Ukraine cáo buộc truyền thông Nga tung video giả mạo
Tờ Ukrainska Pravda (Ukraine) đưa tin, kênh truyền hình NTV (trụ sở tại Moscow, Nga) mới đây đã phát sóng một đoạn video trong đó có hình ảnh ông Oleksii Danilov - Thư ký Hội đồng An ninh và Quốc phòng Quốc gia Ukraine khi đưa tin tức về vụ tấn công khủng bố nhằm vào địa điểm mua sắm và thưởng thức âm nhạc Crocus City Hall ở Moscow hôm 22/3.
Pravda cho biết, mục đích của đoạn video này là tìm cách thuyết phục người xem rằng "Ukraine thực sự có liên quan đến vụ tấn công khủng bố". Đoạn video sau đó đã được nhiều người dùng mạng xã hội chia sẻ lại.
Phản ứng trước sự xuất hiện của đoạn video trên, Trung tâm chống thông tin sai lệch (CCD) của Ukraine đã vào cuộc. Kết luận của CCD cho biết, đây là đoạn video được tạo nên bằng cách sử dụng công nghệ deepfake (một kỹ thuật tổng hợp hình ảnh, âm thanh hoặc video để tạo ra những nội dung giả mạo, nhằm gây hiểu nhầm cho người xem).
Hình ảnh gốc được lấy từ bản tin 24/7 được truyền thông Ukraine phát sóng toàn quốc vào ngày 16/3.
Pravda cho hay, trong đoạn video do NTV phát sóng, khuôn mặt của ông Budanov - Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Ukraine - đã được thay thế bằng khuôn mặt của ông Danilov.
CCD cáo buộc Nga đang tìm cách đổ lỗi cho Ukraine về vụ tấn công khủng bố ở Crocus City Hall để cải thiện nỗ lực huy động lực lượng quân sự hiện nay của Moscow.
Trong khi đó, Cơ quan an ninh Liên bang Nga (FSB) cho biết, những kẻ khủng bố tấn công Crocus City Hall ở vùng Moscow đã lên kế hoạch chạy trốn sang Ukraine.
"Những kẻ khủng bố có liên hệ ở Ukraine, chúng đã sử dụng vũ khí được chuẩn bị trước tại nơi ẩn náu" - FSB cho hay.
Trong tuyên bố chính thức đầu tiên sau vụ tấn công khủng bố, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đề cập rằng, những kẻ khủng bố "đã cố gắng lẩn trốn và di chuyển về phía Ukraine" - nơi mà theo dữ liệu sơ bộ từ Nga, một "cánh cửa" đã được chuẩn bị sẵn để cho phép các đối tượng vượt qua biên giới.
Phân tích từ các chuyên gia
Tạp chí Vox (Mỹ) cho rằng, đang có một "cuộc chiến đổ lỗi" trong cuộc tấn công khủng bố vào Crocus City Hall. Có thể phân tích thông tin 2 chiều như sau:
Ukraine đứng sau vụ khủng bố? Theo Vox, tại thời điểm hiện tại, có rất ít bằng chứng cho thấy cuộc tấn công đã được Kiev lên kế hoạch. Nhiều khả năng IS - nhóm khủng bố đã đứng ra nhận trách nhiệm về vụ việc, đồng thời trong quá khứ đã chứng tỏ mình có đầy đủ phương tiện và động cơ để tiến hành các cuộc tấn công như vậy - mới là thủ phạm thực sự.
Tuy nhiên, vẫn có một số lý do khiến nghi vấn bao quanh Ukraine.
Nhà phân tích Joshua Keating trên tờ Vox cho biết, Ukraine chưa từng tiến hành cuộc tấn công nhằm mục tiêu vào dân thường Nga như vụ việc hôm 22/3 và sẽ có nguy cơ mất tất cả sự hỗ trợ của quốc tế nếu làm điều đó.
Song, một số quan chức Kiev, như Giám đốc tình báo Kyrylo Budanov lại tỏ ra khá cởi mở trong việc giúp đỡ các nhóm chiến binh chống Putin ở Nga, như Quân đoàn Tình nguyện Nga và Quân đoàn Tự do Nga.
