Ngày 22/8, Quốc hội Thái Lan bầu ông Srettha Thavisin làm thủ tướng kế nhiệm, kết thúc nhiều tháng bất ổn chính trị kể từ cuộc bầu cử hồi tháng 5. Chính trị gia 61 tuổi, người toát lên vẻ tự tin của một ông trùm kinh doanh dày dạn kinh nghiệm, sẽ lãnh đạo đảng Pheu Thai để thúc đẩy nền kinh tế và thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng thuộc mức tồi tệ nhất thế giới.
“Tôi làm điều này vì tôi muốn cải thiện đất nước và nền kinh tế”, ông Srettha viết mạng xã hội X vài ngày trước cuộc bỏ phiếu. “Tôi muốn nhấn mạnh lại: Kẻ thù của tôi là sự nghèo đói và bất bình đẳng của người dân. Mục tiêu của tôi là sinh kế tốt hơn cho tất cả người dân Thái Lan”, tân Thủ tướng Thái Lan khẳng định.
Tháng 11 năm ngoái, ông Srettha tuyên bố gia nhập Pheu Thai, đảng mới nhất trong những đảng có quan hệ với cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, người bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự năm 2006. Đây là bước đi chính thức đầu tiên của ông Srettha vào chính trường.
Vài giờ trước cuộc bỏ phiếu của Quốc hội ngày 22/8, ông Thaksin trở về Thái Lan sau nhiều năm sống lưu vong và chấp nhận thụ án 8 năm tù về những tội danh mà ông cho là mang động cơ chính trị. Đã có những đồn đoán rằng việc phê chuẩn ông Srettha liên quan đến sự trở về của ông Thaksin và điều đó có thể giúp rút ngắn thời gian ngồi tù của chính trị gia kỳ cựu.
Đầu năm nay, ông Srettha từ chức CEO và chủ tịch tập đoàn gia đình Sansiri, một trong những tên tuổi lớn nhất trong ngành bất động sản Thái Lan, với tài sản trị giá hơn 100 tỷ baht (2,9 tỷ USD). Ông cũng chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của mình, được nói là trị giá hơn 1,2 tỷ baht (35 triệu USD), trong công ty cho con gái.
Ông Srettha, người đã nhận bằng MBA của ĐH Claremont Graduate (Mỹ), dẫn dắt tập đoàn Sansiri thu về mức lợi nhuận kỷ lục hơn 4 tỷ baht (117 triệu USD) trong năm 2022.
Sau khi Pheu Thai xác nhận sẽ đề cử ông làm thủ tướng, ông Srettha và Sansiri đấu tranh với hàng loạt cáo buộc trốn thuế và rửa tiền. Công ty và ông chủ cũ phủ nhận bất kỳ hành vi sai trái nào.
Pheu Thai về thứ hai trong cuộc bầu cử vào tháng 5, nhưng đủ khả năng tập hợp một liên minh gồm 11 đảng, bao gồm 2 đảng thân quân đội có quan hệ với Thủ tướng sắp mãn nhiệm Prayuth Chan-ocha, để nhận đủ số phiếu của Quốc hội giúp ông Srettha được chấp thuận.
Ông Srettha sinh ra trong một gia đình giàu có, vì thế đã có những băn khoăn về khả năng ông có thể kết nối với lực lượng cử tri chính của Pheu Thai ở vùng nông thôn phía bắc tương đối nghèo của đất nước. Sau khi gia nhập đảng, ông đã xuất hiện tại nhiều điểm vận động để thu hút tầng lớp lao động, bao gồm cư dân của cộng đồng ổ chuột lớn nhất Bangkok và nông dân nông thôn.
Ông Srettha trở thành cố vấn cho nhóm kinh tế của Pheu Thai và giúp thúc đẩy các chính sách của đảng, bao gồm kế hoạch tặng 10.000 baht (290 USD) tiền số cho tất cả người Thái từ 16 tuổi trở lên, nhờ đó tạo ra tiếng vang lớn.
Trước khi bắt đầu sự nghiệp chính trị, ông Srettha là người hay lên tiếng phê bình chính phủ sắp mãn nhiệm của ông Prayuth. Ông Srettha là một trong số hàng chục chính trị gia, học giả và nhà hoạt động đối lập bị chính quyền của Thủ tướng Prayuth triệu tập để thẩm vấn ngay sau cuộc đảo chính.
Ông Srettha đã đăng nhiều bài viết lên mạng để cáo buộc chính phủ của Thủ tướng Prayuth xử lý không hiệu quả đại dịch COVID-19. Cùng với việc ủng hộ các cuộc biểu tình của sinh viên đòi cải cách dân chủ năm 2020, ông đã thu hút được một lượng lớn người theo dõi ủng hộ quan điểm của ông.
Trong một cuộc phỏng vấn với Forbes Thái Lan năm ngoái, ông Srettha nói rằng các doanh nghiệp lớn và tỷ phú nên đóng góp nhiều hơn cho xã hội để giảm bất bình đẳng. Ông cho biết ông muốn truyền cảm hứng cho những người trẻ tuổi để làm tăng năng lực cạnh tranh của Thái Lan với các nước khác.
Theo Bình Giang (Tiền Phong)