Trong thông báo ngày 22/2, WHO cho biết chương trình No-Fault Compensation (Tạm dịch: Bồi thường không lỗi) là cơ chế đầu tiên và duy nhất trên quy mô toàn cầu bồi thường các trường hợp chịu ảnh hưởng của vaccine. Đối tượng được bồi thường là những người tham gia tiêm chủng loại vaccine được phân phối theo Chương trình phân phối vaccine toàn cầu (COVAX) do WHO dẫn đầu. Chương trình dự kiến sẽ kéo dài đến ngày 30/6/2022, trong đó bồi thường một cách nhanh chóng, công bằng và minh bạch cho những cá nhân gặp phản ứng phụ nghiêm trọng sau khi tiêm chủng, tránh các vụ kiện pháp lý mất nhiều thời gian và tốn kém tiền bạc. Hồ sơ yêu cầu bồi thường sẽ được tiếp nhận qua cổng điện tử www.covaxclaims.com từ ngày 31/3/2021.
Kế hoạch được WHO chấp thuận nói trên đã được thảo luận trong vài tháng qua. Chương trình sẽ bồi thường cho những người gặp các tác dụng phụ nghiêm trọng liên quan đến bất kỳ loại vaccine COVID-19 nào do COVAX phân phối, kéo dài đến ngày 30/6/2022. Việc bồi thường sẽ được thực hiện đối với người dân ở 92 nước nghèo, chủ yếu là các quốc gia châu Phi và Đông Nam Á.
Ông Seth Berkley, Giám đốc điều hành của Liên minh vaccine GAVI, đồng lãnh đạo COVAX, cho biết, thỏa thuận về quỹ bồi thường này là "một sự thúc đẩy, hỗ trợ mạnh mẽ" cho cơ chế COVAX, qua đó đảm bảo quyền tiếp cận công bằng trên toàn cầu đối với vaccine COVID-19.
Trong bối cảnh thế giới vẫn đang chống chọi với dịch bệnh COVID-19, các chương trình tiêm chủng đã được triển khai tại nhiều nước với các loại vaccine đã được cấp phép sử dụng. Báo cáo của WHO cho biết tính đến ngày 19/2, còn 251 loại vaccine ngừa COVID-19 tiềm năng đang được phát triển trên toàn thế giới.
Đức Minh (nguoiduatin.vn)