Ca nhiễm biến thể AY4.2 đầu tiên được ghi nhận ở Israel tuần trước là một trẻ em nhập cảnh từ Moldova.
Hôm 23/10, Channel 13 dẫn nguồn tin Bộ Y tế Israel cho biết điều tra ban đầu cho thấy AY4.2 lây nhiễm nhanh hơn Delta khoảng 15%. Tuy vậy, biến thể này dường như không gây chết người nhiều hơn và cũng không thể né tránh vaccine. Biến thể Delta vốn được cho là dễ lây lan hơn virus corona ban đầu.
Bộ Y tế Israel cho biết tới nay mới chỉ phát hiện 6 ca nhiễm AY4.2 nhập cảnh từ nước ngoài, hiện biến thể này chưa lây lan rộng ở địa phương. Do đó, giới chức nước này cho rằng chưa cần phải áp đặt các biện pháp đặc biệt để đối phó với biến thể này.
AY4.2 lần đầu được giới khoa học Anh xác định hồi tháng trước. Do đây vẫn chưa được coi là biến thể gây lo ngại, nó vẫn chưa được đặt tên chữ cái Hy Lạp.
Tuy vậy, giới khoa học đang giám sát chặt chẽ để tìm hiểu xem liệu biến thể này có lây nhiễm nhanh hơn hay gây chết người dễ hơn không. Trong một báo cáo gần đây, giới chức Anh cho biết khoảng 6% tổng số ca Covid-19 được phân tích ở nước này nhiễm biến thể AY4.2, và biến thể này nhìn chung "đang lây lan nhanh".
AY4.2 có hai đột biến ở gai protein, giúp virus xâm nhập tế bào cơ thể người. Những đột biến này đã từng được phát hiện ở các biến thể khác của SARS-CoV-2 từ khi đại dịch bùng phát, tuy vậy không gây ra lo ngại đáng kể nào.
Delta hiện là "biến thể phổ biến nhất xét về sự lây lan toàn cầu", theo Maria Van Kerkhove, chuyên gia cấp cao của WHO.
"Delta rất phổ biến, nhưng nó cũng đang tiến hóa," bà Van Kerkhove cho biết thêm, lưu ý rằng virus càng lây lan rộng thì càng có nhiều cơ hội đột biến.
WHO hiện đang theo dõi 20 biến thể khác nhau của Delta. AY4.2 là biến thể được chú ý, "bởi chúng ta cần liên tục theo dõi virus này thay đổi như thế nào," Van Kerkhove nói thêm.
Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)