Trước đó hôm 02/12, Anh đã phê duyệt vaccine Covid-19 do Pfizer và BioNTech hợp tác phát triển.
Phát biểu tại Copenhagen, ông Kluge cho rằng nguồn cung vaccine ban đầu sẽ rất hạn chế, và các nước sẽ phải quyết định nhóm đối tượng nào được ưu tiên tiêm vaccine trước.
WHO cho biết hiện đã có "sự đồng thuận" rằng những người đầu tiên được tiêm vaccine sẽ là người cao tuổi, nhân viên y tế và người có tiền sử bệnh lý, như kế hoạch của Anh.
Virus SARS-CoV-2 vẫn có thể gây ra "những thiệt hại to lớn," ông Kluge nói, tuy vậy "tương lai đã tươi sáng hơn" khi các ứng viên vaccine khác của Moderna và AstraZeneca đã cho kết quả thử nghiệm khả quan.
"Càng có nhiều ứng viên càng có nhiều cơ hội thành công. Vaccine cùng những biện pháp y tế công cộng khác sẽ chấm dứt giai đoạn nặng nề của đại dịch và đưa phục hồi kinh tế tới tầm với", Kluge nói trong một buổi họp báo.
Cơ quan kiểm định của châu Âu, sau khi thông tin Anh phê duyệt vaccine của Pfizer được công bố, cho biết quy trình xem xét của họ dài hơn và cần nhiều bằng chứng hơn. Châu Âu và Mỹ được cho là sẽ phê duyệt vaccine trong vài ngày, hoặc vài tuần tới.
Một quan chức WHO, khi được hỏi về những quy trình kiểm định khác nhau, đã cho biết cơ quan này và Co quan Quản lý Thuốc châu Âu đã đề nghị Anh cung cấp tài liệu mà họ sử dụng trong quá trình phê duyệt.
Việc chia sẻ thông tin sẽ giúp xây dựng niềm tin cho những người sẽ là mục tiêu của chương trình tiêm chủng, Siddhartha Datta, quản lý chương trình vaccine của WHO nói với các phóng viên.
"Đây là một quyết định lớn của một cơ quan kiểm định quốc gia, bởi nó sẽ giúp xây dựng niềm tin ở hệ thống," Datta nói.
"Điều rất quan trọng là quá trình này phải vững chắc, quá trình này phải dựa trên bằng chứng và quyết định được đưa ra cần được chia sẻ một cách minh bạch," ông cho biết thêm.
WHO đã nhận dữ liệu về vaccine từ Pfizer và BioNTech, và hiện đang xem xét "phê duyệt sử dụng khẩn cấp".
Đan Anh (Nguoiduatin.vn)