Rostec cho biết, hệ thống vũ khí điều khiển từ xa (RWS - Remote Weapon Station) trên các dòng xe thiết giáp chiến đấu thường được trang bị nhiều loại hỏa lực khác nhau như: Súng máy 7,62mm; 12,7mm; pháo 30mm; súng phóng lựu tự động 40mm.
Một số nước còn trang bị cả pháo hạng nặng, pháo phản lực phóng loạt, vũ khí chống tăng dẫn đường cho hệ thống chiến đấu tối tân này.
Hỏa lực chính được trang bị trên các hệ thống vũ khí điều khiển từ xa thường các loại vũ khí bộ binh phù hợp với cận chiến, được tích hợp với các tổ hợp kính ngắm nhiệt/kính ngắm ban ngày, thiết bị đo khoảng cách bằng laser, cho phép tác chiến được với mọi mục tiêu, trong mọi điều kiện thời tiết.
Ngoài ra, việc được lắp đặt các thiết bị bám bắt mục tiêu tự động giúp giảm bớt thao tác thừa cho pháo thủ cũng giúp các hệ thống RWS thân thiện hơn với kíp chiến đấu trên các dòng phương tiện bọc thép.
Do các bệ vũ khí điều khiển từ xa được thiết kế đặt bên ngoài thân xe, nên chúng cũng tiết kiệm không gian đáng kể trong xe, lợi thế này cho phép các phương tiện chiến đấu bọc thép hiện đại có thể chuyên chở nhiều quân hơn so với một số mẫu phương tiện chiến đấu thông thường.
Các hệ thống RWS còn giúp giảm thiểu tối đa thương vong cho kíp chiến đấu trên các phương tiện bọc thép, khi binh sĩ điều khiển các tổ hợp vũ khí này bán tự động hoặc tự động hoàn toàn ngay bên trong phương tiện thay vì phải đưa thân ra ngoài xe.
Được biết, module chiến đấu AU-220M của Nga hiện nay được coi là vũ khí điều khiển từ xa cực mạnh có thể ứng dụng trên nhiều dòng xe chiến đấu khác nhau.
Theo ông Sergey Rusakov, đại diện của Tập đoàn Rostec cho biết, AU-220M Baikal với vũ khí chính là pháo 57mm có thể dễ dàng trang bị cho xe thế hệ cũ PT-76 được sản xuất từ những năm 1950 mà Việt Nam đang sử dụng số lượng lớn trong lực lượng tăng thiết giáp Lục quân và Hải quân.
Để tích hợp thành công module chiến đấu tối tân này lên dòng xe thế hệ cũ chỉ cần thực hiện một vài thay đổi nhỏ. Việt Nam là một trong những nước đầu tiên nhận được PT-76, nhưng chỉ sử dụng chúng trong thực chiến 8 năm sau khi nhận vào trang bị. Hỏa lực chính của PT-76 gồm pháo 76,2 mm, súng máy đồng trục 7,62 mm.
Có thể tăng cường súng phòng không 12,7 mm. Ở Việt Nam, xe tăng PT-76 đã tham gia nhiều chiến dịch như chiến dịch đường 9 Nam Lào, chiến dịch An Lộc và hiệp đồng binh chủng trong nhiều chiến dịch lớn... Theo các đánh giá khác nhau, trong quân đội Việt Nam có gần 300 xe tăng bơi này.
Hiện tại quân đội Việt Nam cũng đã có những nâng cấp cho xe tăng lội nước PT-76 như thay thế hệ thống súng máy, nâng cấp động cơ, hệ thống giáp của xe tăng. Tuy nhiên, nếu được nâng cấp với module chiến đấu AU-220M, những cỗ xe được sản xuất dưới thời Liên xô này có thể trở thành phương tiện chiến đấu tối tân như vũ khí đến từ tương lai.
Theo Ngọc Hòa (Đất Việt)