Xúc động đọc lại lời từ biệt của Lý Quang Diệu dành cho vợ

24/03/2015 08:07:39

Bài điếu văn mà ông Lý Quang Diệu viết cho vợ như thước phim quay chậm về cuộc đời của ông, đằng sau sự thành công của ông là bóng dáng của bà.

Bài điếu văn mà ông Lý Quang Diệu viết cho vợ như thước phim quay chậm về cuộc đời của ông, đằng sau sự thành công của ông là bóng dáng của bà.
 

Ông Lý Quang Diệu và bà Kha Ngọc Chi cùng thổi nến trong ngày sinh nhật 80 tuổi của ông năm 2003 (ảnh: Reuters)

 
“Bà là người bạn thân thiết nhất đối với tôi, là sức mạnh của tôi trong suốt ¾ chặng đường chúng ta bên nhau. Không ai có thể hiểu tôi và có thể cùng tôi chia sẻ cuộc đời này như những gì bà đã làm… kể từ khi chúng ta còn ngồi trên ghế nhà trường, ra nước ngoài rồi chung một mái nhà, ở công ty luật, trên hành trình sự nghiệp, mà không có bà, tôi không thể như ngày hôm nay”.

Tôi và vợ ở bên nhau từ năm 1947 và sống với nhau hơn nửa đời người. Nỗi đau buồn của tôi khi Chi qua đời thật không thể diễn tả thành lời. Nhưng hôm nay, khi kể lại cuộc sống cùng nhau của chúng tôi, tôi muốn ca ngợi cuộc đời của bà ấy.

“Gia đình của Chi đã từng nghĩ tôi không phải là một chàng rể lý tưởng bởi khi đó tôi là chàng thanh niên bỏ dở Đại học Raffles lại không nghề nghiệp ổn định. Tháng 9/1946, tôi tới Anh học luật, còn Chi trở lại Đại học Raffles để cố gắng, giành học bổng do Nữ hoàng Anh trao tặng hàng năm. Chúng tôi hy vọng sẽ sớm đoàn tụ cùng nhau tại Anh. Còn không, trước mặt chúng tôi là 3 năm xa cách”.

Vượt qua mọi rào cản từ phía gia đình và trong cả việc học tập, tôi và bà làm đám cưới bí mật vào tháng 12/1947 tại Stratford-upon-Avon, khi đó chỉ có hai chúng tôi với nhau và sau đó, tại Đại học Cambridge, chúng tôi dồn hết tâm sức vào việc học luật.
 

Tháng 9/1950, ông Lý Quang Diệu và bà Kha Ngọc Chi kết hôn lần 2 ở Singapore (ảnh: Malaymail)


Trở về Singapore, vợ chồng tôi làm trợ lý pháp luật cho công ty luật Laycock & Ong trên đường Malacca. Vào tháng 9/1950, chúng tôi chính thức kết hôn lần 2 theo nguyện vọng của bố mẹ và bạn bè.

Khi Hiển Long chào đời 2/1952, Chi xin nghỉ việc ở nhà một năm để chăm con. Trong thời gian nghỉ sinh, Chi vẫn giúp tôi chỉnh sửa câu văn trong các bản thảo, giúp chúng trở nên đơn giản và rõ ràng. Qua nhiều năm, bà ấy ảnh hưởng tới phong cách viết của tôi. Giờ thì tôi viết những câu ngắn gọn với văn phong tích cực. Vợ chồng tôi cũng điều chỉnh thói quen của mình để hòa hợp với nhau.

“Khi Vỹ Linh và Hiển Dương chào đời 1955 và 1957, Chi đã nuôi dạy các con thành những đứa trẻ ngoan ngoãn, lịch sự, biết quan tâm tới người khác và không bao giờ kiêu căng tự đắc vì mình là con thủ tướng. Công việc của một luật sư giúp bà ấy kiếm đủ tiền để tôi không còn cảm thấy lo lắng về tương lai của các con. Công dưỡng dục của bà đã cho các con một hành trang vững chắc cho cuộc sống tương lai tại một quốc gia đa ngôn ngữ”.

Tôi và bà chưa bao giờ phải tranh cãi về cách nuôi dạy con cái hay về tài chính. Thu nhập và tài sản của chúng tôi đều đứng tên cả hai người. Chúng tôi luôn tin tưởng nhau tuyệt đối.