"Cả 2 nhóm này đều đã tiến hành các cuộc tấn công ở biên giới Nga-Ukraine trong những tuần gần đây. Một số cơ quan truyền thông Nga cũng cho rằng, Quân đoàn tình nguyện Nga có thể đã tham gia vào vụ tấn công Crocus, mặc dù nhóm này đã phủ nhận điều đó" - Vox viết.
Nga dựng "chiến dịch cờ giả" (false flag) để đổ lỗi cho Ukraine? Ukraine và một số nước phương Tây đang cáo buộc chính phủ Nga lợi dụng vụ tấn công khủng bố ở Crocus City Hall để làm leo thang cuộc chiến Nga-Ukraine và phục vụ mục đích tuyên truyền.
"Nếu xác định được thủ phạm là những kẻ khủng bố dưới chế độ Kiev… thì tất cả bọn chúng phải bị truy lùng và hủy diệt không nương tay" - Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Dmitry Mevedev tuyên bố mạnh mẽ.
Tuy nhiên, ông Sam Greene - Giáo sư chính trị Nga tại King College London nhận định: "Việc Điện Kremlin sử dụng cuộc tấn công với mục đích chính trị không đồng nghĩa với việc đó là một chiến dịch cờ giả".
Phản ứng trước cáo buộc của Ukraine rằng Nga mới chính là phía tự dàn dựng vụ tấn công, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã mỉa mai rằng: "Nguyên thủ quốc gia duy nhất 'đủ thông minh' để cáo buộc Nga tấn công khủng bố chỉ có thể là ông Zelensky".
Ông Colin Clarke - chuyên gia phân tích khủng bố tại Trung tâm Soufan (trụ sở tại New York) nhận định, 4 tay súng trực tiếp tham gia vụ khủng bố Crocus City Hall nhiều khả năng "được huấn luyện ở Afghanistan".
"Nếu xem kỹ các video về vụ khủng bố, cách các tay súng nhả đạn, thậm chí khoảng cách giữa họ khi thực hiện tấn công, các vị sẽ thấy rõ rằng họ đã được huấn luyện bài bản.
Những kẻ khủng bố này không đơn thuần là các tay súng địa phương thấm nhuần tư tưởng của IS nên quyết định làm điều gì đó, mà tôi có thể đánh cược rằng họ được huấn luyện ở Afghanistan" - Ông Clarke nói.
Vậy tại sao IS lại nhắm mục tiêu vào Nga? Vox cho rằng, các nhóm Hồi giáo cực đoan như ISIS-K (một nhánh của IS) có mối bất bình lâu dài đối với Moscow kể từ cuộc chiến của Liên Xô tại Afghanistan vào đầu những năm 1980.
Bên cạnh đó là các chiến dịch chống quân nổi dậy do Nga tiến hành ở Chechnya và Bắc Caucasus những năm 1999, 2000, cũng như chiến dịch hỗ trợ của Moscow dành cho chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
ISIS-K từng thực hiện một cuộc tấn công liều chết nhắm vào đại sứ quán Nga ở Kabul vào năm 2022.
Tuy nhiên, bản chất của ISIS-K đã dẫn đến một loạt thuyết âm mưu ra đời. Nhóm này không đứng về phía nào trong cuộc xung đột giữa Nga-phương Tây, trong khi truyền thông của IS lại hoan nghênh cuộc chiến ở Ukraine.
"Khi nói về Iran, Mỹ và Nga, chúng ta luôn nói về sự cạnh tranh giữa các cường quốc, nhưng IS ghét tất cả các quốc gia đó vì những lý do khác nhau" - Ông Clarke nói, đồng thời cho biết, trường hợp của Nga - Ukraine hiện nay cũng tương tự như vụ tấn công ở Iran hồi tháng 1/2024.
"Tehran ban đầu đã đổ lỗi cho Mỹ và Israel về vụ tấn công, bất chấp việc IS đã nhận trách nhiệm và nhóm này đã có lịch sử lâu dài nhắm mục tiêu vào Iran" - Vị chuyên gia cho hay.
Theo Nhật Minh (Đời Sống & Pháp Luật)