Xe tăng Việt Nam bắn xuyên táo, diệt cùng lúc 2 thiết giáp M113!

22/04/2016 14:09:54

Gần trưa 30/04/1975, khi vượt qua cầu Thị Nghè phát hiện 2 xe thiết giáp M113 cách đó khoảng 300 mét. Tôi đã bắn 1 phát đạn xuyên cháy cả 2 xe!.

Gần trưa 30/04/1975, khi vượt qua cầu Thị Nghè phát hiện 2 xe thiết giáp M113 cách đó khoảng 300 mét. Tôi đã bắn 1 phát đạn xuyên cháy cả 2 xe!.

Đó là lời kể trong câu chuyện của mình của Ngô Sỹ Nguyên - pháo thủ xe tăng 390 (chiếc xe húc đổ công Dinh Độc Lập trưa 30/04 cách đây 41 năm. Nhiều người không tin đó là sự thật, song cả về lý thuyết lẫn thực tiễn, điều đó hoàn toàn có thể xảy ra!
 

Thiết giáp M113 bị phá hủy. Ảnh minh họa.


Bạn biết gì về đạn xuyên trên xe tăng

Trong cơ số đạn trên xe tăng T-54, T-59 thường có các loại đạn xuyên sau: Đạn xuyên đầu nhọn, đạn xuyên đầu tù có chóp xuyên và chóp gió, đạn xuyên dưới cỡ, đạn xuyên lõm.

Tuy nhiên, trong chiến dịch Hồ Chí Minh tháng Tư năm 1975 thì đạn xuyên trên các xe T-54, T-59 - mà cụ thể là của xe tăng T- 59 số hiệu 390 của Đại đội xe tăng 4, Lữ đoàn 203 chỉ có 2 loại:

- Đạn xuyên đầu nhọn (ký hiệu BR-412)

- Đạn xuyên đầu tù có chóp xuyên và chóp gió (ký hiệu BR-412 B,D).
 

Đạn xuyên pháo tăng: 1- Chóp xuyên; 2- Đầu đạn; 3- Thuốc nổ; 4- Ngòi nổ đáy; 5- Đai đạn và đai định tâm.


Đây là loại đạn dùng động năng để xuyên vào mục tiêu, khả năng xuyên của nó ở 1000 m vào khoảng 150 mm thép. Đầu đạn này được chế tạo bằng thép hợp kim chất lượng cao để đủ sức xuyên qua chiều dày thép nói trên.

Bên trong đầu đạn có nhồi một lượng thuốc nổ mạnh ở phía đuôi (để không ảnh hưởng đến độ bền của đầu đạn), còn ở đáy đầu đạn có lắp một ngòi nổ chậm loại MĐ-8.

Khi viên đạn chạm mục tiêu, ngòi này sẽ kích nổ khối thuốc với thời gian nổ chậm khoảng 0,01 đến 0,03 giây nhằm mục đích khi đầu đạn đã xuyên vào mục tiêu rồi mới nổ, dùng sóng nổ, nhiệt độ, mảnh vỡ v.v... tiêu diệt sinh lực, phá hủy đạn, phương tiện sau vỏ giáp.
 

Xe tăng 390 trưng bày ở Bảo tàng Tăng - Thiết giáp.


Vỏ xe M113 cứng đến mức nào?

Thiết giáp chở quân M-113, hay còn gọi là thiết vận xa M-113, một trong những loại xe bọc thép chở quân (Armored Personel Carrier - APC) phổ biến nhất trong lịch sử chiến tranh hiện đại do Mỹ chế tạo từ thập niên 50 thế kỷ XX.

Để giảm trọng lượng cho xe mà vẫn đảm bảo tính liên kết giữa các phần, đồng thời có không gian bên trong rộng rãi... vỏ giáp của M113 được làm bằng hợp kim nhôm.

Độ dày của lớp vỏ nhôm này từ 12 đến 38 mm tùy theo vị trí với mục đích chính là để bảo vệ an toàn cho bộ binh và các thành viên trong xe trước các loại đạn súng bộ binh cỡ nhỏ và mảnh đạn.

Để tăng cường khả năng bảo vệ, một số xe có gia cố thêm các tấm chống đạn ở phía trước, tấm chống mìn ở đáy xe... Tuy nhiên, về tổng thể thì có thể nói rằng xe M113 có vỏ giáp vào loại yếu.

