Một điều tra của hãng tin AP cho thấy số tiền mà Tổ chức y tế thế giới (WHO) chi trả cho phòng ở, vé máy bay còn nhiều hơn dành cho phòng chống HIV/AIDS.
Cựu Tổng giám đốc WHO Margaret Chan phát biểu tại một cuộc họp của ủy ban khẩn cấp về Ebola ở Geneva (Thụy Sĩ) - Ảnh: Reuters |
Tiến sĩ Margaret Chan, khi còn là tổng giám đốc WHO, đã đến Guinea hồi đầu tháng này trong chuyến gặp gỡ Tổng thống Guinea và chào mừng loại vắc-xin chống virut Ebola đầu tiên trên thế giới.
Hãng tin AP cho biết rằng sau khi ca ngợi những người làm công tác y tế, bà Chan trở về khách sạn bên bờ biển Palm Camayenne trong căn phòng sang trọng, lót đá cẩm thạch trong phòng tấm và phòng ăn 8 người, tổng cộng có giá mỗi đêm là 900 euro (gần 23 triệu đồng).
Thông tin này lọt ra và khiến một số người bảo nhau rằng chốn nghỉ ngơi xa xỉ ấy giống như một thông điệp sai gửi tới phần còn lại của 7.000 nhân viên đang làm cho WHO.
Mỗi năm tốn phí 200 triệu USD
Theo số liệu AP dẫn ra, mỗi năm WHO chi chừng 200 triệu USD vào khoản di chuyển, ngủ nghỉ, tức hơn cả số tiền cơ quan trực thuộc Liên Hiệp Quốc này phân bổ cho các vấn đề y tế gai góc nhất như HIV, bệnh lao và sốt rét.
Năm 2016, WHO dùng khoảng 71 triệu USD cho HIV và viêm gan, 61 triệu USD cho bệnh sốt rét, 59 triệu USD để ngăn chặn bệnh lao. Đối với các chương trình được tài trợ đặc biệt thì WHO dành nhiều tiền hơn, khoảng 450 triệu USD để đối phó với bệnh bại liệt mỗi năm.
Sau khi thông tin về chuyện ăn ở xa xỉ của bà Chan rò rỉ, WHO từ chối bình luận về việc họ có chi trả cho việc này hay không, nhưng lưu ý rằng đôi khi quốc gia tiếp đón bà Chan cũng tự chuẩn bị phòng nghỉ cho bà.
Là một tổ chức vì sức khỏe toàn cầu, WHO gặp khó khăn trong việc vận động tài trợ cho các chương trình y tế của họ khắp thế giới. Vấn đề chi phí đi lại đã là một khoản bị soi kỹ lưỡng, cố gắng hạn chế tối đa.
Một số quan chức cấp cao của WHO có phàn nàn trong nội bộ rằng nhân viên Liên Hiệp Quốc đã vi phạm các quy tắc mới ban hành về việc hạn chế chi phí di chuyển cũng như các chi phí phát sinh không đáng có như đặt vé máy bay và khách sạn hạng sang.
Trong một đoạn video AP tiếp cận được, thời điểm tháng 9-2015, giám đốc tài chính Nick Jeffreys của WHO từng nói: “Chúng tôi không tin rằng mọi người làm đúng trách nhiệm khi nhắc tới câu chuyện về đi lại”.
Giám đốc điều hành văn phòng của bà Chan, ông Ian Smith kể lại rằng chủ tịch Ủy ban phụ trách kiểm toán của WHO tuyên bố cơ quan này thường không mấy nỗ lực trong việc kiểm soát hành vi sai trái. Ông Smith nói: “Xét theo tư cách một tổ chức, chúng ta thường hành xử như thể luật lệ đưa ra là để vi phạm vậy”.
Từng có cảnh báo nội bộ
Một điểm nữa để thấy vấn đề chi phí di chuyển đang gây nhức nhối ở WHO là đầu năm ngoái, một biên bản ghi nhớ đã được gửi tới bà Chan cũng như các quan chức cấp cao khác với tiêu đề in hoa ghi: “Các hành động trong vấn đề chi phí di chuyển”.
Biên bản này này phản ánh việc tuân thủ quy định về việc đặt phòng trước khi di chuyển (để có được giá rẻ) đang rất thấp, và chỉ ra rằng WHO đang chịu áp lực từ các nước thành viên trong việc tiết kiệm tiền. Biên bản kết luận việc di chuyển tất nhiên luôn cần thiết, nhưng dưới tư cách một tổ chức, “chúng ta phải thể hiện rằng chúng ta nghiêm túc trong việc kiểm soát điều này một cách phù hợp”.
Trả lời chất vấn của hãng tin AP, phía WHO giải thích rằng “bản chất công việc của WHO thường đòi hỏi nhân viên phải di chuyển”, và chi phí di chuyển đã giảm 14% năm ngoái, so với cùng kỳ năm trước đó bất chấp phải đối diện với dịch Ebola.
Từ năm 2013, WHO đã chi ra 804 triệu USD dành cho việc di chuyển. Ngân sách ước tính của cơ quan này mỗi năm là 2 tỉ USD, từ phần đóng góp của 194 quốc gia thành viên, trong đó Mỹ là nước đóng góp nhiều nhất.
Nhắc đến đây, nhiều người sẽ nhớ lại dòng Tweet của Tổng thống Donald Trump khi vừa đắc cử hồi năm ngoái: “Liên Hiệp Quốc có khả năng vĩ đại, nhưng đã trở thành một câu lạc bộ để mọi người tụ họp, trò chuyện, vui vẻ. Thật đáng buồn!”.
Dùng trực thăng thay vì đi đường bộ
Trong cuộc khủng hoảng dịch Ebola, WHO tiêu tốn 234 triệu USD cho việc đi lại. Theo cơ quan này, gần 60% các chi phí đi lại của họ chi cho chuyên gia nước ngoài và đại diện các nước thành viên dự họp.
Tuy vậy cũng xuất hiện nhiều thông tin nói về chuyện các chuyên gia, bác sĩ được di chuyển đôi khi bằng trực thăng tới các cơ sở y tế, mặc dù họ có thể đi bằng đường bộ.
Bà tổng giám đốc Chan từng xài hết 370.000 USD cho việc di chuyển trong năm ngoái, theo tài liệu 25 trang về chi phí của WHO và bà Chan xếp thứ hai trong tốp 50 người được WHO chi trả nhiều nhất. Có ba nguồn tin giấu tên nói với hãng tin AP rằng bà Chan thường đi vé máy bay hạng thương gia.
Để so sánh, một số tổ chức cứu trợ quốc tế khác như “Thầy thuốc không biên giới” đã cấm nhân viên, kể cả lãnh đạo tổ chức này, đi vé máy bay hạng sang.
“Thầy thuốc không biên giới” có 37.000 nhân viên tình nguyện, so với 7.000 nhân viên của WHO. Tuy nhiên, tổ chức nhân đạo này chỉ dùng 43 triệu USD vào chuyện đi lại mỗi năm.
Theo Nhật Đăng (Tuổi Trẻ)