Xu hướng phát triển xe tăng thiết giáp tương lai có gì đặc biệt?

02/09/2018 07:29:17

Xe tăng thiết giáp là lực lượng quan trọng giúp bộ binh tăng cường hỏa lực trong tác chiến, do đó đang được nhiều nước đầu tư phát triển bất chấp các nhận định cỗ máy chiến tranh 100 tuổi này đang dẫn lỗi thời.

Hiện nay, môi trường và điều kiện tác chiến của chiến tranh hiện đại đang ngày càng có nhiều biến đổi sâu sắc. Trong đó, xuất hiện ngày càng nhiều nhân tố tác động tới hoạt động tác chiến như: Không gian điều khiển học, kỹ thuật AI (trí tuệ nhân tạo); kỹ thuật điều khiển hỏa lực; kỹ thuật ngụy trang số hóa.... Những điều này đòi hỏi các lực lượng tác chiến phải tiến hành thay đổi, hiện đại hóa, trong đó có lực lượng tăng thiết giáp.

Theo đó, lực lượng tăng thiết giáp đang được các nước phát triển tập trung vào một số kỹ thuật mới gồm: Nâng cao sức mạnh hỏa lực; khả năng phòng hộ; khả năng cơ động; năng lực chỉ huy điều khiển và hệ thống thông tin liên lạc.

Xu hướng phát triển xe tăng thiết giáp tương lai có gì đặc biệt?
 Xe tăng M1A2 với tháp pháo tự động. Ảnh: Army-technology

Nâng cao sức mạnh hỏa lực bằng các modul vũ khí điều khiển từ xa

Ưu điểm của các modun vũ khí điều khiển từ xa đó là do không bố trí sâu trong thâm xe nên không gian bên trong thân xe rộng và chở được nhiều binh lính hơn. Bên cạnh đó, do được trang bị nhiều thiết bị cảm biến nhận biết tình hình chiến trường nên người lính điều khiển có thể làm chủ mọi tình huống và chỉ thị mục tiêu chính xác hơn.

Điển hình của các trạm modul vũ khí điều khiển từ xa được lắp trên xe tăng thiết giáp đó là RWS Protector M151 của hãng Kongsberg lắp trên xe APC M-1126 Stryker và MBT M1A2 Abrams của Mỹ.

Trong khi đó Quân đội Đức đã lắp đặt hệ thống RWS cho xem IFV Puma với pháo tự động 30mm MK 30-2 có khả năng bắn đạn nổ trên không.

Xu hướng phát triển xe tăng thiết giáp tương lai có gì đặc biệt? - 1
 Hệ thống phóng tên lửa chống tăng Kornet-EM. Ảnh: Wikipedia

Đối với Quân đội Nga, họ cũng đã trang bị các modul vũ khí RWS trên xe chiến đấu chủ lực MBT, IFV và APC thế hệ mới. Những modun vũ khí này thường sử dụng pháo tự động 30mm, một súng máy tự động 7,62mm bố trí bên trái và mỗi bên tháp pháo bố trí 2 hệ thống phóng tên lửa chống tăng Kornet-EM.

Nâng cao sức mạnh phòng hộ bằng các loại giáp phản ứng nổ kiểu mới và hệ thống phòng hộ chủ động

Một số loại xe tăng thiết giáp thế hệ mới hiện nay đã được trang bị các kiểu giáp phòng hộ mới như: hệ thống giáp modul có thể mở rộng MEXAS; hệ thống giáp modul tiến tiến AMAP. Những loại giáp này có kết cấu mở kết hợp với kỹ thuật phòng hộ mới qua đó giúp xe tăng thiết giáp đạt được độ phòng hộ cao nhất trong chiến đấu.

Ngoài ra, việc đưa vào trang bị các hệ thống phòng vệ chủ động hiện đại cũng đã giúp xe tăng thiết giáp nâng cao năng lực sống còn trên chiến trường. Các hệ thống phòng hộ chủ động nổi tiếng nhất hiện nay phải kể đến đó là: Hệ thống gây nhiễu quang điện Shtora-1 trang bị trên xe tăng T-90 của Nga; Hệ thống Trophy của Irael; Hệ thống Iron First của Hà Lan; Hệ thống APS GL-5 của Trung Quốc.

Đặc điểm chung của các hệ thống này đó là khả năng gây nhiễu hệ thống tìm diệt mục tiêu từ tên lửa chống tăng của đối phương sau đó sẽ tự động phóng tên lửa đánh chặn tầm gần để tiêu diệt hỏa lực của đối phương trong quá trình bay tới mục tiêu. 

Xu hướng phát triển xe tăng thiết giáp tương lai có gì đặc biệt? - 2
Xe chiến đấu bộ binh Puma của Quân đội Đức. Ảnh: Reddit 

Nâng cao khả năng cơ động bằng cách tăng công suất động cơ và phát triển hệ thống treo

Xu hướng hiện nay đó là các nước đẩy mạnh phát triển các gói thiết bị động cơ mới, với công suất và mô men xoắn tiếp tục tăng lên. Điều này giúp xe tăng thiết giáp có khả năng cơ động linh hoạt và dự trữ hành trình dài hơn qua đó nâng cao năng lực tác chiến. Theo đó, các xe chiến đấu bộ binh đa dụng Stryker đang được tập đoàn General Dynamics Land Systems phát triển động cơ công suất lớn với bánh xe lớn hơn, cơ cấu chuyển động điện nhiều hơn. Trong khi đó, Đức đang tiến hành nâng cấp động cơ cho các xe chiến đấu bộ binh Puma với động cơ MTU V10 892 có công suất lên tới 1.073 mã lực.

Bên cạnh đó, hệ thống treo của xe tăng thiết giáp cũng được đẩy mạnh nghiên cứu giúp xe có thể cơ động trên nhiều loại địa hình khác nhau mà vẫn giữ được sự ổn định và cảm giác thoải mái cho kíp lái. Các hệ thống treo kiểu mới giúp xe ổn định đường ngắm trong quá trình theo bám mục tiêu từ đó bảo đảm độ chính xác khi khai hỏa.

Nâng cao năng lực chỉ huy và hệ thống thông tin liên lạc

Hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của kỹ thuật điện tử và thông tin liên lạc cho phép các loại xe tăng thiết giáp có thể chia sẻ dữ liệu nhiều hơn, nhanh hơn theo thời gian thực với nhiều kiểu khác nhau như: tín hiệu thoại, hình ảnh, dữ liệu. Các kênh liên lạc có thể được chia sẻ theo kiểu cùng cấp trong tác chiến hoặc với sở chỉ huy tác chiến.

Xu hướng phát triển xe tăng thiết giáp tương lai có gì đặc biệt? - 3
 Hệ thống vũ khí điều khiển từ xa Protector M151. Ảnh: Cgtrader

Phương thức liên lạc và chỉ huy điều khiển cũng ngày càng đa dạng hơn gồm: liên lạc số hóa; liên lạc vệ tinh; liên lạc tín hiệu điện thoại.... Các phương thức này được kết nối theo một mạng lưới nhất định giúp mọi thành viên trên kíp xe và người chỉ huy từ xa đều có thể nhận biết tình hình chiến trường cùng lúc và toàn diện hơn, từ đó nâng cao năng lực chiến đấu và khả năng hiệp đồng tác chiến liên quân chủng.

Theo Lam Ngọc (Kienthuc.net.vn)