Phát biểu tại một cuộc họp của Ban điều hành WHO bàn về công tác đối phó đại dịch Covid-19 hồi đầu tuần, ông Mike Ryan - giám đốc phụ trách các chương trình khẩn cấp của WHO - cho biết WHO đã chọn xong các chuyên gia trên khắp thế giới cho sứ mệnh này. Tuy nhiên, thành viên của đội ngũ chính thức và thời điểm họ đến được Trung Quốc còn phải đợi Bắc Kinh quyết định.
Ngày 5-10, ông Ryan thông báo cho nhóm tham vấn: "Danh sách ứng viên đã được gửi đến nhà chức trách Trung Quốc để họ cân nhắc và cho các bước tiếp theo trong việc triển khai nhóm chuyên gia".
Đại diện các nước Mỹ, Úc và Liên minh châu Âu (EU) đã kêu gọi WHO nhanh chóng cử đội điều tra và chia sẻ nhiều thông tin hơn về sứ mệnh này. Thành viên ban điều hành WHO Caroline Edwards, đại diện Úc, nhấn mạnh cuộc điều tra cần sự minh bạch và yêu cầu WHO cung cấp thêm thông tin về đội điều tra viên quốc tế.
Hồi tháng 5, các thành WHO yêu cầu tổ chức này điều tra nguồn gốc virus SARS-CoV-2 lây từ động vật sang người và nguồn gốc đại dịch bùng phát tại Trung Quốc. Đầu tháng 8, đã có 2 chuyên gia WHO được cử đến Trung Quốc tiền trạm, hợp tác với giới chức và các nhà khoa học nước này chuẩn bị cho cuộc điều tra.
Đến tháng 7, WHO cho biết đội chuyên gia quốc tế sẽ bắt đầu làm việc tại Vũ Hán "chỉ vài tuần" sau tiền trạm. Trên thực tế, trong 2 tháng qua, Bắc Kinh vẫn chưa duyệt danh sách chuyên gia. Trong phát biểu ngày 5-10, WHO cũng không tiết lộ danh sách đã được gửi từ lúc nào.
WHO không thể cử nhóm chuyên gia vào một quốc gia thành viên mà không có sự cho phép của họ. Ayelet Berman, thành viên nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Luật Quốc tế thuộc Đại học Quốc gia Singapore, nhận định "từ góc độ pháp lý quốc tế, bàn tay của WHO sẽ bị ràng buộc".
Các nhà quan sát nhấn mạnh uy tín của cuộc điều tra nguồn gốc dịch Covid-19 sẽ phụ thuộc rất nhiều vào chuyên gia được chọn và cách thức tổ chức. Nhất là sau khi có nhiều chỉ trích thời gian qua rằng WHO thiên vị Bắc Kinh trong giai đoạn dịch bệnh mới bùng phát.
David Fidler, chuyên gia về y tế toàn cầu tại tổ chức Hội đồng Quan hệ Quốc tế của Mỹ, cảnh báo: "Xét đến tính chất địa chính trị của dịch Covid-19, sự giằng co qua lại giữa WHO và Trung Quốc sẽ làm nóng trở lại những chỉ trích nhắm cả vào WHO lẫn Trung Quốc, khiến mối quan hệ giữa tổ chức này và chính phủ Trung Quốc bị hoài nghi nhiều hơn".
Trong khi đó, John Lee, một thành viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại Trường ĐH Sydney (Úc), nói rằng nếu sứ mệnh không được coi là đáng tin cậy, nó có thể ảnh hưởng đến vị thế chung của WHO.
Theo H.Bình (Nld.com.vn)