Ở quốc gia nào cũng vậy, tổng thống đương nhiệm bị phế truất luôn là chuyện kinh thiên động địa, chuyện hiện tại nhưng có tác động rất mạnh mẽ tới tương lai, vừa là cú sốc lịch sử vừa là cơ hội cho sự khởi đầu của một chương sử mới.
Bà Park Gyun-hye. |
Việc tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye bị phế truất lại còn hơn cả thế. Toà án hiến pháp nước này đã chấp thuận quyết định của quốc hội phế truất bà Park Geun-hye làm cho nữ tổng thống đầu tiên của xứ Hàn cũng đồng thời là tổng thống đầu tiên bị phế truất. Bà Park còn là con gái của cố Tổng thống Park Chung-hee người vừa bị lên án, nhưng cũng lại được ca ngợi và ghi nhận về đóng góp làm nên "Điều kỳ diệu ở Sông Hàn" - ám chỉ sự phát triển và hiện đại hoá đầy ấn tượng ở nơi này. Gần ba thập kỷ kể từ khi nền dân chủ được thiết lập, việc phế truất bà Park Geun-hye là bằng chứng về sự trưởng thành vững chắc của nền dân chủ ở Hàn Quốc.
Trong bi kịch cá nhân của bà Park Geun-hye và cuộc khủng hoảng quyền lực nhà nước, chính trị và xã hội dai dẳng bấy lâu nay ở Hàn Quốc có được sau khi bà Park Geun-hye bị phế truất cơ hội cho sự khởi đầu mới về mọi phương diện đối với xứ Hàn.
Câu hỏi vì sao bà Park Geun-hye lại để mọi chuyện diễn biến đến như thế hiện giờ không quan trọng và đáng được quan tâm bằng câu hỏi đất nước này rồi sẽ đi về đâu? Khi lên cầm quyền cách đây bốn năm, bà Park Geun-hye có được đồng thời tất cả thiên thời, địa lợi và nhân hoà. Tổng thống mới của Hàn Quốc được bầu ra trong 60 ngày tới lại không có được tất cả. Đảng của bà Park Geun-hye đang rã đám và không có được ứng cử viên tổng thống nào sáng giá. Nhiều khả năng tổng thống mới của Hàn Quốc sẽ là người thuộc phe đối lập hiện tại và chính trường Hàn Quốc sẽ nghiêng hẳn về phía cánh tả. Như thế đồng nghĩa với việc đất nước này sẽ chuyển biến rất sâu sắc cả về đối nội lẫn đối ngoại.
Tất cả phụ thuộc vào người mới trên cương vị đứng đầu nhà nước có khả năng nhanh chóng ổn định tình hình chính trị an ninh và xã hội ở trong nước hay không và xử lý ổn thoả những vấn đề đối ngoại và an ninh khu vực. Chính trường và nội bộ xã hội bị phân hoá sâu sắc như thế cần được ổn định bền vững và thống nhất thật sự nhanh chóng như có thể được, cuộc chiến chống tham nhũng và lạm quyền cần phải được kiên định tiếp tục và triệt để, dân chủ và minh bạch trong cả chính trị lẫn kinh tế, trong nhà nước pháp quyền và các mối quan hệ xã hội cần được thực hiện. Thật ra, người mới nếu muốn dẫn dắt xứ này ra khỏi thảm trạng chính trị và xã hội hiện tại chỉ cần rút ra những bài học cần thiết từ thất bại của bà Park Geun-hye và thực hiện những cam kết tranh cử khi nào của bà tổng thống này. Nhờ những cam kết tranh cử ấy mà bà Park Geun-hye đã đắc cử tổng thống Hàn Quốc với tỷ lệ phiếu bầu cao hơn kết quả bầu cử của tất cả những người tiền nhiệm. Câu hỏi chỉ là người mới này có sẵn sàng và có đủ khả năng để làm những việc ấy hay không thôi.
Xứ Hàn sẽ đi về đâu cũng còn phụ thuộc vào người mới xử lý như thế nào những thách thức và thử thách hiện tại về đối ngoại và an ninh liên quan trước hết đến Triều Tiên, Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ. Người mới có thể sẽ không cứng rắn với Triều Tiên như bà Park Geun-hye nhưng quan hệ của Hàn Quốc với Triều Tiên đã trở nên phức tạp và nhạy cảm hơn trước rất nhiều bởi chính quyền mới ở Mỹ đã tận dụng tình hình chính trị nội bộ hiện tại ở Hàn Quốc để triển khai luôn hệ thống phòng thủ tên lửa giai đoạn cuối (Thaad) trên lãnh thổ Hàn Quốc và Trung Quốc tiến hành trừng phạt thương mại Hàn Quốc vì đã để cho Mỹ làm vậy hoặc đã cùng với Mỹ làm vậy.
Người mới có thể sẽ găng hơn bà Park Geun-hye trong quan hệ với Nhật Bản về những mắc mớ giữa hai nước liên quan đến quá khứ lịch sử chung. Người mới cũng rất có thể sẽ độc lập hơn với Mỹ và uyển chuyển hơn với Trung Quốc. Nếu như thế thì cục diện quan hệ và chính trị an ninh ở khu vực Đông Bắc Á sẽ thay đổi rất cơ bản và môi trường chính trị an ninh đối ngoại của Hàn Quốc cũng vậy. Chỉ có điều là những việc này không dễ khả thi và không biết người mới có đủ khả năng và bản lĩnh để vận hành mọi chuyện hay không thôi.
Theo Lư Phổ Ân (Dân Việt)