Nạn nhân người Việt trong bệnh viện Ai Cập sau vụ đánh bom
"Những hình ảnh sau vụ nổ cho thấy đây là thiết bị nổ tự chế (IED) dạng mìn định hướng (claymore), chứa nhiều mảnh văng", nhà phân tích an ninh Oded Berkowitz hôm nay viết trên mạng xã hội Twitter, đề cập tới vụ đánh bom nhằm vào xe chở du khách Việt Nam gần thủ đô Cairo của Ai Cập.
Chiếc xe chở 16 người, trong đó có 14 du khách Việt Nam, gặp nạn chiều tối ngày 28/12 trên đường Mariyutiya ở quận Al-Haram, tỉnh Giza khi một thiết bị nổ tự chế cài ở bức tường ven đường phát nổ, tạo sức ép và mảnh văng khiến xe buýt bị biến dạng, cửa kính vỡ nát. Ba du khách người Việt và một hướng dẫn viên người Ai Cập thiệt mạng.
Hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy bức tường ven đường, nơi Bộ Nội vụ Ai Cập cho biết là vị trí gài thiết bị nổ, bị thủng một lỗ lớn. Chiếc xe buýt gặp nạn khi đang chạy cách bức tường này khoảng 5-6 mét, chứng tỏ sức ép và mảnh văng từ thiết bị nổ là rất lớn.
Theo Berkowitz, thiết bị nổ tự chế dạng mìn định hướng đã được những kẻ khủng bố sử dụng nhiều lần để gây tội ác tại Ai Cập trong nhiều năm qua và nhóm duy nhất thường sử dụng phương thức tấn công này là Phong trào Hasm.
Chuyên gia này cho hay khi được nhồi thêm bi thép hay đinh sắt, thiết bị nổ dạng này sẽ tạo ra vụ nổ định hướng trong vòng cung 60 độ phía trước, bắn ra những mảnh văng nhỏ với tốc độ trên 4.320 km/h, đủ sức xuyên thủng thân xe buýt ở khoảng cách xa. Nó có thể gây chết người trong bán kính 50 m, làm bị thương những người ở cách xa tới 250 m.
Phong trào Hasm từng dùng IED dạng claymore để tấn công một xe cảnh sát ở quận Maadi, phía nam Cairo ngày 18/6/2017. Vụ nổ khiến hai sĩ quan cảnh sát thiệt mạng, 4 binh sĩ nghĩa vụ cũng bị thương nặng.
Ngày 24/3/2018, một khối IED phát nổ bên cạnh đoàn xe của tướng Mostafa al-Nemr, người đứng đầu lực lượng an ninh thành phố Alexandria. Cuộc tấn công làm hai người thiệt mạng và 4 người bị thương, nhưng tướng al-Nemr vẫn an toàn. Không có nhóm phiến quân nào đứng ra nhận trách nhiệm, nhưng giới chức Ai Cập cáo buộc tổ chức Anh em Hồi giáo, trong đó gồm Phong trào Hasm, đứng sau vụ đánh bom này.
Phong trào Hasm xuất hiện từ năm 2015, là nhóm phiến quân Hồi giáo từng thực hiện nhiều vụ tấn công khủng bố ở Ai Cập vào năm 2016. Tổ chức này bị Mỹ xếp vào danh sách các nhóm khủng bố toàn cầu vào ngày 31/1/2018.
Theo Vũ Anh (VnExpress.net)