Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus miêu tả quá trình chia sẻ vaccine là "nhỏ giọt, và đang bị các biến thể lấn lướt", sau khi dữ liệu mới nhất cho thấy biến thể Delta đã có mặt tại ít nhất 98 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Cảnh báo được ông Tedros Adhanom Ghebreyesus đưa ra sau khi bà Sarah Gilbert, người đứng đầu nhóm nghiên cứu phát triển vaccine Oxford/AstraZeneca, kêu gọi giới chức Anh thận trọng về đề xuất tiêm chủng cho trẻ em ở nước này.
"Chúng ta cần cân bằng giữa tiêm chủng cho trẻ em ở các nước thu nhập cao với tiêm chủng cho phần còn lại của thế giới, bởi chúng ta cần ngăn chặn lây nhiễm trên toàn cầu," bà Gilbert trả lời phỏng vấn tờ The Observer.
"Chúng ta chưa hoàn toàn thoát khỏi nguy hiểm. Đó là lý do tôi rất lo ngại về việc chuyển giao vaccine cho phần còn lại của thế giới, bởi chúng ta cần ngăn chặn virus lây lan và tiến hóa. Điều đó sẽ tạo ra những biến chủng mới rất khó đối phó," bà nói thêm.
Ghebreyesus cho rằng các nhà lãnh đạo trên thế giới cần đảm bảo ít nhất 10% dân số tất cả các nước được tiêm chủng từ nay tới cuối tháng 09, để chắc chắn dân số dễ bị tổn thương và nhân viên y tế đều được bảo vệ.
"Biến chủng Delta nguy hiểm và vẫn đang tiếp tục tiến hóa và đột biến, cần liên tục đánh giá và điều chỉnh thận trọng các biện pháp đối phó," ông Ghebreyesus nói.
"Biến chủng Delta đã xuất hiện tại ít nhất 98 quốc gia và vùng lãnh thổ, hiện đang lây lan rất nhanh tại các nước có tỷ lệ tiêm chủng cao cũng như thấp," tổng giám đốc WHO cho biết thêm.
"Thế giới cần chia sẻ thiết bị bảo hộ, oxy, các bộ xét nghiệm, thuốc và vaccine," Ghebreyesus nhấn mạnh.
Từ nay tới tháng 07/2021, mọi quốc gia trên thế giới đều cần tiêm chủng cho 70% dân số, Ghebreyesus bổ sung thêm.
"Đây là cách tốt nhất làm chậm đại dịch, cứu thêm nhiều mạng sống và khởi động phục hồi kinh tế toàn cầu, bên cạnh đó cũng ngăn cản các biết chủng nguy hiểm trở nên phổ biến," tổng giám đốc WHO cho biết.
Tính tới thời điểm hiện tại, 3 tỷ liều vaccine đã được phân phối đến các nước, tuy vậy những nước thu nhập thấp cần có thêm các đơn vị sản xuất. Giới chuyên gia kêu gọi các hãng dược phẩm như BioNTech, Pfizer và Moderna chia sẻ công nghệ vaccine để có thể đẩy nhanh quá trình sản xuất.
Tuần trước, Quỹ Tiền tệ Liên hợp Quốc (IMF), Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cùng WHO kêu gọi "hành động khẩn cấp" để tăng nguồn cung vaccine. Họ đề nghị các nước G20 đẩy nhanh nỗ lực đạt mục tiêu tiêm chủng.
Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)