Các thí nghiệm thực tế đã chứng tỏ: để có cùng mức độ bảo vệ (với thép), thì giáp nhôm phải nặng tương đương và dày gấp 3 lần giáp thép. Như vậy, độ dày của vỏ giáp M113 chỉ tương đương từ 4 đến 10 mm thép.

Thực tế chiến trường miền Nam Việt Nam cũng cho thấy vỏ giáp của M113 có thể chịu được đầu đạn súng bộ binh 7,62 mm như AK, CKC nhưng dễ dàng bị bắn thủng bởi súng 12,7 mm từ khoảng cách vài trăm mét.

Với độ cứng vững như vậy, vỏ giáp xe M113 sẽ không nghĩa lý gì đối với các loại đạn xuyên của pháo trên xe tăng.
 

Xe tăng và thiết giáp M113 của Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam.


Xuyên táo diệt 2 xe M113 cùng lúc - Hoàn toàn có thể!

Xem xét lại tình huống xe 390 gặp 2 xe thiết giáp M113 trên đường phố ta thấy cự ly từ xe tăng đến mục tiêu rất gần- dưới 300 mét.

Còn khoảng cách giữa 2 xe M113 cũng rất gần nhau, chỉ khoảng 30 mét- theo lời kể của pháo thủ Ngô Sỹ Nguyên và lái xe Nguyễn Văn Tập.

Chúng ta hãy xem điều gì có thể xảy ra khi pháo thủ xe 390 bắn 1 phát đạn xuyên vào 1 trong 2 xe M113- tất nhiên là chiếc gần nhất.

Với sơ tốc của đạn xuyên là 900 m/s thì chỉ cần khoảng 0,3 giây đầu đạn sẽ chạm mục tiêu. Ở cự ly đó, vận tốc đầu đạn gần như còn nguyên như khi rời khỏi miệng nòng.

Khi chạm mục tiêu - do vỏ giáp M113 chỉ tương đương 10 mm thép nên đầu đạn dễ dàng xuyên qua và cũng chỉ bị giảm tốc không đáng kể.
 

Nếu triển khai đội hình như này, xe tăng T-54/59 hoàn toàn có thể bắn xuyên táo cùng lúc 2 chiếc M113.


Vào lúc đầu đạn chạm vỏ giáp, ngòi nổ MĐ8 sẽ bị kích hoạt. Song vì đây là ngòi nổ chậm và chỉ phát nổ sau một khoảng thời gian nhất định nên trong thời gian đó đầu đạn vẫn bay được từ vài chục mét với vận tốc khoảng 800- 850 m/s.

Vì vậy, đầu đạn sẽ tiếp tục xuyên qua lớp giáp thứ hai của xe thứ nhất mà vẫn chưa nổ. Nếu lúc đó, gặp xe thứ hai đầu đạn vẫn còn đủ khả năng xuyên phá.

Vì vậy, có thể khẳng định: khi bắn ở cự ly gần, đạn xuyên pháo tăng cỡ 100 mm hoàn toàn có thể “xuyên táo” được xe thiết giáp M113 nếu khoảng cách 2 mục tiêu này nằm trong khoảng vài chục mét và thẳng hướng bay của đầu đạn.

Theo mô tả của các thành viên kíp xe tăng 390 thì 2 xe M113 này rất gần nhau nên câu chuyện pháo thủ Ngô Sỹ Nguyên bắn 1 phát đạn diệt liền 2 xe hoàn toàn có thể xảy ra!
 
Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt
 
Nguyên Trưởng ban KH-CN-MT Trường Sĩ quan Tăng Thiết giáp, nguyên chiến sĩ lái xe tăng số 380 thuộc Đại đội 4, Lữ đoàn 203, cùng đơn vị với các xe tăng 390 và 843 húc đổ cổng Dinh Độc Lập trưa 30-04-1975. Tác phẩm: Bão thép (4 tập), Bút ký lính tăng: Hành trình đến Dinh Độc Lập, 1 chọi 10 - Trận đấu tăng bị tráng...
 
>> Việt Nam sẽ nâng cấp xe tăng M48 để mang tên lửa Spike NLOS?
>> Việt Nam có thể mua "xe tăng T-90" với giá rẻ bất ngờ
 
Theo Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt (Thế Giới Trẻ/Infonet.vn)

Nổi bật