Trong sự nghiệp chính trị của mình, Chi là người đã giúp tôi soạn thảo Hiến pháp của đảng Nhân dân Hành động (PAP). Trong buổi họp chính thức đầu tiên của đảng vào ngày 4/11/1954, bà đã tập hợp phu nhân các thành viên sáng lập đảng để thêu nút thắt hoa hồng cho những người lên sân khấu.

Bà có biệt tài đọc tính cách người khác. Bà vẫn nhắc tôi phải cẩn trọng với một số người nhất định; và quan sát của bà về những người này thường chính xác.

“Tháng 10/2003 là một cú sốc tinh thần lớn trong cuộc đời tôi khi Chi bị đột quỵ lần đầu lúc chúng tôi đang ở London. Chi mất đi một nửa thị giác, ảnh hưởng tới việc đọc sách. Nhưng bằng nghị lực mà tôi vẫn thường thấy, Chi học cách thích nghi và vẫn có thể công du cùng tôi, vẫn bơi đều đặn mỗi tối và giữ liên lạc với gia đình và bạn bè”.
 

Hai ông bà lúc về già


Bà vẫn giữ thói quen nghe những bản nhạc giao hưởng, những bài ca bất hủ bà sưu tập được. Bà vẫn nói đùa rằng cuộc đời bà có thể được chia làm hai giai đoạn, trước và sau đột quỵ, như trước và sau công nguyên vậy.

Nhưng cơn đột quỵ thứ hai của bà, vào ngày 12/5/2008, nghiêm trọng hơn nhiều. Tôi cố gắng động viên bà, cùng với sự trợ giúp của các y bác sĩ và nhân viên trị liệu xuất sắc. Họ cũng yêu mến bà vì sự quan tâm của bà đối với họ.

Vào cái ngày 24/6/2008 ấy, khi kết quả chụp CT phát hiện bà xuất huyết não. Không còn thuốc men hay phẫu thuật gì có thể cải thiện được tình hình. Các bác sĩ nói với tôi thời gian chỉ còn vài tuần. Ngày 3/7/2008, tôi đã đưa bà ấy về nhà. Thế rồi bà ấy vẫn ở bên tôi thêm 2 năm, 3 tháng; cho tới ngày 2/10/2010.

Hai năm cuối của cuộc đời bà thật khó nhọc. Bà không thể nói được nhưng bà nhận thức được những gì xung quanh. Bà luôn chờ đợi tôi mỗi tối đến bên bà, kể lại cho bà những gì tôi làm trong ngày, đọc những bài thơ bà yêu thích. Cho đến khi bà chìm vào giấc ngủ.

Trước khi ra đi, bà đã chia sẻ với tôi ước nguyện cuối cùng của cuộc đời, bà nhờ tôi dặn các con đặt hộp tro của chúng tôi bên cạnh nhau, cũng như tôi và bà đã ở bên nhau suốt cả đời này vậy.
 

Ông Lý Quang Diệu chào từ biệt người bạn đời Kha Ngọc Chi trong lễ tang bà năm 2010


Chúng tôi đã có 63 năm bên nhau đầy ắp kỷ niệm. “Không còn bà ấy, tôi sẽ là một con người khác, với một cuộc sống khác. Bà đã dành trọn cuộc đời cho tôi, và cho các con. Bà đã ở bên tôi mỗi khi tôi cần. Bà đã sống trọn cuộc đời tràn đầy sự ấm áp và có ý nghĩa”.
 
“Tôi tìm thấy sự an ủi rằng trong suốt 89 năm cuộc đời, bà đã sống vui vẻ. Nhưng ở thời khắc cuối cùng này, trái tim tôi nặng trĩu buồn đau”.
 
>> Các quan chức cấp cao đau buồn bên linh cữu cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu
>> Xe đưa linh cữu ông Lý Quang Diệu về dinh tổng thống
>> Singapore sẽ ra sao sau sự ra đi của Lý Quang Diệu?
>> Bí quyết tuyển dụng nhân tài của Lý Quang Diệu
 
Theo Ngân Giang (VOV.vn)

Nổi bật