"Tìm hiểu nguồn gốc đại dịch mất càng nhiều thời gian, câu hỏi sẽ càng trở nên khó trả lời, và thế giới sẽ trở nên thiếu an toàn," bà Van Kerkhove viết trên tuần san Science hôm 06/04. Tìm hiểu đại dịch đã xuất hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc hồi tháng 12/2019 như thế nào sẽ giúp phòng tránh các đợt bùng phát trong tương lai, bà Van Kerkhove cho biết thêm.
Đầu năm 2023, WHO có thể tiếp cận dữ liệu mà các nhà khoa học Trung Quốc đã thu thập từ đầu năm 2020 tại Chợ Hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán, một trong những tâm dịch Covid-19 đầu tiên. Trình tự bộ gen thô từ các mẫu bệnh phẩm đã được tải lên trang web chia sẻ dữ liệu GISAID và sau đó bị xóa, nhưng một số nhà nghiên cứu đã tải chúng xuống để tiếp tục xem xét.
Phân tích vật chất kể trên đã phát hiện ADN động vật trong các mẫu được biết đến là dương tính với virus SARS-CoV-2. Một lượng lớn ADN dường như thuộc về lửng chó, từng được bán ở Chợ Hải sản Hoa Nam tại Vũ Hán, quan chức WHO cho biết hồi tháng 03.
Để làm vậy, các nhà khoa học cần lần dấu từ động vật tới nguồn lây của virus. WHO cũng cần dữ liệu kết quả xét nghiệm người làm việc, buôn bán tại Chợ Hải sản Vũ Hán.
Tuy vậy, bà Van Kerkhove cho biết hiện nay WHO vẫn chưa thể tiếp cận dữ liệu thô mà Trung Quốc đã thu thập từ những ca nhiễm Covid-19 đầu tiên. Bà tin rằng Trung Quốc có dữ liệu mà họ chưa chia sẻ, bao gồm thông tin về việc buôn bán động vật hoang dã và động vật nuôi, kết quả xét nghiệm con người và động vật ở Vũ Hán và trên khắp Trung Quốc, và hoạt động của các phòng thí nghiệm nghiên cứu virus corona.
Việc không chia sẻ thông tin sẽ chỉ thúc đẩy chính trị hóa nguồn gốc đại dịch, theo bà Van Kerkhove.
"Thế giới cần tránh đổ lỗi, thay vào đó tận dụng cách tiếp cận ngoại giao và khoa học để cộng đồng khoa học toàn cầu có thể làm điều họ làm tốt nhất - phối hợp, tập trung vào cuộc khủng hoảng y tế này và tìm ra những giải pháp dựa trên bằng chứng để ngăn chặn các đại dịch trong tương lai," bà Van Kerkhove viết.
Hà An (SHTT)