồng tình.

Ông Mykhailo Podolyak, cố vấn cho chánh văn phòng Tổng thống Zelensky, cho biết, hiện tại, không có giải pháp thay thế nào cho sự hiện diện của Mỹ. Ông cũng lập luận rằng những thỏa thuận quốc tế nổi tiếng như Bản ghi nhớ Budapest năm 1994 nhằm phân chia biên giới hậu Xô Viết hay Thỏa thuận Minsk năm 2014-2015 nhằm giải quyết yêu cầu ly khai của Donbas - Lugansk đều vô giá trị nếu không có “sự đe dọa răn đe quân sự hiệu quả”.

Vai trò của Mỹ và phương Tây trong màn kết của xung đột Nga-Ukraine

Trong trường hợp không có thỏa thuận chắc chắn về tương lai lâu dài của Ukraine, các đồng minh của nước này đang làm mọi cách có thể để tăng cường khả năng phòng thủ cho quốc gia Đông Âu này.

Tổng thư ký NATO Mark Rutte hồi tháng 12 cho biết liên minh quân sự này đang xem xét các biện pháp hỗ trợ cho Ukraine bao gồm việc cung cấp thêm các hệ thống phòng không cho Kiev nhằm chống lại các tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) của Nga.

Trong bối cảnh Ukraine đang thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng, Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healey cho biết chính phủ nước này có thể gửi quân đội Anh đến Ukraine để hỗ trợ huấn luyện. Tổng thống Biden dường như cũng quyết tâm cung cấp nhiều viện trợ quân sự nhất có thể cho Ukraine trước khi rời nhiệm sở. Hồi cuối tháng 12, có thông tin cho rằng ông Trump sẽ tiếp tục cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine nhưng sẽ yêu cầu các thành viên NATO tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng.

Các đồng minh của Kiev cũng tiếp tục gia tăng lệnh trừng phạt đối với Moscow với hy vọng có thể làm sụp đổ nền kinh tế thời chiến của Nga. Những chỉ số kinh tế gần đây đang dấy lên hồi chuông báo động cho Moscow. Với lãi suất ở mức 23%, lạm phát trên 9%, đồng rúp giảm và tăng trưởng dự kiến sẽ chậm lại đáng kể vào năm 2025, Điện Kremlin sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn cuộc chiến ở Ukraine.

Nhưng Tổng thống Putin vẫn tỏ ra bình tĩnh như thường thấy. "Các lệnh trừng phạt đang có hiệu lực", ông nói trong cuộc họp báo cuối năm, "nhưng chúng không phải là điều quan trọng nhất".

"Tôi phải nói rằng tình hình đang thay đổi đáng kể. Mỗi ngày đều có sự chuyển động trên toàn bộ tiền tuyến", ông Putin nhắc tới những thành quả quân sự trong thời gian gần đây của Nga trên chiến trường Ukraine.

Nhà lãnh đạo Điện Kremlin cũng tỏ ra cởi mở với tiến trình đàm phán do Mỹ đề xuất, song ông cũng không quên nhắc nhở Ukraine và các đồng minh nên xây dựng thỏa thuận hòa bình dựa trên “thực tế trên thực địa” – một “thực tế” dường như đang có lợi nhiều hơn cho Nga.

Thời điểm chấm dứt xung đột chưa phải vấn đề lớn nhất mà tương lai của Kiev và thậm chí là cả phương Tây sau đó mới là trọng tâm của mọi cuộc thảo luận trong thời gian gần đây. Phương Tây không tránh khỏi lo ngại rằng, cuộc chiến ở Ukraine sẽ nhanh chóng vượt qua đường biên giới của hai bên tham chiến nếu Nga tiếp tục giữ vững phong độ như hiện nay. Điều này có thể kéo chậm lại tiến trình hòa đàm mà ông Trump đang thúc đẩy, bởi bất kỳ nhà lãnh đạo nào cũng hiểu rõ, điều gì đang tạo nên sức mạnh trên bàn đàm phán.

Theo Diệp Thảo (Vov.vn)

Nổi bật