Tiến sĩ Abdi Mahamud, quan chức về Covid-19 của WHO, cho biết cơ quan này đã xem xét "ngày càng nhiều nghiên cứu" cho thấy biến thể Omicron gặp khó khăn trong việc xâm nhập phổi của con người. Ông mô tả những nghiên cứu này là "tin tốt lành".
Dù có khả năng lây nhiễm cực lớn, Omicron cho tới nay được cho là gây ra ít ca nhập viện và tử vong hơn so với các biến thể trước đây.
Giới bác sĩ cho rằng việc tiêm chủng diện rộng và miễn dịch tự nhiên đóng vai trò lớn dẫn tới điều này, tuy vậy nhiều nghiên cứu gần đây cũng cho thấy bản thân biến thể Omicron có thể không gây bệnh nặng.
Nhiều nghiên cứu cho rằng khả năng lây nhiễm nhanh của Omicron cũng có thể là nguyên nhân biến thể này gây bệnh nhẹ hơn.
Các nhà nghiên cứu tại Hong Kong phát hiện virus nhân bản trong đường hô hấp nhanh hơn 70 lần so với Delta, do đó bệnh nhân rất dễ lây virus cho người khác. Tuy vậy, biến thể này nhân bản chậm hơn Delta 10 lần trong phổi, nơi tổn thương do virus gây ra có thể dẫn tới viêm phổi.
Những người mắc Covid-19 nặng có thể bị viêm phổi, dẫn tới khó thở ho. Tình trạng khó thở có thể nặng tới mức họ phải được đặt ống nội khí quản.
Số ca nhập viện tại Anh, nơi biến thể Omicron là phổ biến, đang tăng nhanh, nhưng số ca phải đặt nội khí quản không biến động. Các bác sĩ cũng báo cáo các ca nhiễm Omicron thường nhẹ hơn.
Dữ liệu của Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh cho thấy vào tháng 11/2021 khi biến thể Delta phổ biến nhất, tỷ lệ bệnh nhân nhập viện phải đặt nội khí quản là 16%. Tuy vậy khoảng một tháng sau, khi biến thể Omicron phổ biến nhất, tỷ lệ này giảm xuống còn 6%.
Tiến sĩ Mahamud cho rằng các dữ liệu về Omicron có thể là "tin tốt", tuy vậy cảnh báo biến thể này vẫn có thể gây tình trạng hỗn loạn ở các nước có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Bên cạnh đó, dữ liệu về khả năng gây bệnh nặng của Omicron tại Nam Phi có thể là ngoại lệ do dân số nước này khá trẻ.
Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)